Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền Giang, “cầu nối” ĐBSCL với vùng TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền Giang, “cầu nối” ĐBSCL với vùng TPHCM

Hồng Văn

Một góc khu công nghiệp Mỹ Tho đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp ở Tiền Giang – Ảnh: HV

(TBKTSG Online) – Đoạn đường cao tốc TPHCM – Trung Lương dự kiến thông xe vào ngày 3-2 tới đây, kéo gần thêm nữa khoảng cách giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL. Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, nói: “Tôi chạy thử xe ô tô trên đường cao tốc từ Mỹ Tho lên TPHCM chỉ mất có hơn 40 phút một chút”. Thành phố Mỹ Tho nói riêng hay cả tỉnh Tiền Giang nói chung, đang trở thành chiếc cầu nối giữa vùng đô thị TPHCM và vựa nông thủy sản ĐBSCL.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 3-2 đoạn đường cao tốc TPHCM – Trung Lương thông xe thì trước đó 4 ngày, ngày 29-1, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với các bộ ngành tổ chức hội nghị thu hút đầu tư được đánh giá là có quy mô lớn nhất và bài bản nhất từ trước tới nay của tỉnh này.

“Cầu” đã xây xong

Thời Pháp thuộc, Mỹ Tho là đầu tàu, là đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL. Vị thế ấy theo thời gian đã có nhiều thay đổi, Mỹ Tho nhường lại cho Cần Thơ. Nhưng giờ đây, dường như Mỹ Tho đã quay trở lại vị trí của một chiếc cầu nối cho vùng kinh tế động lực phía Nam và các tỉnh ĐBSCL.

Nói về thuận lợi do vị trí địa lý mang lại, có thể thấy Tiền Giang thuộc vựa lúa, trái cây của ĐBSCL nhưng một phần của nó là khu vực thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành lại nằm trong tầm ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch của vùng đô thị TPHCM.

Ông Lê Văn Hưởng giải thích: “Tỉnh chúng tôi như khu vực giao thoa giữa hai vùng kinh tế lớn, là điểm nối, trung chuyển giữa vùng đô thị TPHCM và ĐBSCL”.

Trên bản đồ, quốc lộ 1A, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, quốc lộ 30, quốc lộ 50, quốc lộ 60,… cùng với 32 km bờ biển và hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo… giúp Tiền Giang kết nối với TPHCM, vùng Đông Nam bộ và với các tỉnh ĐBSCL, tạo cho Tiền Giang vị thế của một cửa ngõ, đầu mối giao thương hàng hóa của hai vùng.

Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, con đường cao tốc TPHCM đi Trung Lương chuẩn bị thông xe, rồi tiếp đến là đường cao tốc Trung Lương đi Mỹ Thuận đã được trung ương triển khai đầu tư. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến kênh Chợ Gạo, tuyến kênh được ví như “quốc lộ 1 trên sông nước” của tuyến đường thủy TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL; quốc lộ 50 nối thị xã Gò Công với TPHCM đi ngang qua Long An đang được đầu tư như tạo thêm sức bật cho các huyện thị phía Đông của Tiền Giang.

“Những dự án hạ tầng giao thông thủy bộ đang tạo nên cho Tiền Giang thành một chiếc cầu nối, một cửa ngõ giao thương giữa vùng đô thị TPHCM và các tỉnh ĐBSCL”, ông Ngọc nói. Cùng với lợi thế dân số đông, gần 1,7 triệu người, lao động dồi dào, nông thủy sản, cây trái dồi dào, quỹ đất còn có dư địa để phát triển công nghiệp, kênh rạch chằng chịt, cù lao trên sông nhiều, hệ sinh thái nhà vườn cây trái cũng giúp thu hút đầu tư du lịch, như hiện thực hóa chiếc cầu nối cho các nhà đầu tư.

Đã từ lâu, ĐBSCL được xem là vựa cây trái phong phú và lớn nhất cả nước thì Tiền Giang là trung tâm, là vựa cây trái lớn nhất vùng đất Chín Rồng. Dù không ai treo biển hiệu nhưng chợ giao dịch gạo Bà Đắc ở Tiền Giang xem như là nơi cung cấp 50% lượng gạo cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Đường bộ thì TPHCM đi Mỹ Tho theo quốc lộ 1 A hơn 70 km, còn phía biển sông Soài Rạp, con sông mà tàu bè từ biển ra vào các cảng TPHCM, thì bên này là TPHCM, bên kia sông là Gò Công của Tiền Giang.

Ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, nói vui rằng Mỹ Tho là thành phố cửa ngõ cho hàng hóa đi bằng đường bộ giữa vùng TPHCM và ĐBSCL thì khu vực Gò Công lại là cửa ngõ đường thủy nối hai vùng.

Hiện thực hóa của “chiếc cầu”  

Rau quả Tiền Giang dồi dào là cơ sở để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản – Ảnh: HV

Trong hội nghị thu hút đầu tư vào Tiền Giang tổ chức ngày 29-1, theo ông Trần Thế Ngọc, tỉnh đưa ra danh mục 117 dự án thu hút đầu tư với số vốn lên tới 192.000 tỉ đồng (xấp xỉ 10,6 tỉ đô la Mỹ), trong đó có 10 dự án đang được các nhà đầu tư nghiên cứu để tính toán đầu tư với số vốn 96.450 tỉ đồng.

117 dự án nêu trên, tỉnh sẽ giới thiệu chi tiết 34 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 134.273 tỉ đồng, trong đó có 4 dự án đã và đang nghiên cứu đầu tư với tổng vốn 65.000 tỉ đồng và 30 dự án mời gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư là 69.273 tỉ đồng.

Trong 30 dự án mời gọi thì có 8 dự án về lĩnh vực công nghiệp – vốn đầu tư 57.958 tỉ đồng; lĩnh vực đô thị và khu dân cư là 6 dự án – vốn đầu tư 6.240 tỉ đồng; lĩnh vực du lịch có 3 dự án – vốn đầu tư 270 tỉ đồng; lĩnh vực thương mại và dịch vụ có 3 dự án – vốn đầu tư 590 tỉ đồng; lĩnh vực nông nghiệp có 3 dự án – vốn đầu tư 360 tỉ đồng v.v…

Tiền Giang định hướng thu hút đầu tư vào 3 vùng trọng điểm của tỉnh mà những nơi này, gắn chặt với những lợi thế như đã nói ở trên. Vùng phía Đông với trung tâm là thị xã Gò Công hiện hữu gắn với cảng biển, dịch vụ dầu khí, công nghiệp từ lợi thế gần vùng biển của TPHCM, sông Soài Rạp (cửa ngõ ra biển của TPHCM). Hiện khu vực này đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng vùng công nghiệp – đô thị – dịch vụ phía Đông, diện tích hơn 13.000 ngàn héc ta, được Chính phủ đồng ý bổ sung vào hệ thống quy hoạch khu công nghiệp của cả nước.

Vùng các huyện phía Tây, bao gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước và hiện tỉnh đang tiến hành các bước nhằm mở rộng thị trấn Cai Lậy để nâng lên thành thị xã trung tâm của vùng. Đây là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là cây ăn trái lớn nhất tỉnh, gắn liền với sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ phục vụ dọc theo trục kinh tế Quốc lộ 1A. Ngoài ra, vùng còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nơi hội tụ của ba vùng sinh thái như sinh thái mặn, ngọt gắn với sinh thái sông nước, cây ăn trái và sinh thái vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười…

Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước với tổng diện tích khoảng hơn 4.000 héc ta nhằm tận dụng lợi thế của đường cao tốc TPHCM đi Trung Lương sắp thông xe và đoạn cao tốc Trung Lương đi Mỹ Thuận sẽ sớm hình thành trong tương lai.  

Du lịch sinh thái trên sông nước, nhà vườn cũng là lợi thế của Tiền Giang-Ảnh: HV

Vùng thành phố Mỹ Tho- Châu Thành nằm gọn trong quy hoạch vùng đô thị TPHCM thuộc khu kinh tế động lực phía Nam hiện nay phát triển kinh tế nhanh nhất tỉnh, nơi giao nhau của quốc lộ 1A, quốc lộ 50, 60, đường cao tốc, đường thủy trên sông Tiền và cảng Mỹ Tho. Khu vực này hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp như KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương, các cụm công nghiệp Trung An, Song Thuận…. Theo định hướng của tỉnh trong tương lai thì đây vẫn là đầu tàu, là chiếc cầu nối thực sự giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

“Chúng tôi lựa chọn danh mục thu hút đầu tư từ lợi thế của tỉnh trên cơ sở quỹ đất đã được phê duyệt”, ông Ngọc nói và cho biết khi quy hoạch, tỉnh đã tính toán cân đối quỹ đất, tránh trường hợp phát triển công nghiệp, thương mại ồ ạt làm mất đất lúa, ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.

Điều làm các nhà đầu tư lo lắng là bồi thường giải tỏa thì ở Tiền Giang có Trung tâm phát triển quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng của tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư có đất “sạch”. Thủ tục “một cửa” được triển khai, nhà đầu tư chỉ liên hệ hai đầu mối là Ban quản lý các khu công nghiệp (nếu đầu tư trong khu công nghiệp) và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập tổ liên ngành nhằm giải quyết các vướng mắc về thủ tục cho nhà đầu tư.

>> Chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

>> Cơ chế phối hợp liên thôngtrong giải quyết các thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

>> Danh mục 117 dự án thu hút đầu tư

>> Danh mục 34 dự án có thông tin chi tiết 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới