Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách thâm nhập thị trường châu Phi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách thâm nhập thị trường châu Phi

Kinh Luân

Ông Amal Mahamad-Toukour (trái), Giám đốc Công ty Acrimex của Cộng hòa Trung Phi, chuyên nhập khẩu điện thoại di động, máy nông nghiệp và xuất khẩu vàng, đang trao đổi với hai doanh nghiệp Việt Nam trong giờ giải lao. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Phi nên tập trung vào 5 nhóm hàng là dệt may, da giày, hàng điện tử, máy nông nghiệp và thủy hải sản.

Lời khuyên trên được ông Trần Quang Huy, Vụ phó Vụ châu Phi và Tây Nam Á (Bộ Công Thương), đưa ra trong cuộc hội thảo “Thúc đẩy trao đổi thương mại và soạn thảo hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp Việt Nam – châu Phi” vừa khai mạc hôm 29-11 tại khách sạn Continental (132 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM).

Tuy nhiên, ông Huy cũng cảnh báo về những rào cản phải vượt qua nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường này. Rào cản thứ nhất chính là việc thiếu thông tin, trong khi rào cản thứ hai chính là sự cạnh tranh rất gay gắt – đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc. “Không hiểu biết đúng mức về phong tục, tập quán, ngôn ngữ… của từng khách hàng, từng cộng đồng cụ thể thì khó mà thành công ở châu Phi được. Trong khi đó, hàng Trung Quốc thì ngoài yếu tố giá cả rất rẻ thì kênh phân phối của họ đã được xây dựng khá vững chắc, những đối thủ cạnh tranh khác khó mà chen vào được”, ông Huy nhấn mạnh.

Được tổ chức bởi Bộ Tư pháp và Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày này có sự góp mặt của 12 doanh nghiệp và tổ chức thương mại đến từ các nước Trung và Tây Phi như Cameroon, Burkina Faso, Benin, Bờ Biển Ngà, Comore… Những mặt hàng mà các vị khách châu Phi quan tâm khá đa dạng, từ máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản, thủy hải sản, hàng điện – điện tử (cáp điện, biến thế, máy tính, điện thoại di động…) cho đến tole, sắt tròn, xây dựng (nhà và công trình giao thông) và giày dép…

Sáng nay, nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp đôi bên, ban tổ chức đã trình bày một số nội dung khá thiết thực như “Nhìn lại quan hệ thương mại Việt Nam – châu Phi”, “Năng lực cung cấp hàng của các doanh nghiệp Việt Nam” hay “Nhu cầu của các nước châu Phi – thành viên của hai tổ chức UEMA và CEMAC”… Bên cạnh đó là phần thuyết trình mang tính tự giới thiệu của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA)…

Chiều cùng ngày hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về thủ tục thương mại, chẳng hạn như quy cách và nội dung của “chỉ định thư”, các loại hợp đồng quốc tế, giao nhận, thanh toán…

Theo chương trình, ngày mai (30-11) hai bên sẽ tiếp tục bàn về nội dung của các hợp đồng thương mại quốc tế- bao gồm các điều khoản thực thi và tranh chấp, giải pháp trọng tài cho trường hợp tranh chấp ở khu vực Tây Phi và Trung Phi… Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Tổ chức hài hòa hóa luật kinh doanh tại châu Phi (ODAHA) sẽ diễn ra sau đó. Hội thảo kết thúc bằng chương trình tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp đôi bên .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới