Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiềm ẩn rủi ro ‘độc quyền’ trong xét nghiệm Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiềm ẩn rủi ro ‘độc quyền’ trong xét nghiệm Covid-19

Lan Nhi

Tiềm ẩn rủi ro 'độc quyền' trong xét nghiệm Covid-19

(KTSG Online) – Việc xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) và xét nghiệm PCR, với chi phí dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng (tùy loại, tùy nơi) tại các cơ sở được địa phương chỉ định, là yêu cầu bắt buộc đối với tài xế vận tải hàng hóa và người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm quá cao, vẫn mang yếu tố độc quyền và tiềm ẩn nhiều rủi ro đang là vấn đề đáng quan tâm.

Ngày 2-8, một doanh nghiệp vận tải khi đang có mặt tại điểm xét nghiệm Covid-19 ở Đình Vũ, khu vực đầu đường quốc lộ 5B (Hải Phòng), đã gửi hình ảnh và đoạn video (video clip) đến Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Từ dữ liệu nêu trên, doanh nghiệp này cho biết, ngày nào cũng như ngày nào, hoạt động xét nghiệm đều đông đúc, chỉ Chủ nhật thì mật độ xét nghiệm mới giảm đi đôi chút.

Theo dữ liệu từ các công ty logistics, tại cụm cảng và các khu công nghiệp ở Hải Phòng, hiện có khoảng 23.000 lái xe chạy hàng liên tục, họ đều phải xét nghiệm với tần suất 72 giờ/lần tại 35 cơ sở xét nghiệm được thành phố chỉ định. Như vậy, tính trung bình thì một cơ sở mỗi ngày sẽ thực hiện khoảng 700 ca xét nghiệm. Sự đông đúc nhộn nhịp từ sáng tới đêm tại các cơ sở xét nghiệm đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ tại thành phố cảng nói trên mà tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh có chuỗi cung ứng thường xuyên có xe vận tải di chuyển.

Chi phí xét nghiệm PCR hiện dao động từ 700.000-1.000.000 đồng/người/lần; chi phí xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 đồng/người/lần. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa vào khoảng 800.000 người trên cả nước, với tần suất xét nghiệm PCR từ 11-15 lần/tháng, chi phí phải bỏ ra của các doanh nghiệp vận tải đã là hàng ngàn tỉ đồng. Chưa kể hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng phải xét nghiệm. Và việc xét nghiệm đều phải được tiến hành tại các cơ sở y tế do Sở Y tế địa phương chấp thuận.

Theo tìm hiểu của Ban IV, doanh nghiệp đã “sống dở, chết dở” với những cơn bùng phát dịch bệnh trong hơn một năm qua, bên cạnh việc nỗ lực thay đổi để thích nghi với những quy định về phòng chống dịch bệnh trong sản xuất, kinh doanh thì nay lại gánh chịu thêm khoản chi phí xét nghiệm đắt đỏ. Sức chống đỡ mỗi ngày bị “bào mòn”, mà nếu ngừng chuỗi cung ứng thì thiệt hại cũng chồng chất nên vẫn phải “cắn răng chịu đựng”.

Theo ghi nhận của người viết, một bộ xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2 do một công ty Việt Nam sản xuất và đã được cấp phép lưu hành (Công ty TNHH EVD Dược phẩm và Y tế tại Khu công nghiệp Hoàng Mai, Tam Trinh, Hà Nội) có thể cho kết quả nhanh sau 15 phút và có giá sau thuế là 99.750 đồng/bộ. Mức giá bán này rất rẻ so với mức phí xét nghiệm nhanh tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế hiện nay do các địa phương chỉ định bắt buộc.

Ban IV đã đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kỹ lưỡng “quy trình vận tải an toàn – lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logisitcs Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm Covid-19 (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest – tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng, nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay. Mặt khác, cách thức selftest đồng thời cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cam kết với Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các chỉ đạo, kêu gọi từ Chính phủ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động, nỗ lực duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới