Thụy Sĩ: SME nhận được tiền vay cứu trợ chỉ sau 30 phút gửi đơn
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Gói cho vay giải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Thụy Sĩ với thủ tục nhanh gọn hết mức có thể, đang được ca ngợi là mô hình mẫu để các nước châu Âu học tập giữa lúc giới doanh nghiệp ở khu vực này đang cần tiền mặt khẩn cấp để chống đỡ tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
![]() |
Đường phố Zurich, Thụy Sĩ trở nên vắng vẻ sau khi Chính phủ nước này ban hành tình trạng khẩn cấp từ 16-3. Ảnh: Reuters |
Để ứng phó dịch Covid-19, Chính phủ Thụy Sĩ đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài từ 16-3 đến 19-4. Trong thời gian này, trừ các cửa hàng thực phẩm và tiệm thuốc, tất cả các nhà hàng, cơ sở giải trí, khách sạn... phải đóng cửa. Người dân được khuyến cáo ở nhà không được tụ tập quá năm người ở nơi công cộng. Tác động kinh tế khủng khiếp của dịch bệnh khiến Chính phủ nước này khẩn cấp tung gói cho vay giải cứu doanh nghiệp với thủ tục đơn giản và nhanh chóng.
Vừa nộp đơn đã được vay
Hôm 25-3, chính phủ Thụy Sĩ công bố gói cho vay khẩn cấp trị giá 20 tỉ franc Thụy Sĩ (20 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ các SME. Trong tuần đầu tiên triển khai, gói cho vay giải cứu này đã giải ngân hơn 15 tỉ franc Thụy Sĩ cho 76.034 doanh nghiệp.
Matthias Knauer, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Thụy Sĩ, cho biết ông chỉ mất khoảng 1-2 phút để hoàn thành mẫu đơn dài chỉ một trang để xin đăng ký vay từ gói cứu trợ của chính phủ. Khoảng 30 phút sau khi gửi đơn, tiền giải cứu đã vào tài khoản của công ty ông.
Thủ tục và tốc độ giải ngân khoản vay “nhanh như điện” mà ông nhận được tại Thụy Sĩ trái ngược hoàn toàn với những gì ông trải qua ở Anh. Công ty ông có một công ty chuyên về dịch vụ hỗ trợ phần cứng máy tính, đặt trụ sở tại thị trấn Ilkley, hạt North Yorkshire (Anh). Công ty con này có 80 nhân viên và là đơn vị sử dụng lao động lớn thứ hai tại Ilkley.
Sau nhiều ngày gọi điện đến các cơ quan chức năng ở Anh, ông nhận được câu trả lời cho biết đơn xin vay khẩn cấp từ gói giải cứu doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỉ bảng của chính phủ Anh đã bị từ chối.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các công ty con khác của ông ở châu Âu. Ông nói: “Tại Đức, hệ thống đăng ký gói vay hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do dịch Covid-19 bị quá tải và sập, còn thủ tục giấy tờ đăng ký vay hỗ trợ tại Pháp quá rối rắm. Các SME là xương sống của tất cả những nền kinh tế này và họ đang cần tiền ngay. Tôi không nghĩ các nhà chính trị nhận thức được hết tầm quan trọng to lớn vấn đề này”.
Đến người vay cũng phải "choáng"
Vì chương trình cho vay được vận hành thông qua mạng lưới ngân hàng và mối quan hệ khách hàng của họ, giới chức trách có thể nhanh chóng giải ngân khoản vay chỉ sau một đêm. Chương trình này hầu như không cần thêm bất cứ hạ tầng hành chính mới nào vì các ngân hàng đã nắm sẵn lịch sử tín dụng cần thiết cũng như dữ liệu về khách hàng của họ.
Ngay cả những doanh nghiệp Thụy Sĩ, vốn đã quen với cung cách làm việc khá hiệu quả ở đất nước của họ, cũng... choáng trước tốc độ chống trả tác động của dịch Covid-19 của Chính phủ và hệ thống ngân hàng ở nước này!
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến tốc độ giải quyết nhanh đến như vậy. Tôi nộp đơn vào chiều thứ Sáu và nhận được tiền vào sáng thứ Hai. Tất cả những gì phải làm là điền vào một mẫu đơn dài một trang”, Alberto Belloli, chủ một doanh nghiệp gia đình ở bang Graubunden, Thụy Sĩ, nói với tờ Financial Times.
Với số tiền nhận được tứ gói cho vay hỗ trợ, Belloli có thể trả lương cho nhân viên và có thời gian để triển khai các biện pháp bảo vệ sự sống còn của doanh nghiệp. Ông nói: “Sự hợp tác giữa ngân hàng và Chính phủ Thụy Sĩ rất tuyệt vời. Tốc độ giải ngân khoản vay là rất quan trọng để bảo vệ việc làm tại đây”.
Chương trình cho vay giải cứu doanh nghiệp SME ở Thụy Sĩ gồm có hai phần. Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể xin đăng ký khoản vay khẩn cấp với giá trị vay lên tới 10% doanh thu hàng năm của họ nhưng không được vượt quá 500.000 franc Thụy Sĩ. Khoản vay khẩn cấp này sẽ không tính lãi, được các ngân hàng ở Thụy Sĩ cung cấp và được chính phủ bảo lãnh 100%. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần điền vào mẫu đơn khai báo tình hình khó khăn của doanh nghiệp và số tiền cần vay là xong. Do chính phủ đã đứng ra bảo lãnh 100% khoản vay nên các ngân hàng không cần phải xét duyệt.
Thứ hai, các doanh nghiệp có thể vay đến 20 triệu franc từ các ngân hàng với mức lãi suất 0,5%/năm và chính phủ đứng ra bảo lãnh 85% khoản vay này.
Nhận thấy nhu cầu vay của doanh nghiệp còn lớn, hôm 3-4, chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố tăng gấp đôi quy mô gói giải cứu lên mức 40 tỉ franc Thụy Sĩ. Hôm 7-4, Thụy Sĩ nâng mức cho vay tối đa dành cho các SME lên 40 triệu franc Thụy Sĩ với mức lãi suất 0,5% và chính phủ đứng ra bảo lãnh 85% khoản vay này.
Chết tên là phản diện lại sắm vai anh hùng
Giới tinh hoa chính trị cầm quyền và doanh nghiệp của Thụy Sĩ, thường bị chỉ trích chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm của họ, lại là yếu tố chủ chốt để thúc đẩy nhanh chương trình cho vay giải cứu SME ở Thụy Sĩ.
Kế hoạch giải cứu SME bắt đầu từ ý tưởng của Thomas Gottstein, Giám đốc điều hành Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), khi ông quan sát dữ liệu kinh tế tiêu cực dồn dập được chuyển đến bàn làm việc của ông.
Sau các cuộc điện đàm của ông với Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ, Ueli Maurer, Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ, Thomas Jordan và Mark Branson, Giám đốc Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA), một tổ chuyên trách đã được thành lập để tập hợp các ngân hàng chung tay giải cứu doanh nghiệp. Bốn ngày sau đó, kế hoạch gói cho vay giải cứu SME đã sẵn sàng triển khai.
Ông Gottstein nói: “Điều quan trọng là quy trình phải được thực hiện một cách nhanh chóng và đơn giản, để tiền được chuyển đến tài khoản của các doanh nghiệp càng nhanh càng tốt”.
Tổng cộng có 121 ngân hàng tham gia hợp tác trong chương trình cho vay giải cứu các SME, trong đó, UBS là ngân hàng lớn nhất và cũng là nơi cung cấp số tiền vay lớn nhất.
Axel Lehmann, Chủ tịch Ngân hàng UBS Thụy Sĩ, nói: “Chúng tôi đã giải quyết hơn 10.000 yêu cầu vay trong hai ngày đầu tiên”. Ông tiết lộ UBS đã tăng cường thêm 300 nhân viên để xử lý chương trình cho vay giải cứu doanh nghiệp đồng thời sử dụng 100 robot, tức các thuật toán và ứng dụng xử ký và quét dữ liệu tự động để xử lý các yêu cầu vay một cách nhanh chóng.
Hans Gersbach, Giáo sư kinh tế vĩ mô ở Đại học bách khoa ETH Zurich (Thụy Sĩ), nói: “Doanh nghiệp nhỏ đang đứng ở đầu sóng ngọn gió của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Nếu họ không thể tồn tại với sức khỏe tài chính khỏe đầy đủ và với khả năng tái đầu tư sau cuộc khủng hoảng này thì nền kinh tế sẽ gặp khó khăn rất lớn”.
Theo Financial Times, The Guardian, The Local