Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền chạy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền chạy

Hải Lý

Tiền chạy
Gần 25.000 tỉ đồng vừa được bơm vào thị trường. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Lần đầu tiên trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra hơn 1 tỉ đô la Mỹ can thiệp ổn định tỷ giá, tức khoảng 25.000 tỉ đồng đã được bơm vào thị trường.

Thông thường với nguồn cung như vậy, thanh khoản phải ứ và lãi suất tiền đồng liên ngân hàng phải giảm. Nhưng không, điều ngược lại đã xảy ra. Lý do: tiền đang chạy và vòng quay tiền đang được tăng tốc, có vẻ như ngắn hạn hiệu quả sử dụng đồng vốn đã tốt hơn.

Tuần đầu tiên của tháng 12 là tuần thứ tư liên tiếp NHNN bơm ròng tiền ra. Các đợt phát hành tín phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục song với số lượng phát hành mới thấp hơn lượng tín phiếu đáo hạn nên đã kéo giá trị tín phiếu đang lưu hành trên thị trường từ mức cao kỷ lục 236.000 tỉ đồng xuống còn tầm 160.000 tỉ đồng. Tính ra khoảng 80.000 tỉ đồng tín phiếu đã được chuyển thành tiền, cộng thêm nguồn từ bán ngoại tệ, hơn 100.000 tỉ đồng đã được hấp thụ trong tháng qua. Thảo nào tín dụng chạy nước rút và NHNN tự tin tuyên bố tăng trưởng tín dụng có thể đạt 13% năm nay.

Nếu tháng 12 tín dụng có thể tăng 2% so với tháng trước đó như kỳ vọng, thanh khoản có khả năng bị đụng chạm ít nhiều. Hiện lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã lên 3,67%/năm, cao gấp bốn lần mức đáy. Nhu cầu tiền để bổ sung vốn lưu động, tích lũy hàng hóa, nguyên liệu cho đến Tết Âm lịch và rút tiền mặt chi tiêu, trong đó có trả lương tháng 13 và thưởng cho người lao động từ phía doanh nghiệp sẽ buộc các ngân hàng tăng cường dự trữ thanh khoản. Chính vì thế, tiền đổ vào kênh trái phiếu đang co hẹp.

Những dấu hiệu thanh khoản và nhu cầu ngoại tệ có chiều hướng đi lên đang cản trở việc giảm lãi suất trong ngắn hạn.

Kho bạc Nhà nước đã phải nâng lãi suất trái phiếu phát hành để bán được. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm đã nhảy thêm 55 điểm (tăng 0,55%/năm) và các kỳ hạn dài trên 10 năm đã không tìm được người mua.

Sau khi bán ròng kỷ lục 3.100 tỉ đồng tuần cuối cùng của tháng 11-2014, tuần trước nước ngoài đã bán ròng thêm 2.813 tỉ đồng trái phiếu. Chỉ trong hai tuần họ bán ròng gần 6.000 tỉ đồng, gấp ba lần mức bán ròng từ đầu năm đến giữa tháng 11 tổng cộng có 2.000 tỉ đồng. Đà bán trái phiếu của khối ngoại có thể chưa dừng lại khi đồng đô la Mỹ đang quá mạnh trên thị trường tài chính thế giới. Đồng euro đã mất mốc 1,23 so với đô la Mỹ (1 euro đổi được 1,23 đô la Mỹ), đồng yen Nhật đã “bay” qua ngưỡng 120 và đồng bảng Anh tiệm cận 1,55. Cộng thêm sự suy yếu của giá dầu và thất nghiệp tại Mỹ đang được đẩy lùi, đồng đô la sẽ còn sải bước trên đường đi tìm kiếm giá trị mới của nó.

Những dấu hiệu thanh khoản và nhu cầu ngoại tệ có chiều hướng đi lên đang cản trở việc giảm lãi suất trong ngắn hạn. Ít nhất cho đến Tết, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 có thể âm tháng thứ hai liên tiếp, kéo lạm phát năm nay về dưới 2% so với cuối năm ngoái. NHNN vẫn trong trạng thái canh chừng lạm phát, nhưng rõ ràng sự sụt giảm bất ngờ của chỉ số CPI chủ yếu do việc giảm giá xăng dầu và sức mua chưa đạt điểm mong đợi, là chuyện không thể không “cảnh giác”.

Giờ đây diễn biến lãi suất sẽ phải đợi đến cuối quí 1-2015. Theo chu kỳ, tín dụng tháng 2-5 hàng năm thường thấp. Nguồn tiền thu về dịp Tết sẽ giúp doanh nghiệp trả các khoản vay trước đó và nếu các đơn đặt hàng mới không tiến triển, nhịp điệu sản xuất sẽ lặng, nhu cầu vay vốn theo đó cầm chừng. Một khi CPI quí 1 vẫn âm hoặc quá thấp, sức mua không được cải thiện mạnh, sẽ là thời điểm để lãi suất tự điều chỉnh.

Hạ thêm lãi suất cho vay là việc cả xã hội chờ đợi. Khảo sát của chúng tôi với một số ngân hàng cho thấy lãi suất đầu ra bình quân vẫn khoảng 9-10%/năm, tức gấp 4-5 lần lạm phát và cao hơn 3-4%/năm lãi suất bình quân đầu vào. Nợ xấu vẫn đang níu chân ngân hàng, đẩy chi phí lên và lợi nhuận sẽ còn giảm trong trường hợp trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.

Gần đây, thị trường bắt đầu dấy lên những thông tin không chính thức về việc NHNN xem xét lùi thời điểm thực hiện Thông tư 36. Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi khẳng định NHNN sẽ kiên quyết thực hiện các quy định mới của thông tư vào thời điểm đã ấn định đầu tháng 2-2015. Cũng chưa có bất cứ một động thái nào chỉ ra khả năng kéo dài việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành quá năm năm như một số ngân hàng đề cập. Hiện tại các tổ chức tín dụng vẫn phải tuân thủ tỷ lệ trích lập 20%/năm giá trị của loại trái phiếu này.

Không nên quên rằng một trong những mục tiêu chủ yếu của Thông tư 36 là giải quyết sở hữu chéo và các ngân hàng có tới 12 tháng để tiến hành trước khi NHNN áp dụng các biện pháp bắt buộc và không có chuyện hồi tố. Hơn nữa Thông tư 13 được thay thế bằng Thông tư 36 đã được hoãn thực hiện nhiều lần từ năm 2011. Việc hoãn nhiều hơn, lâu hơn sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho ngành ngân hàng. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã diễn ra khá chậm chạp cho dù có tác động của nguyên nhân khách quan và chủ quan, một sự chậm hơn sẽ gây thiệt hại cho chính các ngân hàng và cho cả nền kinh tế.

Mời đọc thêm

NHNN có thể đã bán ra đến 1,5 tỉ đô-la để giữ tỷ giá

Giá đô la Mỹ tăng vọt, NHNN nói không điều chỉnh tỷ giá

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới