Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền đâu trả nợ xây dựng nông thôn mới?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền đâu trả nợ xây dựng nông thôn mới?

Tư Hoàng

Tiền đâu trả nợ xây dựng nông thôn mới?
Phó CT Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn: “Lấy đâu ngân sách, lấy đâu nguồn lực để trả nợ”. Ảnh: Quochoi.vn

(TBKTSG Online) – Tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp 5 năm qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trưởng đoàn giám sát về xây dựng nông thôn mới, cho biết có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng.

Báo cáo giám sát do ông Thanh trình bày cho biết, tính đến 31-1-2016, số nợ đọng của các địa phương khoảng 15.277 tỉ đồng, trong đó ba khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, và miền núi phía Bắc.

Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỉ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỉ, Thái Bình 1.232 tỉ, Vĩnh Phúc 919 tỉ, Nghệ An 887 tỉ, Hải Dương 879 tỉ, Ninh Bình 770 tỉ, và Hà Nam 757 tỉ. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt trong nhân dân như huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nợ 397 tỉ đồng.

Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã).

Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng).

Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn "nông thôn mới" đến 31-1-2016 là 7.157,7 tỉ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5% ) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỉ đồng/xã.

Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%); các công trình dự án khác (27,7%).

Do đặc thù Chương trình xây dựng nông thôn mới, các công trình, dự án chủ yếu do cấp huyện, xã phê duyệt nên số nợ cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh Thanh Hóa có 76,9% số nợ thuộc ngân sách huyện, xã; Nghệ An là 72,6%; Quảng Bình là 89,6%; Thừa Thiên Huế là 80%.

Nguyên nhân nợ đọng, báo cáo giám sát cho biết, là do nhiều yếu tố, một phần do biến động thị trường đất đai nên nguồn thu từ đấu giá đất sụt giảm, không đạt như dự tính, đã khiến các địa phương không cân đối được nguồn để trả nợ; nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện không đảm bảo so với mục tiêu Chương trình; nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phê duyệt dự án và vận động các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán; một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực; một số nơi chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầu tư xây dựng dẫn đến chậm giải ngân các nguồn vốn…

Hết nguồn trả nợ

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, báo cáo giám sát đưa ra kiến nghị từ nay đến năm 2017 phải xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản là rất khó thực hiện.

Ông nhận xét, có tới 47% xã nông thôn mới nợ đọng xây dựng cơ bản. Xã nợ ít thì vài tỉ, nhiều thì vài chục tỉ đồng. “Lấy đâu ngân sách, lấy đâu nguồn lực để trả nợ. Trước đây còn trông vào bán đất, bây giờ về cơ bản thì đất bán xong hết rồi”, ông Lưu nói.

Bên cạnh đó, ông Lưu cũng đề nghị xem xét lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới vì hiện nay con số giữa Chính phủ và báo cáo giám sát của Quốc hội là khác nhau. “Cách đây mấy ngày, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới đưa ra con số nợ đọng là khoảng 17.000 tỉ đồng, giờ báo cáo giám sát là hơn 15.000 tỉ thì không biết con số nào là chính xác?” ông Lưu đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ vẻ băn khoăn khi phong trào xây dựng nông thôn mới dường như mới đua nhau xây dựng công trình, dự án chứ chưa đầu tư được mấy cho sản xuất theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng. “Như thế thì lấy tiền đâu mà trả nợ?” bà Ngân đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bổ sung thêm: “Khả năng trả nợ không phải đã rõ ràng về nguồn, có những địa phương, có xã nợ hơn trăm tỉ thì có nguồn nào mà trả được?”

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tính tỷ lệ thì 15.000 tỉ đồng nợ đọng so với trên 1 triệu tỉ đồng dành cho xây dựng nông thôn mới thì không phải là lớn, nhưng đáng lưu ý là số nợ lại chỉ tập trung ở một số địa phương.

Khẳng định số liệu về nợ như vậy là chính xác, ông Cường hứa sẽ yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp trả nợ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu vẫn đầy lo lắng. Nhắc đến một huyện của đồng bằng Sông Cửu Long đang nợ 390 tỉ đồng, ông Giàu nói rất thương cán bộ ở đây vì anh em khổ lắm, vì doanh nghiệp hứa góp tiền nhưng chẳng thấy, rồi cấp trên cũng hứa cho nhưng ngân sách do Quốc hội quản lý thì ai mà xin được.

Bộ NN&PTNT cần đề nghị Bộ Tài chính sớm xử lý vấn đề này, nếu không vỡ nợ thì rắc rối lắm, 15.000 tỉ không phải nhỏ, ông Giàu gợi ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới