Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếp cận vốn ngoại tệ sẽ không dễ nữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp cận vốn ngoại tệ sẽ không dễ nữa

Thủy Triều

Tiếp cận vốn ngoại tệ sẽ không dễ nữa
Tiếp cận vốn vay ngoại tệ được dự báo sẽ khó hơn cho doanh nghiệp. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Tuần cuối cùng của tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra một loạt các chính sách tiền tệ cả tiền đồng và đô la Mỹ với mục tiêu hạn chế tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng vốn đang ở mức cao, và khai thông dòng vốn tiền đồng. Với các biện pháp này, nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ tại ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Mới đây nhất, NHNN đã tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ lên thêm 1 điểm phần trăm, tức tỷ lệ dự trữ bắt buộc của tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 12 tháng là 8%, và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6%. Đây là lần thứ 3 trong năm nay NHNN sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.

Động thái này của NHNN được cho rằng sẽ khiến các ngân hàng phải cân nhắc tăng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, mà chủ yếu là đô la Mỹ khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có chiều hướng tăng nhanh, gây e ngại sẽ gây áp lực lớn lên tỷ giá vào cuối năm. Theo NHNN, tính đến ngày 20-7, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ ở mức 7,57% nhưng trong đó tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng xấp xỉ 24%. Khi các khoản vay ngoại tệ này đáo hạn, nhu cầu mua đô la sẽ tăng vọt trong khi nguồn cung có giới hạn, điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần cho biết dĩ nhiên khi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ tăng tức chi phí cho vay tăng lên thì ngân hàng của ông sẽ phải điều chỉnh lãi suất cho vay đô la Mỹ tăng theo. Tuy nhiên, ông cho rằng có một vấn đề đang làm giảm sự ảnh hưởng của quyết định về tăng dự trữ bắt buộc đó là các doanh nghiệp hiện đang dựa vào việc NHNN cho rằng sẽ không để tỷ giá biến động quá 1% trong các tháng cuối năm, tức tỷ giá ổn định nên vẫn sẽ chọn vay đô la Mỹ vì lãi suất vẫn thấp hơn tiền đồng.

Thị trường sẽ có những biến động mà khó ngờ được, và khi cầu ngoại tệ vượt xa so với cung thì có khả năng giá đô la trên thị trường tự do sẽ biến động dù giá ngân hàng vẫn đứng yên như đã xảy ra nhiều lần trước đây. Nếu doanh nghiệp không có sự cân nhắc và chuẩn bị từ bây giờ, thì có khả năng sẽ vẫn gặp rủi ro về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, vị này nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác thì cho biết ngân hàng ông vẫn chưa tăng lãi suất cho vay đô la Mỹ nhưng sẽ xem xét tình hình thị trường, và khả năng tăng lãi suất ngoại tệ là có.

Theo phòng phân tích trang thông tin Vietstock, chuyên cung cấp thông tin về tài chính, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ khiến các tổ chức tín dụng cân nhắc giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay đô la Mỹ. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp cân nhắc khi vay đô la Mỹ giúp giảm tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Động thái này cũng sẽ phát huy hiệu quả tích cực hơn những lần trước đây khi được cộng hưởng bởi lãi suất cho vay tiền đồng được dự báo sẽ được kéo giảm trong những tháng tới.

Theo Vietstock, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ tạo ra bước đệm để NHNN nới lỏng cung tiền đồng. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ như tăng dự trữ bắt buộc thì việc giảm lãi suất tiền đồng sẽ gây bất lợi trong việc nắm giữ tiền đồng khi chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ thu hẹp. Như vậy, có thể dự đoán tiếp sau động thái này là việc cung ứng ra một lượng tiền đồng khá lớn để kéo giảm mặt bằng lãi suất tiền đồng như tuyên bố của NHNN, phòng phân tích của Vietstock nói.

Bên cạnh việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ, mới đây NHNN đã ban hành thông tư 22 trong đó có 2 điểm quan trọng. Trước tiên là quy định hệ số cho vay từ nguồn vốn huy động (LDR) 80% theo như quy định trong thông tư 13 & 19 trước đây sẽ tạm hoãn thực hiện, được hy vọng sẽ giúp giảm lãi suất cho vay tiền đồng. Thứ hai là hệ số rủi ro của các khoản vay đô la Mỹ được đảm bảo bằng giấy tờ có giá được tăng từ 20% lên 50% khi tính hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng (CAR).

Theo ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), thì đứng từ phía ngân hàng, vấn đề thứ hai nói bên trên sẽ khiến việc cho vay đô la Mỹ sẽ có chi phí cao hơn nếu xét vốn chủ sở hữu đối ứng cần có. Việc này theo chuyên gia của HSC cũng sẽ góp phần hạn chế tăng trướng tín dụng bằng đô la Mỹ, vốn đang bị e ngại sẽ gây ra sức ép lớn lên tỷ giá bên cạnh sự tăng giá của vàng.

Gần đây, tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường tự do đã vượt 21.000 đồng, và tại ngân hang mặc dù vẫn niêm yết ở mức 20.834 đồng, doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp từ ngân hang vẫn phải trả trên 21.000 đồng để mua đô la.

NHNN cũng cho biết sắp tới sẽ xem xét theo hướng siết lại đối tượng được vay ngoại tệ và thanh tra các tổ chức tín dụng có tăng trưởng ngoại tệ mạnh, do vậy việc tiếp cận các khoản vay ngoại tệ sẽ càng khó hơn cho doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới