Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền thật của trung ương là rất mỏng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền thật của trung ương là rất mỏng

Tư Hoàng

Tiền thật của trung ương là rất mỏng
Chủ tịch Quốc hội đang muốn tăng gấp đôi số tiền cho chương trình xây dựng nông thôn mới – Ảnh Tư Giang.

(TBKTSG Online) – “Số tiền thật (của ngân sách trung ương năm 2016) còn lại là rất mỏng, vậy mà còn phải chi cho rất nhiều khoản để đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương,” Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nán lại giải thích với TBKTSG Online sau khi phát biểu về tình hình cân đối ngân sách ở phiên họp tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 22-10.

Ông nói tiếp: “Năng lực tài chính thực chỉ còn lại 45.000 tỉ đồng, rất nhỏ bé trong khi nhu cầu của các Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp, các địa phương còn rất nhiều”.

Tại phiên họp tổ sáng 22-10 trước đó, ông Vinh cho biết, báo cáo của Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi lên Quốc hội khẳng định, thu ngân sách nhà nước năm 2016 sẽ tăng 60.750 tỉ đồng so với dự toán năm 2015.

Tuy nhiên, ông nói: “Phần tăng này chỉ là nghiệp vụ mà thôi, dù đúng.”

Ông giải thích, con số thu tăng do Bộ Tài chính tính toán bao gồm phần gia tăng trong các khoản gồm vốn ODA, tiền giao đất (tăng lên 50.000 tỉ đồng năm 2016 từ khoảng 38.000 tỉ đồng năm 2015), và xổ số kiến thiết (khoảng 26.000 tỉ đồng).

Ông cho biết, các khoản này các năm trước đều có, nhưng không cộng vào ngân sách nhà nước (NSNN). Đến nay, Bộ Tài chính mới cộng vào nhưng ngân sách trung ương không được tiêu. Chẳng hạn, tiền thu từ xổ số kiến thiết thì vẫn là các địa phương tiêu, không phải ngân sách trung ương.

Tại phiên họp tổ quốc hội sáng nay, ông Vinh giải thích, thực tế là NSNN của trung ương là 255.750 tỉ đồng, trong số đó có 131.000 tỉ đồng (chiếm 52%) chi cho ngân sách địa phương trong các chương trình cố định.

NSNN trung ương còn lại 154.000 tỉ đồng đã phải chi cho các chương trình cứng được Quốc hội thông qua, nên thực tế là NSNN trung ương chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng.

“Con số 45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!” Bộ trưởng nói.

Phần nhận xét về nợ công của ông Vinh ở cuối phiên thảo luận làm cụt hứng nhiều đại biểu Quốc hội trước đó.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu say sưa, tâm huyết về những việc mà Chính phủ phải làm để xây dựng nông thôn, và chăm lo cho người dân.

“Chúng ta nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy các chính sách xã hội, các mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về giảm nghèo phải được tăng cường và đẩy mạnh vì lợi ích của người nghèo, người yếu thế,” ông nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ông đã yêu cầu gửi cho tất cả các đại biểu Quốc hội các văn bản về mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 – tuyên bố Hà Nội và các tài liệu của tổ chức IPU. Theo ông Hùng, tinh thần của các văn bản đó là “Toàn thế giới đã ra một chương trình hoà bình, an ninh, thịnh vượng, ấm no, tự do, hạnh phúc, là mơ ước của nước ta.”

“Chính phủ cũng phải nghiên cứu cái đó, phải có chương trình hành động ngay về việc này, phải đưa vào kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách năm 2016,” ông Hùng yêu cầu.

Ông Hùng đề nghị, cần tăng thêm vốn cho chương trình nông thôn mới năm 2016, là một trong hai chương trình quốc gia còn lại từ 16 chương trình hiện nay.

Tuy nhiên, sau khi nghe ông Vinh báo cáo, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “(Ngân sách) như vậy thì phát triển bền vững như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020 thế nào?”

“Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?” Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ trong 5 năm tới là từ 3.020.000 đến 3.090.000 tỉ đồng, trong số đó, vay bù đắp bội chi là 1.360.000 tỉ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280.000 tỉ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định.

Tổng mức vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đưa vào cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm tới là 250.000 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới