Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền ảo Libra của Facebook vấp phải làn sóng phản đối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền ảo Libra của Facebook vấp phải làn sóng phản đối

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Kế hoạch tham vọng Facebook với tiền ảo Libra vấp phải sự phản đối không chỉ tại Mỹ và còn ở châu Âu do các lo ngại về sức mạnh quá lớn của Facebook, an toàn dữ liệu người dùng cũng như vấn nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Tiền ảo Libra của Facebook vấp phải làn sóng phản đối
Dự án tiền ảo Libra của Facebook hứa hẹn tạo ra một đồng tiền ảo ổn định giúp người dùng dễ dàng gửi tiền và thanh toán cho các giao dịch mua bán trực tuyến. Ảnh: Getty

Hôm 18-6, trong một nỗ lực mở rộng sang mảng kinh doanh thanh toán số, Facebook chính thức giới thiệu đồng tiền ảo toàn cầu mới có tên gọi Libra.

Facebook cũng công bố 28 đối tác tham gia Hiệp hội Libra nhằm giúp phát triển và vận hành đồng tiền ảo này, bao gồm các tên tuổi đáng chú ý như ba hãng thanh toán Visa, Mastercard, PayPal, hai hãng gọi xe Uber và Lyft, công ty công nghệ tài chính Stripe (Mỹ), nền tảng đặt phòng khách sạn Booking, hai công ty thương mại điện tử MercadoLibre (Argentina), eBay (Mỹ), nền tảng bán hàng thời trang cao cấp FarFetch (Anh), nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify…

Mỗi đối tác này sẽ đóng góp tối thiểu 10 triệu đô la Mỹ để gia nhập Hiệp hội Libra. Facebook đặt mục tiêu thu hút 100 đối tác tham gia hiệp hội này.

Để hỗ trợ các giao dịch, Facebook thành lập công ty con có tên gọi Calibra nhằm cung cấp các ví điện tử để người dùng cất giữ, gửi và chi tiêu Libra. Calibra sẽ được kết nối với các nền tảng nhắn tin của Facebook bao gồm Messenger và WhatsApp. Toàn thể hệ thống Libra dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2020.

Các lãnh đạo Facebook và các đối tác của Libra đang có những tham vọng lớn. Họ hy vọng tiền ảo Libra không chỉ hỗ trợ giao dịch giữa các khách hàng đã thông thạo mua bán trên mạng với các doanh nghiệp trên toàn cầu mà còn cung cấp cho những khách hàng không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính lần đầu tiên.

Tuy nhiên, ngay sau khi Facebook công bố kế hoạch về tiền ảo Libra, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự nghi ngại và phản đối.

Hạ nghị sĩ Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ, kêu gọi các lãnh đạo Facebook ra điều trần trước Quốc hội Mỹ đồng thời yêu cầu công ty dừng phát triển Libra cho đến khi các nghị sĩ và các cơ quan quản lý thẩm định xong dự án này.

Bà Waters nói: “Với việc thông báo kế hoạch phát triển một đồng tiền ảo, Facebook đang tiếp tục mở rộng mà không chịu sự kiểm soát và thâm nhập vào cuộc sống của người dùng”.

“Facebook đã quá lớn và quá quyền lực. Công ty này đã sử dụng quyền lực đó để khai thác dữ liệu người dùng mà không bảo vệ quyền riêng tư của họ. Chúng ta không thể cho phép Facebook vận hành một đồng tiền ảo mới đầy rủi ro từ một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ mà không có sự giám sát”, bà nói tiếp khi ám chỉ đến việc Facebook có kế hoạch đặt trụ sở của Hiệp hội Libra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thượng nghĩ sĩ Sherrod Brown, thành viên cao cấp của Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ cũng cho rằng tiền ảo Libra sẽ tạo cho Facebook các lợi thế cạnh tranh không công bằng trong việc thu thập dữ liệu về các giao dịch tài chính cũng như kiểm soát về mức phí chuyển tiền.

Hạ nghị sĩ Maxine Waters và thượng nghĩ sĩ Sherrod Brown kêu gọi các cơ quan quản lý tài chính ở Mỹ phải kiểm tra chặt chẽ dự án Libra.

Các nguồn tin cho biết Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ sẽ mở phiên điều trần về dự án Libra vào ngày 16-7 tới và David Marcus, người đứng đầu dự án này dự kiến sẽ ra điều trần.

Các cơ quan quản lý và quan chức của các chính phủ khác trên toàn cầu cũng nhanh chóng ra những tuyên bố phản đối dự án Libra của Facebook.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng tiền ảo Libra không nên được xem là sự thay thế cho các tiền tệ truyền thống. Ông kêu gọi không cho phép Libra trở thành một tiền tệ chính thức.

“Điều đó không thể được phép xảy ra”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng yêu cầu các thống đốc ngân hàng trung ương từ nhóm các nước công nghiệp G7 chuẩn bị một bản báo cáo về dự án tiền ảo Libra trong cuộc họp của họ vào giữa tháng 7 tới. Ông lo ngại tiền ảo Libra sẽ dẫn đến các vấn đề liên quan đến dữ liệu riêng tư của người dùng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Libra cũng là chủ đề thảo luận tại hội nghị chuyên đề hàng năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang diễn ra ở Sintra, Bồ Đào Nha. Tại hội nghị, khi đề cập đến Libra, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, nói: “Bất cứ điều gì hoạt động rộng rãi trong thế giới này sẽ ngay lập tức mang tính hệ thống, do đó, sẽ phải chịu sự áp đặt các tiêu chuẩn quản lý cao nhất”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần phải có tư tưởng cởi mở với các công nghệ hỗ trợ chuyển tiền xuyên biên giới. Ông nói: “Chúng tôi sẽ xem xét tiền ảo Libra kỹ càng và trên cơ sở cùng phối hợp ở các tổ chức đa phương bao gồm G7 và Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) và Ủy ban Bình ổn tài chính (FSB)”.

Trong khi đó, Markus Ferber, thành viên Nghị viện châu Âu, nói rằng Facebook, với hơn hai tỉ người dùng, có thể trở thành “một ngân hàng bóng tối”, do vậy, các cơ quan quản lý cần cảnh giác cao độ về điều này. “Ngân hàng bóng tối” là ngân hàng ngầm, không chịu sự quản lý chặt chẽ giống như các ngân hàng chính thống khác.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kịch liệt phản đối dự án tiền ảo Libra. Ảnh: The Block

Facebook đang hợp tác với một số tên tuổi lớn trong lĩnh lực thanh toán và công nghệ như Visa và Uber để phát triển Libra theo hướng trở thành đồng tiền ảo ổn định để tránh các biến động giá quá lớn ở bitcoin và điều này sẽ mang lại lợi ích cho thương mại điện tử. Theo kế hoạch, Libra sẽ được vận hành vào đầu năm sau và giá của nó sẽ được neo với rổ ngoại tệ mạnh của các chính phủ.

Dù bitcoin thu hút nhiều sự chú ý kể từ khi ra đời cách đây một thập kỷ, nó vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thanh toán. Trong khi đó, Facebook có kế hoạch xây dựng một ví điện tử mới hoạt động ở các ứng dụng Messenger và WhatsApp để giúp người dùng dễ dàng gửi tiền ảo Libra cho bạn bè, gia đình cũng như chuyển tiền thanh toán cho các công ty bán hàng trên mạng thông qua các ứng dụng này.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire phát biểu tại Quốc hội Pháp hôm 18-6: “Đồng tiền ảo này sẽ cho phép Facebook tập hợp nhiều dữ liệu hơn (của người dùng) và càng làm tăng quyết tâm của chúng ta về việc quản lý các gã khổng lồ Internet”.

Facebook vốn đang đối mặt với sự chỉ trích của các cơ quan quản lý Mỹ về việc lạm dụng dữ liệu người dùng và không nỗ lực hết sức để ngăn chặn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các vấn đề  này khiến một số quan chức chính phủ Mỹ kêu gọi xử phạt nặng Facebook hoặc bắt buộc công ty này phải chẻ nhỏ ra.

David Marcus, người đứng đầu dự án Libra của Facebook cho biết Libra là đơn vị đo lường trọng lượng thời La Mã và cũng là tên của chòm sao (Thiên Bình) trong hoàng đạo đại diện cho công lý, còn trong tiếng Pháp, nó có nghĩa là “sự tự do”.

Ông nói: “Tự do, công lý và tiền, chính xác là những gì chúng tôi đang muốn tạo ra (trong dự án tiền ảo Libra)".

Cho đến này, chưa có ngân hàng lớn nào tham gia Hiệp hội Libra nhưng Jorn Lambert, Phó chủ tịch phụ trách các giải pháp số hóa ở hãng thanh toán Mastercard cho biết, Facebook đang thảo luận với họ về việc tham gia hiệp hội này. Ông giải thích rằng các ngân hàng lớn đang đợi xem các cơ quan quản lý và người tiêu dùng phản ứng ra sao với dự án Libra trước khi quyết định có nên tham gia hay không.

Một số thành viên Hiệp hội Libra nhận thức rõ rằng các tranh cãi liên quan đến dữ liệu riêng tư của người dùng và sự phản đối của các cơ quan quản lý có thể cản trở các mục tiêu tham vọng của họ. Do vậy, họ đang chuẩn bị các bước đi cụ thể để chủ động dập tắt các vấn đề này.

Chẳng hạn, Calibra cho biết sẽ kiểm tra sự tuân thủ pháp lý của người dùng muốn đăng ký sử dụng ví điện tử Libra bằng cách sử dụng các quy trình xác minh và chống gian lận giống như cách mà các ngân hàng đang làm.

Calibra cũng chỉ chia sẻ dữ liệu người dùng với Facebook và các bên thứ ba nếu nhận được sự đồng ý của người dùng hoặc chỉ cho phép chia sẻ ở một số trường hợp hạn chế nếu cần thiết, chẳng hạn như chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật.

Sri Shivananda, Giám đốc công nghệ PayPal nói rằng dự án chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và cần phải được các cơ quan quản lý đồng ý và thuyết phục được người dùng. Trong khi đó, Jorn Lambert, Phó Chủ tịch Mastercard nói rằng, nếu dự án bị phản đối quá mạnh, “chúng tôi có thể không ra mắt nó”.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới