Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Tiền mặt là vua’ khiến các thị trường rơi vào hoảng loạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Tiền mặt là vua’ khiến các thị trường rơi vào hoảng loạn

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thuật ngữ của giới tài chính “Tiền mặt là vua” (cash is king) có lẽ chưa bao giờ đúng đến thế vào hôm qua khi thị trường chứng khoán Âu-Mỹ cũng như thị trường vàng, dầu thô và tiền ảo đều đồng loạt bị bán tháo dữ dội.

Nỗi hoảng loạn của các nhà đầu tư dâng cao tột độ trước đà lây lan nghiêm trọng của Covid-19 và các biện pháp khắc nghiệt để ứng phó, bao gồm quyết định của Mỹ về việc tạm dừng nhập cảnh công dân đến từ 26 nước châu Âu.

Giới doanh nghiệp Mỹ lên phương án ứng phó dịch Covid-19

Tổng thống Trump tìm cách cân bằng giữa chống dịch với bảo vệ nền kinh tế

'Tiền mặt là vua' khiến các thị trường rơi vào hoảng loạn
Vòng xoáy suy giảm của Phố Wall vẫn chưa dừng lại khi nỗi sợ dịch Covid-19 của giới đầu tư lên cực điểm: AFP

Nỗi sợ Covid-19 bao trùm Phố Wall

Trong phiên giao dịch hôm 12-3, thị trường chứng khoán Mỹ lại chìm sâu vì Tổng thống Donald Trump và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không dập tắt được các lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái do tác động của dịch Covid-19.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 2.352,6 điểm (9,99%) về mức 21.200 điểm. Dow Jones chứng kiến mức giảm tồi tệ nhất kể từ cú sụp đổ của thị trường vào ngày thứ Hai đen tối năm 1987 (ngày 19-10-1987), khiến chỉ số này giảm hơn 22%.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt giảm mạnh 9,5% và 9,4%. Cổ phiếu ngành ngân hàng, du lịch, hàng không và năng lượng giảm mạnh nhất sau khi đón nhận tin Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh trong vòng 30 ngày đối với người nước ngoài từ 26 nước châu Âu nằm trong khối thị thực chung Schengen.

Chỉ chưa đầy 10 phút sau khi thị trường mở cửa, Sàn giao dịch chứng khoán New York phải kích hoạt chế độ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút do Dow Jones giảm hơn 7%.

Khi giao dịch trở lại, cổ phiếu tiếp tục bị bán mạnh do giới đầu tư thất vọng trước sự bế tắc của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ về gói kích thích giải cứu nền kinh tế.

Hôm qua, chỉ số VIX, được xem là chỉ báo tâm lý sợ hãi của giới đầu tư ở Phố Wall, tăng vượt 70 điểm, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ số này tăng báo hiệu chỉ số S&P 500 sẽ còn chứng kiến biến động mạnh trong 30 ngày tới.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, giảm hơn 11,5%, mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch.

Trong khi đó, các giải thể thao nhà nghề ở Mỹ đều thông báo tạm dừng các trận thi đấu. Giải bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ (NBA) tạm dừng tất cả các trận thi đấu cho đến khi có thông báo tiếp theo, sau khi một cầu thủ của CLB bóng rổ Utah Jazz được xác nhận dương tính với virus corona.

Ban tổ chức Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), Giải khúc côn cầu trên băng Bắc Mỹ (NHL) và Giải bóng chày Bắc Mỹ (MLB) cũng thông báo tạm dừng các trận thi đấu hoặc hoãn khai mạc.

Tại châu Âu, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành với số ca nhiễm tăng nhanh ở các nước như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Áo.

Kathy Entwistle, Phó Chủ tịch ở Ngân hàng UBS, nói: “Dịch Covid-19 đang gây sợ hãi và mọi người không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này giống như chờ cơn sóng thần đang ập đến. Chúng ta không biết nó sẽ ập đến ngày nào và không ai biết hậu quả sẽ ra sao”.

Ưu tiên nắm giữ tiền mặt

Chốt phiên giao dịch 12-3, chỉ số Dow Jones giảm 2.352,6 điểm (9,99%), về mức 21.200 điểm. Đây là mức tổn thất lớn nhất trong một phiên giao dịch của chỉ số này trong 32 năm qua. Ảnh: Reuters

Khi tâm lý hoảng loạn bao trùm các thị trường, giới đầu tư hành động theo phương châm: “khi bạn không thể bán thứ mà bạn muốn, hãy bán thứ mà bạn có thể”. Phương phâm hành động đó khiến giá vàng trên thị trường thế giới cũng giảm mạnh dù kim loại quí này thường tăng giá trong những giai đoạn nền kinh tế bất ổn và các thị trường chứng khoán suy sụp.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tương lai giao tháng 4 trên Sàn giao dịch Comex ở New York giảm 52 đô la (3,2%) về mức 1.590,3 đô la/ounce. Trong phiên giao dịch, giá vàng có lúc giảm mạnh đến 86 đô la (4,6%), xuống mức 1.560,4 đô la/ounce, mức giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch kể từ tháng 6-2013. Hai kim loại quý khác palladium và platinum lần lượt giảm 24% và 11,1%.

Các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư buộc phải bán vàng để trả các khoản vay kí quỹ (margin) khi giá trị danh mục cổ phiếu bị tổn thương nghiêm trọng đồng thời họ xem nắm giữ tiền mặt là ưu tiên cao nhất vào lúc này.

Nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco.com cho rằng giới đầu tư “đang bán những gì có thể trong một thị trường hoảng loạn”. Có nhiều thông tin cho biết thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ đang cạn kiệt. Thông tin này gây lo lắng cho giới đầu tư, khiến họ tìm cách thoát các thị trường bằng mọi giá.

“Khi nghi ngờ, hãy thoát khỏi thị trường”, đó là khẩu hiệu của giới đầu tư hôm 12-3, Jim Wyckoff nhận định.

Thị trường tiền ảo cũng kiệt quệ với giá Bitcoin chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 7 năm vào ngày hôm qua. Trong vòng 24 giờ trước 10 giờ 30 sáng nay, theo giờ Singapore, dữ liệu của Coindesk cho thấy giá Bitcoin đã giảm 48%, rơi xuống mức 4.000 đô la.

Các đồng tiền ảo khác như Ethereum, Litecoin và Ripple đua nhau giảm mạnh. Theo Coinmarketcap.com, giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền ảo bốc hơi 93,5 tỉ đô la trong vòng 24 giờ qua.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số giá dầu Brent ở London giảm 7%, về mức 33,33 đô la/thùng, trong khi đó, chỉ số giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giảm 4,5%, xuống mức 31,5 đô la/thùng.

Chintan Karnani, Giám đốc phân tích thị trường ở Công ty Insignia Consultants, nhận định rằng vào thời điểm này, đối với giới đầu tư, “không có khoản đầu tư nào an toàn cả”.

Trong những ngày đây, tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ bất ngờ tăng dù làn sóng bán tháo cổ phiếu vẫn tiếp tục. Lực mua yếu và lực bán mạnh khiến tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức 0,871% vào lúc thị trường đóng cửa hôm qua, tăng so với mức đóng cửa 0,743% của hôm trước. Tỷ suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng tăng lên mức 1,305% sau khi giảm về dưới mức 1% hôm 9-3.

Điều này cho thấy thanh khoản trên thị trường trái phiếu đang cạn kiệt dù đây được xem là thị trường có tính thanh khoản dồi dào. Các nhà phân tích ở Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định hoạt động của thị trường trái phiếu đang bị tổn thương một phần là do nhiều nhân viên giao dịch giờ đây chuyển sang làm việc từ xa tại nhà để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.

Để trấn an các lo ngại về vấn đề thanh khoản, hôm qua, Fed thông báo sẽ bơm 1.500 đô la vào các thị trường thông qua các hợp đồng mua lại repo (repurchase agreement) do chi nhánh Fed ở khu vực New York thực hiện.

Hợp đồng repo là một dạng cho vay ngắn hạn, trong đó Fed mua các loại chứng khoán chính phủ từ các ngân hàng, các công ty môi giới chứng khoán và bên bán cam kết mua lại chúng trong ngắn hạn. Mục đích là để bơm thanh khoản cho các thị trường.

Chiều 12-3, chi nhánh Fed ở khu vực New York đã chào bán các hợp đồng repo kỳ hạn 3 tháng trị giá 500 tỉ đô la. Chi nhánh này cho biết, ngày 13-3, sẽ tiếp tục mở hai đợt bán hợp đồng repo kỳ hạn 3 tháng và 1 tháng trị giá 500 tỉ đô la mỗi đợt.

Niềm tin của giới đầu tư bị bào mòn khi Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thể thúc đẩy được gói kích thích toàn diện để ứng phó tác động kinh tế của dịch Covid-19 như ông đã cam kết vào 3 ngày trước đó.

Ông đã tuyên bố rằng gói kích thích này sẽ bao gồm miễn thuế tiền lương và các biện pháp hỗ trợ người lao động ăn lương theo giờ. Tuy nhiên, đề xuất miễn thuế tiền lương vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Mỹ vì họ muốn gói kích thích phải có trọng điểm để giúp giải tỏa sức ép của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp và người lao động.

Các nghị sĩ phe Dân chủ ở Hạ viện Mỹ vừa giới thiệu dự luật chi tiêu bao gồm các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người lao động và gia đình họ ứng phó dịch Covid-19 như miễn phí xét nghiệm Covid-19, trả lương cho người lao động nghỉ ốm do dịch bệnh, mở rộng phúc lợi thất nghiệp cho những người lao động bị sa thải liên quan đến dịch bệnh, tăng chi phí hỗ trợ tem phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình nghèo…

Tổng thống Trump nói ông không ủng hộ dự luật vì nó bao gồm các vấn đề không liên quan.


Theo Wall Street Journal, Market Watch, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới