Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiêm vắc-xin phòng heo tai xanh: Chờ nghiên cứu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiêm vắc-xin phòng heo tai xanh: Chờ nghiên cứu

Ngọc Hùng thực hiện

Ông Mai Xuân Hiệp. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Dịch bệnh heo tai xanh vẫn còn bùng phát mạnh và người nuôi heo vẫn đang còn lúng túng trong việc phòng, chống bệnh, đặc biệt là việc sử dụng vắc-xin để phòng bệnh heo tai xanh. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Mai Xuân Hiệp, Cục phó Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.

>> Lúng túng với dịch heo tai xanh

>> TPHCM chi hơn 7 tỉ đồng phòng. chống dịch heo tai xanh

TBKTSG Online: Xin ông cho biết tình hình sử dụng vắc-xin bệnh heo tai xanh trên thị trường hiện nay?

Ông Mai Xuân Hiệp: Theo nghiên cứu của Cục thú y thì vi-rút gây bệnh tai xanh ở trên hiện trường các tỉnh, thành so với những năm trước không có gì khác biệt, chỉ khác ở chỗ là độc lực của vi-rút mạnh hơn.

Hiện trên thị trường có 4 loại vắc-xin heo tai xanh đang được người chăn nuôi sử dụng. Qua thực tế kiểm nghiệm của Cục Thú y, những loại vắc-xin này chỉ có giới hạn hiệu lực 40-60% nhưng giá thành khá cao, 20.000 – 40.000 đồng/liều. Chính vì vậy, Cục thú y không bắt buộc người dân sử phải dụng vắc-xin bệnh tai xanh trên đàn heo vì tiêm vắc-xin có hiệu lực như vậy thì heo vẫn có thể bị bệnh.

Tuần trước, trong cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành có dịch heo tai xanh, nhiều sở nông nghiệp địa phương cho rằng nếu có phác đồ điều trị thì có thể khống chế dịch tốt hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Theo ghi nhận ban đầu của Cục thú y, về cơ bản dịch heo tai xanh có chu kỳ xuất hiện 2 năm/lần tại cùng một địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ dừng lại ở việc ghi nhận chứ chưa có kết quả kiểm tra chính thức. Còn các sở nông nghiệp thì cho rằng có phác đồ điều trị thì có thể khống chế dịch tốt hơn thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế muốn có phác đồ điều trị không phải là đơn giản.

Trên góc độ chuyên môn, muốn xác định được phác đồ điều trị phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện chăn nuôi của từng địa phương, độ tuổi của heo nên không thể đưa ra phác đồ điều trị tổng quát cho các tỉnh thành được. Đơn cử, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của Nam bộ công bố dịch heo tai xanh và hiện có 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này có dịch với hơn 30.000 con heo mắc bệnh – tính đến ngày 12-8 nhưng chỉ có 30% trong số đó khỏi bệnh. Từ tỷ lệ heo khỏi bệnh này mà xây dựng phác đồ điều trị cho đàn heo trên các huyện, thị xã của tỉnh Tiền Giang trong những năm sau này là không hiệu quả.

Muốn heo không bị nhiễm bệnh, cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh heo tai xanh là phải sử dụng biện pháp tổng hợp. Ngoài tiêm phòng vắc-xin heo tai xanh cần phải tiêm phòng thêm các loại vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn cũng như các biện pháp an toàn sinh học như tiêu độc khử trùng thường xuyên tại nơi chăn nuôi.

Như ông nói ở trên, theo chu kỳ 2 năm/lần dịch heo tai xanh có thể sẽ xuất hiện trở lại vào năm 2012. Nếu đúng như vậy Cục thú y sẽ làm gì để giúp người dân ngăn chặn dịch?

– Theo tôi, trên thế giới chưa nước nào tìm được công thức điều trị đặc hiệu đối với bệnh heo tai xanh. Sau khi dịch heo tai xanh bùng phát vào năm 2008 đến nay, Cục thú y vẫn chưa xác định được phương cách điều trị bệnh này cũng là điều dễ hiểu.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho nhập khẩu một số lượng vắc-xin, chủ yếu của Trung Quốc vì loại này tương thích với chủng vi-rút bệnh đang có tại nước ta để giúp các tỉnh tiêm phòng và một phần dùng để nghiên cứu loại vắc-xin này. Song song với đó, Cục thú y cùng các địa phương đang tiến hành nghiên cứu các mô hình kiểm dịch để trong thời gian tới nếu dịch xuất hiện chúng ta biết cách kiểm soát tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới