Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếp cận quốc gia – cách thực thi chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp cận quốc gia – cách thực thi chuyển đổi số

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

(TBKTSG) – Sau khi đã xác định được đúng mục tiêu trọng tâm của quá trình chuyển đổi số phù hợp với nhu cầu và thực lực, mỗi quốc gia sẽ có một cách thức tiến hành chuyển đổi số khác nhau. Điều này không chỉ phụ thuộc vào cấu trúc chính trị và các giá trị thể chế mà chính quyền đó theo đuổi, mà còn có thể phụ thuộc vào mức độ phát triển của khoa học công nghệ, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp, mức độ đầy đủ của nguồn nhân lực…

Nhìn chung quá trình chuyển đổi số ở các nước không có các tập đoàn lớn mang tầm khu vực, các nước có quy mô thị trường nhỏ và dân số ít, các nước không có nền khoa học phát triển thường thiệt thòi hơn rất nhiều so với các nước còn lại.

Để giảm thiểu sự bất công mới, hình thành trong cuộc cách mạng mới về sức sản xuất, các nước đi sau cần xây dựng một kế hoạch hành động hoặc cách thức chuyển đổi số với một số trụ cột cơ bản, gồm: (i) xây dựng trung tâm thu thập dữ liệu và phát triển ngành khoa học dữ liệu; (ii) xây dựng các nền tảng thiết yếu, đặc biệt nên tập trung cho nền tảng Internet công nghiệp; (iii) thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số; (iv) thương mại hóa hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến số hóa (digitization). 

Thiết kế các cách tiếp cận mới

Thay vì đi chiếm lĩnh các mỏ dầu, việc mà các công ty toàn cầu hay làm ở thời đại hiện nay là đi chiếm lấy các công ty dữ liệu.

Nếu không tính tới lao động và kỹ năng, trong nền kinh tế nông nghiệp đất đai là nguồn lực quan trọng nhất; với kinh tế công nghiệp, nguồn lực quan trọng nhất là công nghệ và tài chính.

Còn với nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên trọng yếu. Việc chuyển đổi số sẽ không thể tiến hành nếu không có dữ liệu. Nền kinh tế số cũng không thể hoạt động hiệu quả, các hoạt động phân tích đánh giá thị trường, phân loại khách hàng, điều phối kho vận, định hướng nhu cầu… cũng không thể diễn ra nếu các công ty thiếu dữ liệu của người dùng.

Sự khác biệt của dữ liệu với đất đai là nó cần được tích lũy để “làm đầy”. Nói cách khác, quốc gia nào có càng nhiều công ty toàn cầu, quy mô thị trường và dân số càng lớn thì càng làm chủ được nhiều nguồn tài nguyên này ở các thị trường. Vì vậy, thay vì đi chiếm lĩnh các mỏ dầu, việc mà các công ty toàn cầu hay làm ở thời đại hiện nay là đi chiếm lấy các công ty dữ liệu. Các nước không có được lợi thế này, và không có quy định về tài nguyên dữ liệu thì sự thiệt thòi sẽ ngày càng gia tăng theo cấp số nhân.

Trong rất nhiều tranh cãi về dữ liệu, nổi lên ba vấn đề cần được các nước thống nhất và thể chế hóa để nền kinh tế của thế kỷ mới vận hành có quy chuẩn hơn. Bao gồm: (i) quyền thu thập dữ liệu dựa trên những chuẩn mực nào; (ii) quyền/nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu ra sao; (iii) việc phân chia lợi ích/trách nhiệm từ việc khai thác dữ liệu như thế nào.

Từ ba vấn đề này, chúng ta sẽ hiểu được bốn tính chất của nguồn lực dữ liệu mà một quốc gia cần xác định và kiểm soát hiệu quả. Vấn đề (i) liên quan đến khả năng tiếp cận dữ liệu; vấn đề (ii) liên quan đến tính bảo mật và tính riêng tư của dữ liệu; vấn đề (iii) liên quan đến tính thương mại của dữ liệu.

Thách thức lớn để các nước cùng tiến vào kỷ nguyên chuyển đổi số là không thống nhất được với nhau trong ba vấn đề này. Mặc dù những thách thức ngày nay có thể không đòi hỏi phải có một “Tổ chức Thương mại Kỹ thuật số” mới với một tòa nhà ở Geneva, nhưng rõ ràng cần có một khuôn khổ các quy tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực gắn kết hơn trong không gian kỹ thuật số.

Tôi gọi đây là “trụ cột thứ năm” của quản trị kinh tế toàn cầu, theo sau ba thể chế ban đầu của Bretton Woods được tạo ra sau Thế chiến thứ II và các thỏa thuận năng lượng được thiết lập vào những năm 1970.

Thành công của chuyển đổi số không chỉ được quyết định bởi việc thiết kế chính sách mà còn bởi việc chính phủ có thể hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và tham gia vào chính quá trình hoạch định chính sách đó hay không.

Đối với một quốc gia, trước khi hoặc ngay khi bắt đầu nghĩ tới chuyển đổi số, cần thiết lập các trung tâm thu thập và xử lý dữ liệu của riêng mình phù hợp với các giá trị về quyền con người và các giá trị chung mà xã hội ở đó theo đuổi.

Với tốc độ thay đổi công nghệ, có thể hiểu rằng các khuôn khổ hiện tại vẫn chưa thể tiết lộ toàn bộ quy mô và phạm vi của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật số có thể là một phần của giải pháp vì chúng tạo ra luồng thông tin khổng lồ.

Nhiều hành động trực tuyến để lại “dấu chân” kỹ thuật số có thể được quan sát bằng cách sử dụng các công cụ quét, diễn giải, lọc, thu thập và sắp xếp thông tin từ khắp nơi trên Internet. Bên cạnh đó, dữ liệu dựa trên Internet cũng đặt ra một số vấn đề về chất lượng thống kê, bảo mật và quyền riêng tư cần phải giải quyết.

Internet cũng cho phép tạo ra các tổ chức phi vật chất và thuê ngoài linh hoạt, do đó làm mờ ranh giới giữa doanh nghiệp và thị trường và giữa công việc với đời sống xã hội. Điều này tạo ra thách thức cho các phương pháp thu thập số liệu thống kê hiện nay. Do đó, các phương pháp phân tích liên ngành mới là cần thiết để hiểu hành vi đổi mới, các yếu tố quyết định và tác động của nó ở cấp độ cá nhân và tổ chức.

Để cải thiện việc đo lường dữ liệu và luồng dữ liệu, các cộng đồng thống kê, kinh doanh và nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các quốc gia cần làm việc cùng nhau để: (i) phát triển các cách phân loại và phân loại dữ liệu thích hợp cho các mục đích đo lường thống kê; (ii) nghiên cứu sâu hơn về vai trò và bản chất của dữ liệu trong các mô hình và quy trình kinh doanh; (iii) khám phá các phương pháp đo lường luồng dữ liệu và kho dự trữ; (iii) cải thiện việc đo lường tài sản dựa trên tri thức bao gồm dữ liệu và vai trò của chúng đối với sản xuất, năng suất và khả năng cạnh tranh.

Xây dựng các nền tảng (platform) thiết yếu

Nền tảng kỹ thuật số kết hợp các sáng kiến của các công ty Internet khổng lồ của Trung Quốc với sự thúc đẩy của chính phủ nhằm tích hợp các ngành truyền thống với việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến (ICT).

Các mục tiêu táo bạo để thúc đẩy phát triển nền tảng mà chính phủ Trung Quốc đưa ra bao gồm việc thiết lập một nền tảng công nghiệp kỹ thuật số hàng đầu toàn cầu, xây dựng 10 nền tảng đa ngành và 300.000 ứng dụng công nghiệp vào năm 2020.

Cách tiếp cận từ trên xuống của các nhà hoạch định chính sách kết hợp các mục tiêu đầy tham vọng, được điều chỉnh thường xuyên với các dự án thí điểm được chọn để tạo áp lực cho ngành công nghiệp và các tác nhân ICT để thực hiện các mục tiêu mà chính phủ đã đề ra. Cho đến nay, các nền tảng công nghiệp kỹ thuật số của Trung Quốc đang bắt đầu cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.

Để làm được điều này, năm 2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã công bố danh sách 93 dự án Internet công nghiệp đầu tiên trong nỗ lực toàn diện nhằm xây dựng, mở rộng quy mô, điều chỉnh và tiêu chuẩn hóa các nền tảng của Trung Quốc.

Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) đã tài trợ cho đợt đầu tiên của dự án với 4,9 tỉ nhân dân tệ. MIIT sau đó cũng chủ trì Liên minh Internet Công nghiệp (AII), diễn đàn chính để tương tác giữa các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp. AII được thành lập vào năm 2016 và có hơn 1.300 thành viên.

Một số thành viên nước ngoài của AII bao gồm SAP, Siemens, Schneider Electric và GE. Chính các tổ chức này đang tích cực thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các nền tảng Internet công nghiệp của Trung Quốc.

Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Như đã nêu ở các bài trước, tôi cho rằng thành công của chuyển đổi số không chỉ được quyết định bởi việc thiết kế chính sách mà còn bởi việc chính phủ có thể hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và tham gia vào chính quá trình hoạch định chính sách đó hay không.

Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp liên quan đến công nghệ đám mây (enterprises-on-cloud) ở Trung Quốc là 30,8%, so với 50% ở Mỹ và 73% ở Đức. Báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) năm 2019 cho thấy trung bình chưa tới 40% số doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi này.

Thương mại hóa hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến số hóa

Để thương mại hóa cũng như khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, chính phủ cần làm cho nền kinh tế kỹ thuật số “hiển thị” trong các thống kê kinh tế. Đây là một việc làm khó, không chỉ bởi công tác thống kê ở nhiều nước còn rất yếu, chưa theo thông lệ quốc tế mà còn bởi kinh tế số là khái niệm quá trừu tượng và khó phân tách.

Việc đo lường chuyển đổi kỹ thuật số và các tác động của nó đòi hỏi sự phát triển của các chỉ số bổ sung cho các quan điểm được cung cấp bởi các khuôn khổ đo lường truyền thống, chẳng hạn như các chỉ số được sử dụng để đo lường GDP và dòng chảy thương mại.

Nhưng ngay cả trong các khuôn khổ hiện tại này, cách mà các công ty, sản phẩm và các giao dịch thực sự được phân loại và xác định đòi hỏi phải có sự thích ứng. Ngoài ra, cần đẩy nhanh các nỗ lực nắm bắt các hiện tượng liên quan bên ngoài ranh giới sản xuất hiện tại của các tài khoản quốc gia.

Ví dụ, những hiện tượng liên quan đến việc tiêu thụ (và giá trị) của các dịch vụ trực tuyến được cung cấp miễn phí cho người tiêu dùng, chẳng hạn như tìm kiếm trực tuyến, mạng xã hội và các trang web như vậy. Đồng thời, cần khuyến khích hơn nữa công việc giải quyết những thách thức của toàn cầu hóa và việc đo lường các dịch vụ không cố định về mặt vật lý ở một vị trí duy nhất (ví dụ dịch vụ đám mây và dịch vụ được cung cấp bởi các nền tảng trực tuyến).

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) VNUA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới