Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiến tới thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiến tới thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở

Vân Oanh

Tiến tới thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ người dân mua nhà. Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Việt Nam đang cân nhắc học hỏi kinh nghiệm mô hình tiết kiệm nhà ở của nước ngoài để áp dụng, tiến tới hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

>>> BIDV dành 10.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở

Tại hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam được Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng phát triển nhà ở Schwabisch Hall của Đức tổ chức tại Hà Nội vào ngày 6-12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tài chính phục vụ phát triển nhà ở của Việt Nam tập trung ở hai nguồn chính: ngân sách nhà nước và tín dụng thương mại. Ngân sách nhà nước, khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, được cấp cho các chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho người dân vùng lũ; nhà ở cho các gia đình chính sách… “Do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên trong những năm qua việc phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thương mại. Khi khủng hoảng tài chính diễn ra, các tổ chức tài chính thắt chặt cho vay, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở bị thiếu vốn. Thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng gây tác động xấu đến nền kinh tế xã hội,” ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, ngoài hai nguồn vốn trên, Luật Nhà ở sửa đổi , dự kiến trình Quốc hội xem xét trong năm 2014, cần mở hành lang pháp lý để đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho các chương trình phát triển nhà ở như quỹ phát triển nhà ở, quỹ tính chấp bất động sản, đặc biệt là mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là tổ chức tài chính nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ huy động tiền nhàn rỗi của người dân để cho vay phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm trong các hộ gia đình, cá nhân vừa tăng quỹ nhà ở cho hộ gia đình.

Ông Nam còn cho biết Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đi khảo sát mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở ở Đức – một quốc gia giàu có, văn minh nhưng không phải người Đức nào cũng có thể mua được nhà bằng lương và thu nhập của mình. Tại Đức, từ khi sinh con thì mỗi gia đình hằng tháng đều gửi tiền tiết kiệm để cho con sau này có một phần tiền mua nhà. Khoản tiền tiết kiệm nhà ở đó, kết hợp với khoản tiền mà người con có được khi đi làm và tiền vay thêm của ngân hàng tiết kiệm nhà ở, sẽ giúp người con mua nhà khi cần.

Hội thảo nhằm thu thập có thêm thông tin và kinh nghiệm của nước ngoài trong nghiên cứu xây dựng mô hình tiết kiệm nhà ở để quy định trong Luật Nhà ở sửa đổi nhằm áp dụng cho Việt Nam trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới