Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách thương mại hóa dịch vụ nội dung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách thương mại hóa dịch vụ nội dung

Bà Eileen Khoo, chuyên gia công nghệ của forum Nokia, thuyết trình tại hội thảo Mobile Labs 2008, ngày 5-9.

(TBVTSG) – Cùng với xu hướng phát triển công nghệ băng thông rộng di động thế hệ mới và các dịch vụ trên nền tảng web 2.0, cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cho di động cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra các ứng dụng đáp ứng được nhu cầu thương mại của thị trường trong xu hướng mới.  

 Tại cuộc hội thảo “Công nghệ số trên thiết bị di động” (Mobile Labs 2008) ngày 5-9 do FPT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức, các doanh nghiệp và các lập trình viên đã rất kỳ vọng vào thị trường hiện nay với hơn 50 triệu khách thuê bao điện thoại di động. Quy mô này đang tạo ra một thị trường rộng lớn cho dịch vụ nội dung phát triển.  

Thị trường lớn  

Theo ông Đinh Hữu Thành, quản trị diễn đàn www.tinhte.com, xu hướng ứng dụng của cộng đồng sử dụng thiết bị di động ngày càng phong phú, nhu cầu về công nghệ cũng theo đó mà thay đổi và làm đa dạng phân khúc thị trường. Vì thế, các dịch vụ nội dung được cung cấp trên thị trường sẽ gắn chặt với các xu hướng mới như đa kết nối, đa mạng, đa sim… đồng thời tương thích với các nền tảng như 3G, web 2.0, chia sẻ trực tuyến…  

Cũng chính vì thế, Mobile Labs 2008 đã có sự góp mặt của các đối tác không thể thiếu như Nokia (nhà cung cấp thiết bị), Viettel (nhà cung cấp hạ tầng mạng), giới lập trình viên từ diễn đàn Java Việt Nam…

Không chỉ Mobile Labs, nhiều cuộc thi gần đây cũng đã hướng đến sự thu hút giới lập trình nội dung như Moblin (do Intel và Hội Tin học TPHCM phối hợp tổ chức) khuyến khích viết phần mềm mã nguồn mở cho các thiết bị di động (MID), hoặc “Mùa hè sáng tạo”, cuộc thi khai thác giải pháp BREW để viết các phần mềm ứng dụng dữ liệu di động của Qualcomm và S-Fone, khuyến khích người sử dụng làm quen với dịch vụ 3G…  

Viết ứng dụng di động trên các công nghệ khác nhau về cơ bản có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên sự thành công còn phụ thuộc vào việc chọn mô hình tương tác được giữa kỹ thuật và kinh doanh.  

Dịch vụ dữ liệu được xem là phương cách cạnh tranh chính thức của các mạng di động khi mà các dịch vụ thoại không còn mang lại lợi nhuận lớn và khả năng cạnh tranh cao trong tương lai. Theo các doanh nghiệp, điều này cũng tạo ra cơ hội lớn cho các lập trình viên, các công ty phát triển phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động… Tất cả họ cùng góp phần thay đổi bộ mặt của ngành viễn thông, thay vì lâu nay vai trò chính thuộc về các nhà cung cấp mạng lưới hạ tầng.  

Ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT, cho biết họ kỳ vọng Mobile Labs 2008 sẽ tạo ra một “sân chơi” công nghệ sáng tạo cho giới trẻ và mang lại cho cộng đồng nhiều ứng dụng mới. “Cuộc thi năm 2007 vẫn chưa tìm ra được sản phẩm có tính thương mại nên năm nay ban tổ chức yêu cầu hồ sơ tham gia phải có đề án kinh doanh khả thi. Sự sáng tạo của các bạn trẻ là cần thiết nhưng để chuẩn bị cho sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam, họ cần xác định rõ định hướng bán được sản phẩm ra thị trường,” ông Châu nói.  

Cộng đồng viết ứng dụng  

Mobile Labs 2008 bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 30-10-2008 và công bố sản phẩm vào chung khảo ngày 1-12, trao giải thưởng ngày 28-12-2008.

Giải nhất là 50 triệu đồng và một điện thoại Nokia N95; hai giải nhì mỗi giải 30 triệu đồng và điện thoại N82; ba giải ba mỗi giải 20 triệu đồng và điện thoại N73; năm giải khuyến khích với điện thoại N73.

Ban tổ chức cũng phát động cuộc thi Mobile Eyes để người dùng điện thoại di động chụp ảnh theo thông điệp “Sống đẹp”.

Thông tin về cuộc thi có tại www.mo bilelabs.com.vn  hoặc www.mobileeyes.vn.

Ngành viễn thông di động đang trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc các dịch vụ cốt lõi dành cho người tiêu dùng. Từ trước đến nay, hai dịch vụ quan trọng nhất của mạng di động là thoại (voice) và tin nhắn (SMS). Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông trên các khía cạnh công nghệ mạng lưới và thiết bị đầu cuối, điện thoại di động được dùng cho những mục đích khác nhau và xu thế tất yếu là chuyển dịch sang dịch vụ dữ liệu.  

Theo ông Đinh Hữu Thành, hầu hết các máy đời mới đều hỗ trợ các tính năng quan trọng như chụp ảnh, nghe nhạc, kiểm tra e-mail, truy cập Internet, tin tức, thông tin về giáo dục, an ninh, thương mại điện tử, trò chơi… Sự ra đời của mạng 3G cộng với tốc độ phát triển của thiết bị đầu cuối sẽ mang đến cho người sử dụng nhiều dịch vụ tiện lợi và hấp dẫn hơn trong tương lai gần. Việc viết ứng dụng di động trên các công nghệ khác nhau như Symbian, J2ME, Windows Mobile, BREW… về cơ bản có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên sự thành công còn phụ thuộc vào việc chọn mô hình tương tác được giữa kỹ thuật và kinh doanh.  

Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Giản, Trưởng đại diện nhóm công nghệ web 2.0 của FPT, xu hướng kết nối cộng đồng vào các ứng dụng di động đang phát triển nhanh. Vì thế, nói đến phát triển phần mềm chính là nói đến cộng đồng sử dụng chúng.

Trước đây, cộng đồng đơn thuần là người sử dụng cuối, họ dùng thử và nhận xét, đánh giá về chất lượng, mua sản phẩm và quyết định sự sống còn của sản phẩm. Nhưng hiện nay, cộng đồng đã “tiến hóa” lên một bước cao hơn. Nền tảng web 2.0 lấy cộng đồng làm trung tâm – họ chính là những người tạo nên sản phẩm từ ý tưởng, trực tiếp đóng góp nội dung vào nền công nghệ số hiện nay. “Nếu không nắm bắt được xu hướng này, sản phẩm ra đời sẽ không theo kịp nhu cầu của cộng đồng,” ông Giản nói.  

Sự nóng lên của 3G tại Việt Nam cũng đã kích thích các nhà cung cấp vào cuộc cạnh tranh để tung ra dịch vụ. Khuynh hướng hội tụ và sự phát triển của viễn thông sẽ định hướng cho việc lập trình làm sao để phát triển kinh doanh cho các sản phẩm đã hoàn chỉnh.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Viettel Media, tư vấn rằng cần quan tâm đến xu hướng mới cho ứng dụng trên điện thoại di động khi 3G xuất hiện. Việc cung cấp các ứng dụng truyền thống trên điện thoại hiện nay không còn phổ biến như trước nữa. Dịch vụ ngày nay gắn liền với xu hướng trực tuyến. Chúng là sự kết hợp giữa các tính năng thoại, trực tuyến và di động (voice-online-mobile). Một sản phầm phù hợp với nhu cầu của người sử dụng cũng phải có sự tương tác quan trọng giữa ba “nhà” gồm: nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – nhà cung cấp thiết bị đầu cuối – nhà cung ứng nội dung.  

Theo ông Huy, khi 3G xuất hiện thì các đặc tính sẵn có của điện thoại di động hiện nay sẽ trở nên hữu ích như có khả năng thanh toán, cá thể hóa, tính di động cao nhưng lại định vị được, tính đa phương tiện (multimedia) như SMS – voice – MMS… Trong điều kiện này, ông Huy đưa ra lời khuyên cho các nhà lập trình nội dung là chú ý đến các yếu tố thách thức của điện thoại như màn hình nhỏ, bàn phím không thân thiện, nhanh hết pin và chương trình phải phù hợp với nhiều loại máy chạy trên những hệ điều hành khác nhau.

“3G suy cho cùng là băng thông rộng giúp cung cấp các dịch vụ có chất lượng và bảo mật cao hơn. Các ứng dụng trên điện thoại vì thế không chỉ là client, SMS hay WAP mà nó là một tổ hợp ứng dụng (multimedia) dựa trên các thế mạnh riêng để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất trong lập trình ứng dụng cho điện thoại,” ông Huy nói.

TUYẾT ÂN

Lời khuyên cho lập trình viên

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, quản lý dự án BREW của Qualcomm Vietnam, những nguyên tắc cần lưu ý để có một chương trình viết ứng dụng cho điện thoại di động là:

1. Tập trung vào thiết kế chương trình. Đây là nguyên tắc chung của việc phát triển một phần mềm nói chung và một phần mềm di động nói riêng. Nếu có một thiết kế tốt cũng như có một bộ khung tốt trước khi xây nhà, sẽ giảm được rất nhiều vấn đề trong quá trình viết mã (coding) và chạy thử chương trình (testing). Cần tránh tình trạng viết ứng dụng đến đâu thay đổi thiết kế chương trình đến đó, nếu không sẽ dẫn đến việc định dạng chương trình thay đổi liên tục, không nhất quán, có nhiều lỗi tiềm ẩn.

2. Thiết kế giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Các ứng dụng di động chạy trên điện thoại vốn có màn hình nhỏ, bàn phím ít nút bấm, khó sử dụng hơn máy tính. Vì vậy, cần thiết kế sao cho thao tác thật đơn giản đem lại cảm giác dễ chịu cho người sử dụng.

3. Tập trung vào việc tối ưu hóa chương trình. Tài nguyên bộ nhớ, pin và tốc độ xử lý trên điện thoại hạn chế hơn rất nhiều so với máy tính, vì vậy ứng dụng di động phải được thiết kế sao cho đạt mức tối ưu so với khả năng phần cứng của điện thoại.

4. Viết ứng dụng dựa trên những ý tưởng phù hợp với văn hóa Việt Nam. Khi cân nhắc chuyển đổi một ý tưởng sang ứng dụng cụ thể, nên xem xét đến yếu tố bản địa của văn hóa và thị trường bởi những yếu tố đó sẽ có ảnh hưởng tới sự thành công của chương trình. Không phải bất kỳ ý tưởng nào đã thành công ở nước ngoài cũng sẽ thành công tại Việt Nam. Ngược lại, có những ý tưởng chỉ phù hợp với điều kiện thị trường và văn hóa của Việt Nam mà thôi.

5. An toàn và bảo mật. Đối với những ứng dụng có sử dụng kết nối qua mạng di động, phải đặc biệt chú ý đến tính an toàn và bảo mật, tránh gây ảnh hưởng đến mạng di động. Nếu không, thiệt hại đối với các mạng khi xảy ra sự cố sẽ là rất lớn. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới