Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Văn Nam

Xe sản xuất ở Trung Quốc được trưng bày tại một hội chợ triển lãm tại TPHCM gần đây – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương vừa đề nghị Trung Quốc có chính sách hỗ trợ việc nhập khẩu 16 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Điều này được xem như một trong những biện pháp để Việt Nam thu hẹp nhập siêu từ Trung Quốc.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 17-5, ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, cho biết một số mặt hàng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc gồm cao su, cà phê, chè các loại, dây điện và cáp điện, hải sản, hàng dệt may, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm may tre cói thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, sản phẩm từ ngũ cốc và bánh kẹo …

Theo danh sách nhóm mặt hàng mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc có những chính sách khuyến khích, tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, giá trị nhập siêu 4 tháng đầu năm 2010 của Việt Nam ước khoảng 4,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm đến 75,4% tổng giá trị nhập siêu của cả nước.

Theo ông Nhân, muốn xuất khẩu được nhiều thì Việt Nam phải nhập khẩu đủ lượng nguyên phụ liệu sản xuất tương ứng. Và trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất thì Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc vì giá cả, chất lượng nguyên liệu của Trung Quốc tương đối hợp lý, không quá cao, chưa kể Trung Quốc cũng là thị trường gần, chi phí vận tải thấp.

Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới, ông Nhân cho rằng có 2 hướng giải pháp cần thiết. Thứ nhất, phải tăng cường xuất khẩu sao cho tốc độ xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu để dần thu hẹp nhập siêu.

Thứ hai, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu hỗ trợ. Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp ở nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải triển khai việc cấp phép giấy phép nhập khẩu tự động để khống chế số lượng, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu.

Gần đây, do thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên như than, dầu thô, nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu… là những nhóm hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nên ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương Đào Trần Nhân, riêng trong năm 2009, có một mặt hàng mới nổi lên là sắn lát và tinh bột sắn mà Việt Nam xuất khẩu được rất nhiều trong năm 2009. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt hàng sắn lát và tinh bột sắn đang hy vọng lọt vào nhóm hàng xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới