Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền Giang có 450 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây bị thu hồi

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến việc có 450 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh Tiền Giang bị thu hồi, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật của địa phương này cho rằng, do ở giai đoạn trước mã số được cấp cho cả những hộ bán lẻ trái cây nên hiện không còn đáp ứng.

Tiền Giang có 450 mã số trái cây bị thu hồi do cấp cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang – đơn vị hiện đang quản lý việc cấp mã số cho vùng trồng và cơ sở đóng gói – cho biết trước năm 2018, việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản của địa phương này quản lý.

Từ năm 2018 về trước, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Tiền Giang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này đề nghị các địa phương (thuộc tỉnh Tiền Giang – PV) đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. “Lúc bấy giờ, địa phương đăng ký cả hộ bán lẻ; người bán một, hai thùng trái cây ở trước cửa cũng đăng ký mã số, cho nên, khi đó mã số đăng ký rất nhiều”, ông cho biết. Vào năm 2018 (ngày 23-5-2018), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ra một văn bản về việc cung cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu (văn bản 3906/BNN-BVTV – PV).

Theo đó, thị trường Trung Quốc có đưa ra quy định nhập khẩu trái cây tươi vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây tươi cho cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các địa phương trực thuộc Trung ương (trong đó có tỉnh Tiền Giang) chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thống kê thông tin vùng trồng cây ăn trái và cơ sở đóng gói theo quy định của Trung Quốc.

Trên cơ sở văn bản 3906 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được chuyển giao về cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quản lý (từ năm 2020 – PV), đơn vị này đã thực hiện việc rà soát, qua đó phát hiện những mã số đã được cấp trước đó không đủ điều kiện nên huỷ bỏ.

“Theo quy định, định kỳ hàng năm phải thực hiện giám sát, và trong giai đoạn 2020-2021 ghi nhận những cơ sở đó không đủ điều kiện, rồi mã số vùng trồng chuyển sang cây trồng khác hoặc không đủ điều kiện cho nên đơn vị đề nghị huỷ”, ông Men giải thích và cho rằng, đa số các mã số bị hủy thuộc về mã số cơ sở đóng gói.

Trả lời câu hỏi của KTSG Online về việc tại sao hộ bán trái cây nhỏ lẻ, thậm chí bán một, hai thùng trái cây vẫn được cấp mã số, ông Men giải thích trong giai đoạn trước năm 2018 việc cấp mã số dựa hoàn toàn vào danh sách do địa phương đề nghị, không có hồ sơ như hiện nay, và cũng không có quá trình kiểm tra nên danh sách bao nhiêu thì được cấp mã số bấy nhiêu.

Mới đây, tại hội nghị “Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong tổng số 710 mã số bị thu hồi, thì tỉnh Tiền Giang có 450 mã số.

Nói thêm về tình trạng này, ông Men cho rằng, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo trong 10 năm trở lại đây nên Tiền Giang mới gặp tình trạng phải hủy mã số nhiều như nêu trên. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, tỉnh chỉ mới khắc phục chứ chưa thực hiện việc thu hồi mã số, ông Men cho biết.

Hiện tại, Tiền Giang có 39 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng và 270 mã số vùng trồng trái cây với diện tích trên 20.000 héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới