Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thụy Sĩ chia rẽ vì bí mật ngân hàng 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thụy Sĩ chia rẽ vì bí mật ngân hàng 

Danh sách 52.000 khách hàng mà UBS bị Mỹ thúc ép cung cấp đang làm lung lay quy định bí mật ngân hàng.

(TBKTSG Online) - Ngay sau khi UBS bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc cung cấp danh sách các khách hàng gửi tiền để phục vụ cho việc điều tra chống trốn thuế, cuộc tranh luận về tương lai của quy định bí mật ngân hàng ở Thụy Sĩ trở nên quyết liệt hơn.

Khi cung cấp danh tánh khoảng 250 khách hàng mà mình đã giúp trốn thuế và trả 780 triệu đô la Mỹ, ngân hàng UBS nghĩ rằng đã yên thân. Nhưng khi cơ quan thuế của Mỹ yêu cầu cho biết lai lịch của 52.000 khách hàng có “tài khoản mật bất hợp pháp”, mọi việc trở nên rắc rối hơn.

Ông Pierre Mirabaud, chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng UBS đánh mất danh dự thông qua sự thất vọng của đa số các đồng nghiệp trước việc ngân hàng này đã được chính phủ cứu giúp hàng tỉ đô la để vượt qua cơn khủng hoảng vay tín dụng dưới chuẩn (subprimes). Và họ cũng nghĩ rằng không như tuyên bố chính thức trước đó, lãnh đạo cao nhất của UBS hoàn toàn nắm rõ những biện pháp được áp dụng từ năm 2000 đến 2007 nhằm thu hút người gửi tiền ở Mỹ muốn trốn thuế.

Nhưng trên báo chí trong nước, ông Mirabaud giải thích rằng bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ vẫn luôn “vận hành”, với chút phân biệt rất nhỏ giữa gian lận thuế và trốn thuế. Theo luật Thụy Sĩ, trốn thuế là quên khai thuế hoặc khai thấp và chỉ là vi phạm hành chánh, trong khi gian lận thuế là có hành vi ma mãnh và là vi phạm hình sự (hiệp định đánh thuế hai lần giữa Mỹ và Thụy Sĩ có dự kiến việc trao đổi thông tin trong trường hợp gian lận thuế hoặc những hành động tương tự).

Trong giới chính trị, nỗi lo cũng gia tăng. Tổng thống liên bang Thụy Sĩ, ông Hans-Rudolf Merz ước tính vụ phá sản UBS sẽ gây thiệt hại 300 tỉ franc Thụy Sĩ (khoảng 258 tỉ đô la Mỹ) cho nền kinh tế nước này. Ngay cả chuyện bí mật ngân hàng cũng đang bị Bruxelles soi kính lúp. Alexander Wiedow, giám đốc về những vấn đề thuế ở Cộng đồng châu Âu khi được nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ phỏng vấn cho rằng “sự phân biệt giữa gian lận và trốn thuế là không thể chấp nhận được ở tầm mức thế giới”.

Ngày 22-2, trên tờ The Observer, bộ trưởng tài chính Alistair Darling của Anh đã kêu gọi Thụy Sĩ cải cách luật thuế và ngân hàng theo hướng phù hợp với luật hiện hành của châu Âu. Ông nói “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải công khai. Có đến hơn phân nửa số vấn đề nảy sinh là do chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra. Nếu muốn tham gia vào cộng đồng quốc tế, Thụy Sĩ phải cởi mở. Bí mật cho phép những người che giấu tài sản của mình mà không phải đóng thuế là vô lý”. Tuy nhiên, Thụy Sĩ lại không được mời dự cuộc họp của G20 bàn về những biện pháp trừng phạt các thiên đường thuế tổ chức vào ngày 2-4 sắp tới.

Nhằm ngăn ngừa những “mưu đồ tống tiền của nước ngoài”, đảng cánh hữu quốc gia UDC đề nghị đưa bí mật ngân hàng vào trong hiến pháp liên bang. Đảng xã hội ở nước này chủ trương xóa bỏ bí mật ngân hàng có thời hạn lại yêu cầu thành lập một “lực lượng đặc nhiệm” nhằm “bảo vệ Thụy Sĩ khỏi những thiệt hại mới xuất phát từ hệ thống trốn thuế mà UBS hẳn đã tổ chức ở Mỹ”.

Nhưng trách nhiệm của các lãnh đạo UBS cũng bị nêu ra. Để thuyết phục một tòa án ở Miami (Mỹ) buộc UBS chuyển giao thông tin về 52.000 tài khoản bí mật theo một thủ tục dân sự có tên gọi “John Doe” cho phép lấy được thông tin về khả năng gian lận thuế ở những người chưa biết rõ lai lịch, ông Daniel reeves của thuế vụ Mỹ đã lập ra một hồ sơ dày 305 trang gồm các email và thông tin nội bộ của UBS, theo Le Monde.

Trên trang 149 của hồ sơ là một bức fax ngày 9-1-2002 gửi đến Walter Sturzinger, thành viên ban lãnh đạo UBS, với bản sao gửi đến tổng giám đốc Marcel Rohner, nhắc đến khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng tư nhân cho các công dân Mỹ, do “cách tiếp cận rất hạn chế của chế độ điều tiết ở Mỹ” và việc cần thiết phải tìm ra “một mô hình kinh doanh mới”. Từ 2001, thỏa thuận gọi là “nhà trung gian có trình độ” buộc các ngân hàng Thụy Sĩ phải báo cho cơ quan thuế mọi tài khoản do công dân Mỹ mở. Nhưng trong trang 94 của báo cáo trên, một sơ đồ do UBS lập ra lại cho thấy trong khoảng thời gian từ 2002-2005, các tài khoản khai báo được tách khỏi các tài khoản không khai báo.

Năm 2003, theo các số liệu của UBS, số tài khoản không khai báo là 52.000 (với số tiền gửi tổng cộng 14,8 tỉ đô la Mỹ). Việc quản lý chúng được giao cho các chủ ngân hàng đặt tại Zurich, Lugano và Geneva, trong đó có Bardley Birkenfeld, người Mỹ đã gây ra scandal. Bị một khách hàng tố cáo, ông này đã kể, vào mùa hè năm 2008, bằng cách nào chuyện kinh doanh xuyên biên giới của ngân hàng tư nhân không có giấy phép lại thu hút những người Mỹ giàu có, rồi sau đó đề nghị với họ biện pháp ngụy trang.

Ngày 21-2, tờ Le Temps cho biết Peter Kurer, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị, tham gia UBS vào tháng 5-2001 vào thời điểm ngân hàng này đang xem xét thỏa thuận được gọi là “nhà trung gian có trình độ” giữa Mỹ và Thụy Sĩ. Ông Kurer từng làm việc ở Baker & McKenzie tại Zurich trong những năm 1980. Theo tài liệu do phía Mỹ công bố, từ năm 2000 Baker & McKenzie đã tư vấn cho UBS sử dụng các công ty ngụy trang cho khách hàng Mỹ muốn giấu lai lịch của mình. “Những khẳng định theo đó hai ông Kurer và Rohner được thông tin về gian lận thuế thông qua các công ty hải ngoại là hoàn toàn sai”, phát ngôn viên của UBS lập luận.

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới