Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền tuyến cô thế thì hậu phương không thể giữ vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền tuyến cô thế thì hậu phương không thể giữ vững

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng

(TBKTSG Online) – Dịch bệnh Covid 19 bùng phát dữ dội, chỉ trong 3 tháng đã càn quét qua nhiều nước trên thế giới. Nó gây tác hại đến mức Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã thốt lên rằng: "Covid-19 làm sụp đổ tất cả giá trị văn minh của thế giới loài người. Cả thế giới đều cùng nhau tìm cách chống lại với một “kẻ thù vô hình”. Đó chính là siêu vi, nó không phải là một vi sinh vật sống, nó chỉ là một cơ cấu sinh học, mà cơ cấu ấy có sức mạnh vô song. Qua Covid-19, nên chăng thế giới trầm tĩnh lại để có những suy tư hầu lập lại thế cân bằng trong tầm nhìn y tế trong một thế giới mới sau đại dịch.

Covid -19 đã làm biến mất "ngày hôm qua"

 

Tiền tuyến cô thế thì hậu phương không thể giữ vững
Ảnh: Thành Trung

Nếu không có y học dự phòng tốt thì y học điều trị cũng thất bại

Trong vòng 3 tháng, cả thế giới phải dùng nhiều kế sách từ truyền thống đến hiện đại nhất để chống trả, nhưng đến hôm nay trận chiến vẫn đang còn khốc liệt. Chiến lược và chiến thuật vẫn là phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng và tăng cường phương thức điều trị để giảm tỷ lệ tử vong.

Nguồn lực y tế vẫn là lực lượng chính quy trong cuộc chiến này. Về phương diện điều trị, dường như tất cả những thiết bị y khoa hiện đại, những bệnh viện hiện đại, bác sỹ, giáo sư giỏi, hệ thống y tế tiên tiến nhất được đưa vào sử dụng. Nhưng rồi chúng ta cũng không dễ dàng giành giật lại từng sinh mạng từ bệnh do Covid-19 gây ra.

Mặt khác ngành y tế đã vực dậy chiến lược phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng, đưa ra hay kêu gọi mọi người tham gia vào quy trình cắt đứt nguồn lây bằng biện pháp tạo khoảng cách xã hội (social distancing), lockdown giao dịch cộng đồng, hướng dẫn phương pháp rửa tay sạch bằng xà phòng, kêu gọi đeo khẩu trang (face mask) khi ra đường, kêu gọi mọi người tạm thời không tiếp xúc gần dưới 2 mét. Nhiều nhà khoa học, nhiều quốc gia nghiên cứu  những kỹ thuật để hỗ trợ như xét nghiệm nhanh để tìm nguồn mang mầm bệnh và đưa đến cách ly để thực hiện biện pháp cách ly ngay ban đầu. Một số nước thực hiện triệt để điều này, xem ra có hiệu quả, đã giúp tỷ lệ nhiễm bệnh không tăng, bảo tồn được sức khỏe tránh lây nhiễm.

Theo tôi, tượng đài y học điều trị hiện đại (Modern Clinical Medicine) của thế giới gần như sụp đổ qua đại dịch Covid-19 này. 

Chiến lược phòng tránh lây đơn giản xem ra hữu hiệu trong cuộc chiến với đại dịch nầy, có thể kéo giảm thương vong trong cuộc chiến. Chiến lược phòng tránh lây là một khoa học trong y học phòng ngừa hay còn gọi y học dự phòng (preventive medicine).

Một sự kiện mang tính biểu tượng cho việc không xem trọng y tế dự phòng đó là nhiều quốc gia phương Tây đương thời đã phân phối tài nguyên quốc gia chưa phù hợp, làm cho nguồn lực y tế dự phòng yếu đi, khái niệm dự phòng mờ nhạt, lấy y tế điều trị làm sức mạnh cho nền y học của mình. Qua mùa dịch Covid-19 tầm nhìn đó gần như phá sản.

Qua Covid-19, nên chăng thế giới trầm tĩnh lại để có những suy tư hầu lập lại thế cân bằng trong tầm nhìn y tế trong một thế giới mới sau đại dịch. Tài nguyên của thế giới hãy được chia sẻ cho một cộng đồng rộng lớn được hưởng thụ, mọi người được sống và sống có sức khỏe tốt, được sống trong một môi trường trong lành đầy đủ khí sạch, bầu khí quyển phải được bảo vệ trong lành, tài nguyên của thế giới không thể chỉ tập trung cho một thiểu số nhóm người có ưu tiên. 

Do đó nền tảng giáo dục y khoa sau này không những giảng dạy, nghiện cứu hàn lâm cho y học điều trị, mà phải hướng đến việc giảng dạy, nghiên cứu hàn lâm trong y học dự phòng. Nếu không có y học dự phòng tốt, thì y học điều trị cũng thất bại mà không sao cứu vãn. Một khi tiền tuyến cô thế, thì hậu phương không tài nào giữ vững cho dù có hiện đại như thế nào cũng đổ vỡ mà thôi.

Việt Nam chúng ta có câu “đừng để nước đến chân mới nhảy" thật chí lý.

Chúng ta hãy nhanh chóng áp dụng triết lý dự phòng này trong cải tổ giáo dục y khoa nước nhà trong tương lai.

Tất cả đều dễ vỡ

Hiện nay cả thế giới đều bối rối trong việc đối phó với dịch Covid -19. Không có bất kỳ nền tảng xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo nào của thế giới bền vững trước dịch bệnh. Từ đất nước phát triển nhất, đại diện văn minh nhân loại, đến những nước nghèo nhất; từ nhà nghiên cứu khoa học đến những chính trị gia lỗi lạc, những chức sắc cao trong tôn giáo; từ người giàu có nhất đến kẻ bần cùng, từ những kẻ thủ ác đến bậc chân tu, từ nghệ nhân đến nghệ sĩ, và đến những "chiến binh" y  tế… tất cả và tất cả đều trở nên dễ vỡ trước cuộc tấn công của Covid-19.

Nhiều cuộc xung đột vũ trang, những cuộc chiến quy ước cũng đều tạm đình chiến. Tất cả đều hướng đến cuộc chiến chống Covid-19.

Nhưng cuộc chiến Covid-19 vẫn tiếp diễn khốc liệt. Thế giới bắt đầu tự cách ly nhau. Thế giới bắt đầu tự bế quan toả cảng.Thế giới bắt đầu tự xa nhau, xa mặt. Tôi hy vọng rằng thế giới tạm thời xa mặt, xa mặt là biện pháp chống dịch, chứ không phải là cơ hội để cách lòng; vì càng cách lòng thì thế giới sẽ bị cô lập, các quốc gia sẽ bị cô lập nhau, như vậy nó sẽ là khởi nguồn cho một cơ hội một trận chiến mới, với những khó khăn mới.

Trải nghiệm từ lockdown, từ social distancing, để con người có dịp nhìn lại và tĩnh tâm hơn, có dịp nhìn lại mình và bắt đầu một suy nghĩ mới: đoàn kết lại hơn, yêu thương nhau và trao nhau những kinh nghiệm, trao nhau những nhân ái, chân tình. Có như vậy mới chống lại dịch bệnh trong tương lai.

Việt Nam chúng ta có câu “đừng để nước đến chân mới nhảy" thật chí lý.

Chúng ta hãy nhanh chóng áp dụng triết lý dự phòng này trong cải tổ giáo dục y khoa nước nhà trong tương lai.

“Xa mặt” nhưng không “cách lòng”

Qua cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, chúng ta thấy có 3 loại công cụ cũng chính con người tạo ra, đã tham gia trong phòng và chống dịch bệnh. Khi con người bị cách biệt, bị phong toả thì chỉ còn công nghệ thông tin và viễn thông để gặp gỡ, trao đổi; để giáo dục, đào tạo; để chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau dập dịch, phòng chống. Và công nghệ sinh học nghiên cứu những phương tiện chẩn đoán nhanh, chẩn đoán chính xác, góp phần tìm ra người mang mầm bệnh để cách ly, để điều trị cũng như nghiện cứu vaccine phòng dịch lây lan cho những người chưa mắc phải.

Những nhà nghiên cứu công nghệ thông tin dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tìm ra loại thuốc nào khả dĩ điều trị. AI còn như một thám tử trong theo dõi được người mang mầm bệnh hiện đang ở đâu, đang làm gì, đang tương tác ra sao ngoài cộng đồng xã hội, ở bất cứ lúc nào nên dễ dàng tìm kiếm để cách ly.

Tuy nhiên, bất kỳ một công nghệ tiên tiến nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Mặt tích cực thì luôn thấm nhập chậm, nhưng trường tồn. Mặt tiêu cực thì ảnh hưởng nhanh và huỷ diệt. Tôi mong ước thế giới hãy phát huy mặt tích cực một cách chân thành và đầy trung thực, để phục vụ lợi ích cho nhân dân mình, cho toàn nhân loại được sống trong hoà bình, nhân ái, yêu thương. Tôn trọng bản sắc văn hóa riêng biệt và dị biệt của từng dân tộc trên thế giới, không tham vọng xâm phạm và sở hữu. Các quốc gia phải cùng phát triển bền vững và cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trái đất. Phát triển bền vững là một lá chắn và đề kháng với mầm bệnh phát sinh dịch bệnh.

Ai là nhạc trưởng?

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) là cảnh báo sớm nhất, tìm hiểu sự lây lan của một bệnh trở thành dịch tại một địa phương và toàn cầu, và chuẩn bị kế hoạch để các nước chuẩn bị đối phó. Ngoài ra, WHO còn là cơ quan y tế toàn cầu, đưa ra được hướng dẫn trong phòng bệnh, cảnh báo sớm nguy cơ  dịch bệnh xảy ra trong tương lai gần và xa, hướng dẫn điều trị cụ thể hay phổ cập một bệnh hay dịch bệnh cho các quốc gia trên thế giới, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ thể xác và tinh thần cho nhân loại.

Qua dịch bệnh Covid-19, chúng ta thấy chức năng trên đây của WHO có lu mờ, hay thể hiện thiếu năng lực trong phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh. Phải chăng đây là do WHO chủ quan, thiếu khách quan khoa học, hay sự thiếu năng động, thiếu bản lĩnh trong thực thi chức năng của mình. Có lẽ cả hai.

Lẽ ra WHO là một tổ chức y tế quốc tế độc lập, phải được Liên hiệp quốc bảo vệ, để nói lên tiếng nói khách quan , trung thực của mình khi mà dịch mới giai đoạn nhen nhóm. WHO phải được sử dụng những công nghệ mới nhất để thu thập những dữ liệu một cách độc lập, và phát ra tiếng nói đầy quyền lực trong một tổ chức y tế quốc tế uy tín, thì mới cứu nguy cho sức khoẻ nhân loại. Còn bây giờ thì đã chậm trễ, chúng ta chỉ còn tự hỏi: Hậu Covid-19, thế giới phải đặt lại giá trị của WHO và Liên hiệp quốc như thế nào?

(*) Chủ tịch Đại Học Y khoa Phan Châu Trinh,

Phó chủ tịch Hội Hành nghề Y tế tư nhân TPHCM
 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới