Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền tỉ đổ vào lúa vụ 3

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền tỉ đổ vào lúa vụ 3

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong khi nhiều tỉnh ĐBSCL nông dân đang tất bật thu hoạch lúa hè thu (vụ 2) thì tại An Giang và Đồng Tháp nông dân cũng tất bật xuống giống vụ thu đông (lúa vụ 3). Lúa vụ 3 liệu có đem lại lợi nhuận cao cho nông dân hay không khi giá lúa hiện nay xuống thấp, tiêu thụ khó khăn, trong khi đó, kinh phí phục vụ cho vụ lúa này thuộc vào dạng khủng.

Tiền tỉ đổ vào lúa vụ 3

Làm lúa thu đông để làm gì khi lợi nhuận của nông dân không được bảo đảm, rủi ro cao. Trong ảnh là hình ảnh máy xáng cạp múc đất gia cố bờ bao của lúa vụ 3 năm ngoái – Ảnh: Trung Chánh

Tiền tỉ đổ vào lúa vụ 3

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, theo chủ trương chung của tỉnh, năm nay Đồng Tháp chỉ tập trung xuống giống ở những khu vực có hệ thống đê bao bảo đảm, những nơi có hệ thống đê bao khép kín nhưng xung yếu tỉnh cũng sẽ không gieo sạ.

Theo ông Quốc, ban đầu các huyện đăng ký diện tích xuống giống lúa vụ 3 tổng cộng là 110.000 héc ta nhưng qua rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao đợt 2 diện tích đăng ký giảm xuống chỉ còn 100.000 héc ta. Tính đến hôm nay, tức qua rà soát lần 3 thì con số này tiếp tục giảm xuống còn 87.000 héc ta, giảm 11.000 héc ta so với con số 98.000 héc ta của vụ 3 năm ngoái.

Để chuẩn bị gieo sạ 87.000 héc ta trong vụ 3 này Đồng Tháp đã huy động nguồn kinh phí là 627 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn thủy lợi phí là 142 tỉ; vốn kiên cố hóa kênh mương 75 tỉ đồng; vốn khắc phục hậu quả lũ lụt là 60 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tạm ứng các nguồn vốn khác là 350 tỉ đồng để đảm bảo ổn định an toàn cho vụ lúa thu đông năm nay.

Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông An Giang, cho biết với 145.000 héc ta diện tích lúa vụ 3 được xuống giống trong năm nay, tăng khoảng 14.000 héc ta so với năm ngoái, An Giang cũng đã chi trên 420 tỉ đồng cho công tác bảo vệ lúa thu đông.

Từ nguồn kinh phí đầu tư vụ lúa vụ 3 năm nay cho ta thấy, để sản xuất 1.000 héc ta lúa vụ 3 tỉnh Đồng Tháp phải bỏ ra trên 7,2 tỉ đồng cho công tác xây dựng hạ tầng, gia cố đê bao. Riêng tại An Giang, dù con số này thấp hơn nhưng cũng đạt gần 3 tỉ đồng cho 1.000 héc ta.

“Với nguồn kinh phí này, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư cho hệ thống đê bao, nạo vét kênh mương, gia cố những đoạn đê xung yếu và đầu tư các trạm bơm tác nước để kịp thời rút nước ra khi bị ngập úng”, ông Hùng cho biết. 

Dù ngành nông nghiệp Đồng Tháp và An Giang cam kết chỉ xuống giống trong những khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, an toàn và bảo đảm ăn chắc.

Thế nhưng, với số vốn đầu tư lớn như vậy trong khi đó, lúa vụ 3 là vụ lúa tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sâu bệnh, lũ lụt, liệu có mang lại lợi nhuận cao cho nông dân?

Tại sao là lúa vụ 3?

Trong khi có nhiều luồng ý kiến xung quanh vấn đề làm lúa vụ 3. Người đồng tình thì cho rằng lúa vụ 3 giúp tăng khối lượng gạo phục vụ xuất khẩu, ổn định an ninh lương thực; người không đồng tình thì cho rằng làm lúa vụ 3 quá tốn kém, rủi ro cao nhưng thu nhập của nông dân không được bao nhiêu.

Một câu hỏi được đặt ra là làm lúa vụ 3 để làm gì khi thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn; giá lúa hàng hóa nội địa liên tục lao dốc; thu nhập nông dân ngày càng “teo dần”…?

Thực tế, từ giữa tháng tháng 7 đến nay, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục lao dốc và xuống mức giá 400 – 405 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm, giá FOB, giao tại cảng Sài Gòn), thấp hơn cả mức giá chào xuất khẩu của Ấn Độ và Pakistan. VFA cũng cho biết, lượng gạo xuất khẩu đến thời điểm này chỉ mới đạt gần 4 triệu tấn, tức còn trên dưới 3 triệu tấn gạo bằng mọi giá phải xuất bán từ nay đến cuối năm (con số xuất khẩu dự báo 7 triệu tấn trong năm 2012, đã cân đối tiêu thụ trong nước).

Ông Hùng từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thừa nhận: “Tình hình tiêu thụ cũng như giá lúa gạo so với cùng kỳ năm ngoái đã sụt giảm rất mạnh, thu nhập của nông dân liên tục giảm xuống”.

Hiện giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Long An…chỉ còn dao động quanh mức giá 4.100 – 4.300 đồng/kí lô bgam đối với lúa IR 50404 tươi và 4.900 – 5.250 đồng/kí lô gam đối với lúa khô. Giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại khu vực ĐBSCL cũng chỉ dao động quanh mức giá 6.700 – 6.750 đồng/kí lô gam và 7.700 – 7.850 đồng/kí lô gam đối với gạo thành phẩm

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, trước áp lực cần phải tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân và cũng để kích thích kéo giá lúa gạo nội địa tăng trở lại thì nông dân không nên gia tăng lượng lúa hàng hóa lên bằng cách tăng cường gieo sạ lúa vụ 3.

“Cần thiết chúng ta có thể chuyển sang trồng các loại màu, nuôi thủy sản trong mùa lũ như mô hình tôm càng xanh ở Đồng Tháp cho thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều lại tránh được áp lực rủi ro về sâu bệnh, ngập lụt”, vị này cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới