Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiêm thêm vaccine Covid, cần chứng cứ khoa học thay vì khuyên ‘nên đủ liều’

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều địa phương đã ghi nhận tình trạng người dân từ chối tiêm mũi thứ 3 và mũi thứ 4, vaccine ngừa Covid-19.

Như ở TPHCM, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 9-6 vừa qua, tỷ lệ tiêm mũi 3 chỉ đạt gần 64%, tiến độ tiêm mũi 4 cũng khá chậm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều nơi làm một số tỉnh, thành không nhận thêm vaccine, thậm chí xin điều chuyển số vaccine đã được phân bổ.

Trước việc này, vào đầu tháng 6, Bộ Y tế đã có công điện gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đề nghị tiếp nhận và triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19. Địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ nhóm người thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trong việc đẩy nhanh độ phủ vaccine, áp lực của địa phương là rất lớn vì hiện tại, tiến độ tiêm ngừa không còn phụ thuộc vào việc cơ quan y tế có bao nhiêu vaccine như hồi đầu dịch nữa mà chủ yếu dựa vào quyết định tiêm hay không tiêm của người dân.

Việc bắt buộc tiêm chủng cũng không thể thực hiện được vì Covid-19 tuy đã được công bố là dịch và là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc nhưng lại chưa nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Trong bối cảnh này, nếu cơ quan chức năng muốn người dân đồng ý tiêm thêm vaccine thì phải tìm hiểu lý do họ từ chối để tìm cách tháo gỡ.

Theo khảo sát nhỏ của người viết và tổng hợp thông tin từ một số phương tiện truyền thông, nhiều người không muốn tiêm vì cho rằng dịch bệnh đã tạm yên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh hiện tại đều như cúm mùa, nếu có nặng thì các bệnh viện đã có kinh nghiệm chữa trị rất tốt.

Lại có những người cho biết, đã từng tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh nên không tiêm vì hơi hoài nghi về hiệu quả của vaccine và thấy đã đủ kháng thể. Nhiều người từ chối tiêm thêm vì đã quá mệt mỏi do cơ thể không chỉ “bị hành”ngay sau mỗi lần tiêm mà còn gặp những triệu chứng như dị ứng, khó thở lâu dài sau đó.

Thêm vào đó, việc tiêm thiếu hay đủ vaccine không còn ảnh hưởng đến đi lại, giao thương trong nước và quốc tế cũng là lý do khiến nhiều người hoãn tiêm mũi 3, mũi 4. Hiện tại, trong quy định về nhập cảnh, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã bỏ yêu cầu về tiêm vaccine ngừa Covid-19; có những nước, như Hàn Quốc tuy vẫn yêu cầu hành khách phải tiêm nhưng lại vừa bỏ yêu cầu về số lượng mũi tiêm.

Từ hàng loạt nguyên nhân trên, có thể thấy, cách tốt nhất để thuyết phục người dân tiêm thêm vaccine là đưa ra các chứng cứ khoa học về hiệu quả và việc có hay không những tác dụng phụ lâu dài của vaccine.

Người dân cần những điều tra, nghiên cứu chuyên sâu của cơ quan y tế về hiệu quả thực tế của từng loại vaccine, từng mũi tiêm khi được tiêm tại Việt Nam thay vì các công bố hiệu quả của vaccine do nhà sản xuất đưa ra hoặc các nghiên cứu ở nước ngoài. Thêm vào đó, là nghiên cứu về các tác dụng phụ lâu dài (nếu có) khi đưa vaccine vào cơ thể để có thể cân nhắc giữa hiệu quả và nguy cơ nhằm đưa ra quyết định tiêm chủng.

Covid-19 đã xảy ra trong thời gian dài, người dân đã có kinh nghiệm và kiến thức hơn về dịch bệnh. Vì thế, ngành y tế cần thuyết phục người dân bằng chứng cứ khoa học thay vì bằng những khuyến cáo như nên tiêm “đúng lịch, đủ liều” để bảo vệ bản thân và cộng đồng như một số nơi vẫn đang tuyên truyền.

1 BÌNH LUẬN

  1. Các nước chỉ khuyến cáo tiêm các đối tượng có nguy cơ cao (lớn tuổi/ đề kháng kém…), chứ không tổ chức tiêm đại trà nữa. Lưu ý rằng ta đang bước vào giai đoạn miễn dịch cộng đồng ở mức độ cao. Những gì của tự nhiên nên để tự nhiên xử lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới