Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách khơi thông 2 điểm nghẽn gây ngập sân bay Tân Sơn Nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách khơi thông 2 điểm nghẽn gây ngập sân bay Tân Sơn Nhất

Văn Nam

Tìm cách khơi thông 2 điểm nghẽn gây ngập sân bay Tân Sơn Nhất
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phát biểu tại cuộc họp sáng nay – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Hướng thoát nước quan trọng nhất của sân bay Tân Sơn Nhất là hướng Nam, từ khu đỗ máy bay theo mương A41 ra đường Cộng Hòa – Út Tịch rồi thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang bị lấn chiếm nghiêm trọng khiến dòng chảy bị thu hẹp. Theo thông tin từ cuộc họp giữa các đơn vị liên quan sáng nay (16-9), để hạn chế tình trạng ngập nước cho sân bay, trước mắt sẽ sử dụng bơm lưu động trực tiếp, và nạo vét thường xuyên con mương này. Về lâu dài sẽ phải mở rộng tuyến mương huyết mạch A41.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng các đơn vị liên quan như Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị số 1 và UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp lúc 10 giờ sáng nay (16-9) đã có cuộc họp bàn giải pháp chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày một nghiêm trọng trong thời gian gần đây. 

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, tháng 8 và tháng 9 vừa qua tình hình ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có chiều hướng gia tăng, cần phải có ngay giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.

2 trong 3 hướng thoát nước chính bị "nghẽn"

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, ngập nặng nhất là khu vực bãi đỗ máy bay (khu A41). Hiện kênh Hy Vọng đang được nạo vét rộng 6,5 mét, còn mương thoát nước khu vực phía Bắc sân bay đến tháng 9 này sẽ hoàn thiện. Riêng đoạn mương từ sân bay ra hợp lưu với mương thoát bên ngoài do UBND quận Tân Bình đảm nhận.

Theo đại diện trung tâm chống ngập, hiện khu vực sân bay có 3 hướng thoát nước chính: hướng bắc thoát về kênh Hy Vọng – Tham Lương thuộc quận Tân Bình hiện đang được nạo vét nên thoát nước tốt, không gây úng; hướng Nam thoát về mương A41 hiện đang bị lấn chiếm nghiêm trọng khiến lòng mương bị bóp méo nên hạn chế thoát nước (mương này có hai nhánh thoát từ sân bay đến đường Cộng Hòa – Út Tịch ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện chưa đảm bảo); hướng Đông Nam từ sân bay thoát về mương Nhật Bản từ tường rào sân bay đến công viên Gia Định dự kiến cuối tháng 9 hoàn thiện.

Hiện trung tâm chống ngập đã thay thế toàn bộ cống hộp 2×2 mét cho tuyến cống ngang đường mương A41, đào sâu lòng mương A41. Tuy nhiên, hiện đoạn mương A41 này rất hẹp, có đoạn bị lấn chiếm chỉ còn nửa mét.

Về ngập nước tại sân bay, qua kiểm tra cho thấy hiện hệ thống cống cũ trong khu đậu sân bay đã được thay thế, kết nối ra mương A41. Hệ thống đấu nối cần được nghiên cứu lại và thay thế để tăng khả năng thoát nước. "Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các đơn vị quản lý hệ thống thoát nước bên trong sân bay với bên ngoài tường rào sân bay (thuộc nhiều đơn vị khác nhau) mới hy vọng giải quyết tình hình ngập úng ở sân bay được", đại diện trung tâm chống ngập nói.

Sau khi nghe đại diện trung tâm chống ngập trình bày hiện trạng, ông Bùi Xuân Cường đặt vấn đề: cần tính toán lượng mưa trên tổng diện tích lưu vực để có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn cơn mưa lớn ngày 26-8 có lưu lượng 149 mm trong 2 giờ và trận mưa ngày 11-9 nhỏ hơn cũng gây ngập thì cần có giải pháp trước mắt để đồng bộ thì mới thoát hết nước nhanh được. Về lâu dài, với 3 hướng thoát nước cần tập trung cho dự án cải tạo, nâng cấp cống thoát nước và cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể hoặc có thể tính đến giải pháp hồ điều tiết chứa nước tạm thời.

Máy bay không hạ, cất cánh được do thời tiết xấu chứ không phải do ngập nước

Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng diện tích mặt bằng sử dụng kênh thoát nước A41 khu vực Nam sân bay gồm sân đậu máy bay khoảng 80 héc ta, tổng diện tích khu phía Bắc thoát nước về kênh Hy Vọng là hơn 500 héc ta, còn lại diện tích phía Đông Nam là 120 héc ta thoát nước qua tuyến kênh Nhật Bản.

Nhiều năm trước mương hở đoạn từ khu đậu máy bay A41 đi ra hệ thống thoát nước bên ngoài sân bay có bề rộng miệng đến 8 mét, đáy rộng 4 mét và chiều sâu 3,6 mét nhưng đến nay do tình trạng lấn chiếm kênh nên giờ có đoạn rộng chưa đầy 1 mét, hẹp dần nên không thể thoát nước khi mưa lớn.

“Có lúc mưa lớn thì hồ điều tiết bên trong sân bay bị đầy. Hướng Đông Nam ngập chủ yếu khi mưa lớn. Hướng ngập nặng nhất ảnh hưởng đến sân bay là hướng kênh A41 ra đường Cộng Hòa, là hướng thoát nước xấu nhất và vấn đề nằm ở chỗ đấu nối mương ra bên ngoài. Hiện hai nhánh thoát nước A41 bị hẹp, lòng mương bị bồi lấp, có chỗ hẹp nửa mét, trời không mưa nước thải cũng bị ngập tràn cống thì làm sao khi mưa to nước thoát được”, ông Tú nói và đặt vấn đề để giải quyết ngập cho sân bay mấu chốt là hướng mương A41. "Cần trả lại diện tích bề rộng, chiều sâu cho tuyến mương thoát A41", ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, báo chí đã phản ánh không chính xác khi nói sân bay bị ngập, máy bay không hạ cất cánh được, Ông giải thích thêm: "Trong thời gian mưa to, do điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, gió giật mạnh nên máy bay không hạ cất cánh được chứ không phải ngập nước. Trong hai cơn mưa to năm nay tình trạng ngập chỉ là cục bộ, một số ít bến đậu, diện tích ngập chỉ chiếm 1/10 trong tổng số 50 bến đậu của toàn sân bay Tân Sơn Nhất".  

Diện tích của toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là 650 héc ta, trong đó 220 héc ta là bê tông, còn lại là diện tích trồng cỏ.

Cuối buổi làm việc sáng nay, ông Bùi Xuân Cường, kết luận trước mắt cần ưu tiên giải quyết thoát nước hướng Nam sân bay qua đoạn kênh mương A41. Tập trung vào một đầu mối chứ không phải 3 đầu mối như thời gian qua, có kế hoạch nạo vét duy tu thường xuyên tuyến mương này. Đối với 8 vị trí cống hộp băng ngang đường, ông Cường đề nghị trung tâm chống ngập xử lý càng sớm càng tốt. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 rà soát kênh mương thoát nước tuyến đường Bạch Đằng giúp tăng cường khả năng thoát nước cho sân bay. Bên cạnh đó, trung tâm chống ngập sớm khảo sát, lắp trạm bơm tạm thời trong tháng 9 này để bơm thoát nước tuyến mương A41.

Đồng thời, ông Cường đề nghị UBND quận Tân Bình tăng cường công tác tuyên truyền và có biện pháp để người dân không xả rác, xà bần vào kênh mương A41.

Mời xem thêm:

>> Làm cống hộp thoát nước thì mới hết ngập sân bay TSN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới