Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất tăng bội chi ngân sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất tăng bội chi ngân sách

Thanh Thương

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất tăng bội chi ngân sách
Ông Trần Hoàng Ngân đang trình bày trong hội thảo Nhìn nhận kinh tế 2012 do Câu lạc bộ Doanh nhân và Ngân hàng Phương Đông tổ chức. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Trong hội thảo "Nhìn nhận kinh tế 2012" do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Ngân hàng Phương Đông tổ chức ngày 21-4, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sẽ đề xuất Quốc hội cho phép tăng chỉ tiêu bội chi ngân sách trong năm nay.

Theo ông Ngân, bội chi ngân sách năm 2011 là 4,9% GDP, năm 2012 kế hoạch bội chi là 4,8%. Tuy vậy, ông Ngân cho biết trong kỳ họp của Quốc hội vào tháng 5, ông sẽ đề nghị tăng mức bội chi ngân sách. Lý giải việc đề xuất tăng bội chi, theo ông Ngân vì vấn đề cấp bách hiện nay là giảm thuế, giãn thuế cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện việc này thì chấp nhận tiếp tục giảm thu, tăng bội chi, nhưng vẫn phải kiểm soát chi một cách chặt chẽ để không gây ra các tác dụng phụ.

Nhìn về tình hình thực tại, ông Ngân cho rằng kinh tế đã tăng trưởng quá nhanh, trong 11 năm, từ 2000 đến 2010, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 7,26%, con số này chỉ bắt đầu đi xuống từ năm 2011. Trong những năm đó, tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn mức 30%, trong khi ở các nước trong khu vực chỉ khoảng 10%, nhà nước đã bơm lượng tiền rất lớn vào nền kinh tế. Tổng đầu tư xã hội mỗi năm tăng thêm 41-42% GDP, để chạy theo tốc độ tăng trưởng ào ạt. Đến khi Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 buộc phải kìm đà tăng của nền kinh tế lại với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa theo hướng chặt chẽ, thận trọng, điều này là một liều thuốc đúng nhưng chắc chắn phải gây tác động phụ.

Vì vậy, theo ông Ngân, không nên uống quá liều. Quí 1 năm nay đã xuất siêu 220 triệu đô la Mỹ. Trong khi các năm trước, thường mỗi quí nhập siêu từ 2-3 tỉ đô la Mỹ. Như vậy sự xuất siêu đó có nguyên nhân một phần nhờ giảm bớt tình hình tiêu dùng hàng xa xỉ, nhưng cũng có khả năng xấu là doanh nghiệp đóng cửa nhiều nên ngưng nhập nguyên liệu về sản xuất.

GDP được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng khoảng 5,6%, còn kế hoạch của Việt Nam là khoảng 6-6,5%. Theo ông Ngân, để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động thì tăng trưởng phải trên 5%, Việt Nam đang cố gắng để đạt mức 5,5-6%.

Về tình hình nợ công hiện nay của Việt Nam, ông Ngân cho rằng vào khoảng 53% GDP và theo Chính phủ phải trên 65% GDP mới không an toàn. Nợ nước ngoài khoảng 41,1% GDP, 50 tỉ đô la Mỹ, là nợ trung và dài hạn, nợ ODA và nợ IMF, World Bank, ADB thấp. Tuy vậy, ông Ngân cho rằng chính phủ cũng nên xem xét kỹ nợ công và có phương án điều chỉnh phù hợp, tránh gây hậu quả xấu.

Ông Ngân cũng đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 4 tăng 0,06% so với tháng trước. Tuy vậy, theo ông Ngân, mức giảm CPI thực sự chưa bền vững, vì trong lần tính CPI này, rơi vào tình hình các thông tin về chất tạo nạc trong thịt heo khiến cho giá mặt hàng này giảm rất mạnh, và lúa trúng mùa nên giá giảm, trong khi nhóm lương thực thực phẩm chiếm đến gần 40% trong rổ tính CPI. Điều này chứng tỏ lạm phát giảm không phải nhờ vào khả năng điều hành của chính phủ. Lương và giá xăng, giá điện tăng vào tháng 5 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát tháng tới. Và ông lo ngại Việt Nam đang đứng trước bài toán vừa suy giảm, vừa lạm phát, đây sẽ là bài toán khó giải cho nền kinh tế nếu thực sự rơi vào hoàn cảnh này.

Có mặt tại hội thảo trên, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang là người phải gánh chịu nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, theo ông Linh, bản thân doanh nghiệp nên nhìn lại hoạt động quản lý nguồn vốn kinh doanh để tránh thất thoát, giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể như phải thường xuyên theo dõi hàng tồn kho, không nên đầu cơ hàng hóa trong thời gian này, phải chặt chẽ hơn trong quản lý công nợ khách hàng.

Đồng thời trước khi ký hợp đồng tín dụng, thì cần chú ý đàm phán với ngân hàng các điều khoản về thời hạn cho vay của các khế ước, điều kiện phạt trả nợ trước hạn, kỳ thay đổi lãi suất. Và doanh nghiệp cũng nên đòi hỏi ngân hàng cung cấp các khoản vay được các đối tác ngân hàng tài trợ để có được nguồn vốn rẻ hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới