Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục kiểm soát chặt dòng vốn liên quan đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo báo cáo cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các Tổ chức tín dụng (TCTD) quí 1-2022, các đơn vị cho vay dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng trong năm nay, nhưng vẫn siết chặt lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.

Theo báo cáo, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên trong 6 tháng đầu năm 2022 và có thể là cả năm 2022. Cơ sở là sự kỳ vọng về triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, cùng với năng lực tài chính của các TCTD đã được cải thiện hơn.

Nhu cầu vay tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm nay. Ảnh minh họa: TTXVN.

Trong 6 tháng cuối năm ngoái, khảo sát cũng cho thấy trước đó các TCTD cho biết đã giảm đáng kể xu hướng “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng đầu năm, đối với cả 2 nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Việc nới lỏng trên được thực hiện trong bối cảnh mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021.

Trong khoảng thời gian này, các TCTD một mặt thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mặt khác “thắt chặt hơn” yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.

Tuy nhiên, các  TCTD đã “nới lỏng” hơn đối với khách hàng cá nhân, trong đó, các điều kiện và điều khoản cho vay được nới lỏng đối với cho vay tiêu dùng, giữ nguyên đối với cho vay bất động sản để ở và thắt chặt đối với hoạt động thẻ tín dụng.

Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022, đặc biệt bên cạnh việc tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, các TCTD dự kiến gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các TCTD cũng dự kiến tiếp tục “thắt chặt” mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản” và “sử dụng thẻ tín dụng”.

Theo khảo sát, các TCTC cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng lĩnh vực “kinh doanh bất động sản” đã giảm từ mức 29,7% trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn 23% trong 6 tháng cuối năm 2021. Dự kiến con số này sẽ ở mức 23,8% trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro “tăng” cao nhất tại kỳ điều tra tháng 6-2021.

Trong buổi họp báo trước đó của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu. Ở lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ cho nhu cầu mua bán nhà ở thực tế của người dân vẫn được quan tâm, nhưng sẽ kiểm soát chặt hơn đối với các hoạt dộng liên quan đến đầu cơ.

Trong khi đó, mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các TCTD dự báo tăng trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng tốc độ thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2021 và kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong cả năm 2022.

Nhìn chung, nhu cầu tổng thể của khách hàng trong năm 2021 đã tăng cao hơn so với năm 2020 nhưng chưa đạt kỳ vọng. Dự kiến trong quí 1-2022 và cả năm 2022, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn.

Động lực tăng trưởng tín dụng tiếp tục đến từ 5 lĩnh vực được nhiều TCTD lựa chọn có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm nay. Cụ thể là lĩnh vực “phục vụ đời sống và tiêu dùng” (được nhận định tăng thấp nhất trong năm 2021 nhưng dự báo sẽ tăng cao nhất trong năm 2022), công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới