Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếng còi xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếng còi xe

Một con đường ở Bangkok. Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG Online) – Gần một tuần lang thang khắp các hang cùng, ngõ hẹp ở Bangkok, rồi Pattaya, sực nhớ quê nhà Việt Nam để rồi bỗng thấy thiếu thiếu thứ gì. Phở? Chẳng phải. Cơm tấm, hay những ly cà phê đậm đặc thơm lừng? Hình như cũng không… À, đúng rồi, tiếng còi xe!

Nếu gã nhớ không lầm, suốt mấy ngày ròng rã ở Thái Lan, chỉ nghe vỏn vẹn tiếng còi xe vang đúng một lần. Tài xế lái chiếc xe lớn chở cả đoàn khách đi – trong đó có gã, dường như đã không còn giữ được bình tĩnh trước chiếc tắc-xi cứ ngập ngừng mãi phía trước, dù đường đã thông thoáng. Một chị người Thái đi cùng đoàn, phân bua ngay sau tiếng còi lạc lõng ấy: “Bác tài chịu hết xiết, mắng tay tài xế tắc-xi đấy!”.

Đó là điều không dễ giải thích, nhất là ở Bangkok – nơi được mệnh danh “không có kẹt xe, không phải Bangkok”. Sao thế nhỉ? Người Thái quá lịch sự và không muốn làm ầm giữa phố? Hay phải chăng người Thái đã “vô cảm”, chẳng còn bức bối, khó chịu và nóng nảy trước cảnh kẹt xe? Hay họ biết tiếng còi xe chẳng giải quyết được gì, dù có bấm còi cả trăm ngàn tiếng thì cả đống xe vẫn chắn ngang trước mặt? Trong những trường hợp khác, phải chăng người Thái quá tôn trọng luật lệ giao thông nên xe cộ lưu thông chẳng cần lấy tiếng còi làm hiệu để bảo vệ cho mình và cả cho người khác khỏi những cảnh va quẹt?

Gã nghĩ mà tiếc. Phải chi những chiếc còi ấy mang về Việt Nam, tận dụng cho biết bao là việc. Nào là xin đường lúc… giữa đêm, bấm nghe chơi lúc đèn giao thông đang đỏ, thử độ vang của còi lúc ngang trường học, bệnh viện… Hay như đám bạn của gã, có thằng chỉ cần mua chiếc xe tay ga mới cũng đã bấm còi inh ỏi mỗi khi tăng tốc, dù đường trưa nắng vắng tanh.

Nhiều bữa chạy trên đường, sau lưng gã một chiếc xe nào đó cứ liên tục bấm còi. Ngó quanh, đường quá rộng sao chẳng vượt, xin đường chi mãi? Quay lại, chỉ thấy cặp trai gái tuổi “teen” cười nắc nẻ.

Phát bực! Việt Nam cũng không thiếu kẹt xe. Và mỗi lần như vậy, ngoài cái nóng, cái ồn ào, rồi bực dọc sợ trễ giờ “tra tấn”, những nạn nhân kẹt xe còn bị những tiếng còi hành hạ. Thủ phạm vừa là nạn nhân, bởi chính người bấm còi phải căng màng nhĩ nghe trước. Kệ, cứ vô tư. Xe có còi, dại gì bỏ phế. Máy móc, thiết bị mà để lâu không xài, hư uổng!

Hàng chục năm qua, gã đã quen với những tiếng còi như thế. Những giấc ngủ, những công việc pha tiếng còi, những dòng suy tư, mơ mộng ngắt quãng cũng bởi tiếng còi xe… Sang Thái mấy ngày, thấy thiếu, thấy nhớ chẳng gì là lạ.

Nhưng gã cũng biết, gã chẳng phải là người Thái hay đang sinh sống trên đất Thái. Ở quê của gã, nếu thiếu tiếng còi, đừng mong đường rộng thênh thang, ào ào phóng tới. Từ những đứa trẻ bán vé số, những người bán hàng rong, mấy chị nội trợ, những chú “hip- hop”, hay cả những anh bỏ áo trong quần, tay cầm di động “nấu cháo” luôn miệng… có thể phóng ra làm vật cản đường bất cứ lúc nào.

Lúc thì họ đi hoặc chạy bộ, lúc cưỡi xe đạp hoặc xe gắn máy, thậm chí lái cả… xe buýt. Họ di chuyển không theo quy luật! Thay đổi tốc độ hoặc hướng di chuyển bất ngờ, lúc thì thắng gấp đứng lại cả “đống” trên đường để tán dóc bằng điện thoại hoặc í ới gọi ai đó. Sơ sểnh, chỉ có nước… “đùng một cái”! Ở nông thôn, còn thêm mấy chú chó mèo thả rong, thỉnh thoảng lại thích làm cái barie di động. Cầm lái mà thiếu tiếng còi để giảm thiểu những rủi ro ấy, rất dễ được người khác cho nghe bù bằng tiếng còi của… xe cứu thương.

Bởi vậy! Tiếng còi ở Thái có thể khiến người khác phải ngắm dòm, thì ở quê gã nếu thiếu tiếng còi thì rất dễ rơi vào tình trạng “dù bạn không cao (thậm chí đã nằm sấp vì té) nhưng người khác phải ngước nhìn”. “Đúng là đâu phải ra nước ngoài thấy cái gì cũng học, cũng bê nguyên xi về đất nhà được, dù thích thật đó”, gã lẩm bẩm.

Khi văn hóa ứng xử và hành xử, văn minh đô thị vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, khi vẫn đầy đó những kẻ đi ngang về dọc, đường tắt lối ngang, tiếng còi vẫn là một thứ còn đầy hữu dụng. Những tiếng huýt để cảnh báo, răn đe. Vậy mà còn chưa chắc đã có người nghe, khi họ chỉ nghĩ tới con đường riêng của chính mình.

Về tới quê nhà, gã chỉ mong sao cho một ngày nào đó, mỗi khi cầm lái, gã ít có cơ hội phải bấm còi. Và học theo người Thái, gã tự nhủ sẽ chẳng bấm còi khi không cần thiết. Phải vậy chứ! Bắt chi người ta phải nghe mình, phải phiền vì mình khi họ chưa đi ngang về dọc.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới