Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục chờ sàn giao dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp tục chờ sàn giao dịch

Với vài gian hàng trái cây lèo tèo không khác gì một chợ trái cây thông thường thì còn lâu chợ đầu mối trái cây quốc gia Tiền Giang mới trở thành đầu mối giao dịch đúng như kỳ vọng của Chính phủ và chủ đầu tư – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Viện Kinh tế TPHCM đã trình UBND TPHCM đề án thành lập Sở Giao dịch hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng nông – thủy – hải sản. Sàn giao dịch hàng hóa là một câu chuyện kéo dài gần 8 năm qua, mà tới bây giờ chưa có sàn nào hoạt động cả.

Sở giao dịch hàng hóa đầu tiên được thành lập ở Việt Nam sẽ vận hành theo mô hình công ty, có vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Đây là thông tin được nhiều báo đăng tải vào giữa tháng 4 nhưng thực ra, nó nằm trong đề án đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ và xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM do Sở Thương mại phối hợp với Viện Kinh tế TPHCM cùng các cơ quan khác xây dựng từ 2 năm qua.

Chưa hoạt động bao lâu đã chết yểu

Những người nuôi tôm ở Cần Giờ vào đầu tháng 5-2002 không lạ gì với hình ảnh ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TPHCM, tại sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ (tên viết tắt tiếng Anh là Cangio ATC). Người viết bài này khi đó chứng kiến cảnh ông Nhân tay cầm bút, sổ tay, ghi chép từng nhu cầu và hỏi han cặn kẽ từng hộ nông dân nuôi tôm ở đây muốn bán cho doanh nghiệp như thế nào, giá ra sao, thu hoạch lúc nào. Rồi ông Nhân lại quay qua gặp gỡ từng doanh nghiệp đăng ký tham gia mua tôm qua sàn giao dịch nhằm tạo điều kiện cho người bán tôm là nông dân và người mua là doanh nghiệp gặp nhau để Cangio ATC đi vào hoạt động thuận buồm xuôi gió.

Cangio ATC lúc đó được UBND TPHCM giao cho Cholimex, một doanh nghiệp chế biến thủy sản làm chủ đầu tư với số vốn 7,5 tỉ đồng, trên khuôn viên rộng 5 héc ta với đầy đủ những thứ cần thiết cho một sàn giao dịch thủy sản là ngân hàng, bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, cảng và nhiều công trình phụ trợ khác.

Ngày khánh thành có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Thủy sản và ai cũng công nhận, đó là sàn giao dịch thủy sản đầu tiên ở Việt Nam, từ đó có thể nhân rộng cho các sàn giao dịch thủy sản khác ở vùng ĐBSCL.  

Thế nhưng, chỉ sau vài tháng thì Cangio ATC vắng lặng người giao dịch, nông dân vẫn thích bán cho thương lái hơn là bán trực tiếp cho doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cũng muốn mua sỉ qua thương lái hơn là mua lẻ qua nông dân vì họ vốn không đủ người, xe để thực hiện. Vậy là Cangio ATC “chết không kèn không trống”.

Trước Cangio ATC vài tháng, người dân qua lại cổng bên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (lúc đó là trung tâm giao dịch chứng khoán) ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sẽ thấy có tấm biển “Sàn giao dịch hạt điều” viết bằng cả tiếng Việt và Anh. Sàn giao dịch hạt điều do Hiệp hội cây điều Việt Nam phối hợp với Trung tâm chứng khoán TPHCM lúc đó và một đối tác của Mỹ mở ra ngày 7-3-2002 mà ngày hôm sau, hàng chục tờ báo lớn nhỏ trong nước giật tít rất kêu “hạt điều nhảy lên sàn giao dịch”.

Trước khi ra đời, một đoàn quan chức của trung ương, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn đã sang Anh khảo sát các sàn giao dịch nông sản của nước này và khi về nước, họ chọn hạt điều làm thí điểm với hy vọng hình thành thị trường giao dịch quốc tế về các mặt hàng nông sản ngay tại Việt Nam, mà trước mắt là hạt điều. Lúc đó, người ta chọn hạt điều vì chủng loại sản phẩm đơn giản, số lượng nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu ít nên việc giao dịch sẽ không phức tạp như các mặt hàng khác.

Ngay trong ngày cắt băng khai trương và phiên giao dịch đầu tiên, chỉ có một mình Lafooco, một doanh nghiệp điều giao dịch và bán được một lô hàng nhỏ nhưng ai cũng biết lô hàng này thực chất là đã thỏa thuận từ trước với khách hàng để “lấy hên” ngày khai trương.

Và sau cái phiên giao dịch đầu tiên ấy, chẳng có một ai tới trung tâm chứng khoán TPHCM để giao dịch, mua bán hạt điều và nó “chết” lúc nào chẳng ai biết, chỉ thấy khoảng 1 năm sau, tấm biển “Sàn giao dịch hạt điều” được tháo xuống.

Lời nói gió bay

Phong trào xây dựng chợ đầu mối nông sản khởi động vào năm 2000, đầu tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Tổng công ty Lương thực miền Nam làm chủ đầu tư 3 dự án chợ đầu mối gạo ở ĐBSCL.

Sau đó, nhiều địa phương trong nước cũng nhảy vào phong trào xin ngân sách xây dựng chợ đầu mối trái cây, chợ đầu mối gạo, chợ đầu mối cà phê. Và để thuyết phục dễ dàng trong việc xin ngân sách, các chủ đầu tư bao giờ cũng nói rằng đó là trung tâm giao dịch nông sản, nơi doanh nghiệp và nông dân gặp nhau, rồi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng giao dịch.

Tất nhiên, khi khởi công xây dựng, ông chủ đầu tư nào cũng tuyên bố rằng dự án của mình học hỏi theo mô hình tiên tiến của nước ngoài, có hạng mục sàn giao dịch nông sản, có mua bán giao ngay, có giao dịch mua bán giao sau không khác gì sàn giao dịch cà phê ở London hay New York, sàn cao su của Nhật hay Singapore.

Bây giờ, các chợ đầu mối gạo, trái cây ở ĐBSCL mua bán lèo tèo, có nơi chỉ là sân phơi lúa cho nông dân khi thu hoạch, trái cây chỉ có vài sạp, còn thua chợ nhỏ ở nông thôn nhưng kinh phí xây dựng thì chợ nào cũng trên 100 tỉ đồng. Người viết bài này từng gặp một số chủ đầu tư các chợ đầu mối và hỏi: “Khi nào sàn giao dịch nông sản của chợ đi vào hoạt động?”. Câu trả lời gần như giống nhau: “Đang triển khai và chờ có mô hình trong nước để học tập”.

Nghịch lý ở chỗ Tiền Giang xây dựng chợ trái cây quốc gia do Satra Group làm chủ đầu tư thì cách đó chưa đầy 50 ki-lô-mét, Đồng Tháp cũng có chợ trái cây đầu mối, khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, như lời một doanh nghiệp kinh doanh trái cây nhận xét. Tương tự ở huyện Cái Bè, Tiền Giang có chợ giao dịch gạo Bà Đắc tự phát hình thành hàng chục năm qua mà bây giờ, ít nhất nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giao dịch qua chợ này, lẽ ra nhà nước nên quy hoạch lại và đầu tư cho nó phát triển thêm thì lại bỏ hàng trăm tỉ đồng đi xây dựng chợ gạo ở Đồng Tháp, Long An… mà bây giờ vắng như “chùa Bà Đanh”.

Những vườn hoa lan như thế này ngày một nhiều ở ngoại ô TPHCM, đang rất cần trung tâm đấu giá hoa theo mô hình của xứ sở hoa Hà Lan -Ảnh: HỒNG VĂN

Ở TPHCM cũng xây dựng ba chợ đầu mối Bình Điền, Tân Xuân và Tam Bình trong chương trình di dời các chợ đầu mối trong nội thành ra ngoại thành. Trong số đó, chỉ duy nhất chợ Tam Bình khi khởi công xây dựng giai đoạn 2 đầu năm ngoái có đề cập hạng mục xây dựng sàn giao dịch nông sản dưới hình thức trung tâm đấu giá nông sản nhưng hơn 1 năm trôi qua vẫn chưa thấy sàn này khởi động.

Nghe đâu hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đang xây dựng trung tâm giao dịch nông sản rộng 24 héc ta ở xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, để giao dịch hoa, cây cảnh, cá kiểng, các mặt hàng nông nghiệp kỹ thuật cao theo mô hình trung tâm đấu giá hoa của Hà Lan. Tuy nhiên, cũng mới chỉ đền bù, lo khâu mặt bằng và bà con nông dân thành phố yên tâm chờ đợi thêm vài ba năm nữa.

Vẫn còn xa quá  

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được xem là dự án khả thi nhất. Dự án được phê duyệt vào giữa năm 2003 với vốn đầu tư từ ngân sách 44 tỉ đồng nhưng mãi tới cuối năm 2005 mới khởi công và trải qua nhiều trục trặc từ mô hình giao dịch là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu, rồi thiết bị kỹ thuật, quy chế giao dịch và thậm chí phần mềm điều hành giao dịch.

Lẽ ra trung tâm này phải đi vào hoạt động từ tháng 9 năm ngoái nhưng theo lời ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, phải tới tháng 10 tới đây trung tâm mới có thể đi vào hoạt động, vì bây giờ còn phải chờ phần mềm kỹ thuật do Ngân hàng Techcombank lập trình theo mô hình sàn giao dịch cà phê London, mà Techcombank đang là một nhà môi giới giao dịch cho sàn này.  

Theo đề án kỹ thuật và quy chế vận hành của trung tâm đã được chính quyền tỉnh Dak Lak phê duyệt thì trung tâm thực hiện hai chức năng giao dịch là mua bán giao ngay và mua bán giao sau theo kỳ hạn. Việc mua bán được đặt lệnh và nhận lệnh, khớp lệnh tương tự như giao dịch chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

Xây dựng gần 3 năm qua nhưng tới bây giờ Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vẫn là tòa nhà trống không – Ảnh: www.daktra.com.vn

Dự kiến thời kỳ đầu sẽ có khoảng 75 tổ chức thành viên, trong đó 40 tổ chức kinh doanh xuất khẩu và chế biến cà phê trong nước, 10 công ty kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê nước ngoài, 20 tổ chức sản xuất cà phê và 5 tổ chức môi giới tham gia giao dịch. Điều này có nghĩa nông dân trồng cà phê nhỏ lẻ phổ biến hiện nay khó mà đăng ký làm thành viên để tham gia giao dịch.  

Hơn nữa, sàn giao dịch này quy định mỗi lô hàng (lot) tham gia giao dịch là 5 tấn cà phê nhân robusta (cà phê vối), trong khi diện tích trồng cà phê trung bình của hộ nông dân là dưới 1 héc ta, tức hàng năm chỉ thu hoạch được 2-3 tấn thì khó lòng tham gia giao dịch.

Như vậy, nông dân trồng cà phê hay các loại nông sản khác vẫn phải tiếp tục chờ đợi cái mô hình giao dịch mà thế giới đã làm từ lâu. Thái Lan khởi động sàn giao dịch cao su thiên nhiên từ năm 2002, cùng lượt với nhiều dự án ở Việt Nam, mà bây giờ họ đã hoạt động thành công và sang Việt Nam tiếp thị, mời các doanh nghiệp cao su Việt Nam nối mạng Internet tham gia giao dịch sàn cao su của họ.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới