(KTSG Online) - Tại hội nghị về hợp tác thương mại giữa TPHCM và Quảng Tây (Trung Quốc), hai bên đã ký thỏa thuận về xuất nhập khẩu chuỗi cung ứng lạnh, hướng đến việc mở rộng hợp tác về lâu dài. Thời gian gần đây, Việt Nam và nhiều tỉnh khác của Trung Quốc như Hải Nam cũng tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại để tìm cơ hội giao thương trên các lĩnh vực.
- Từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, mặt hàng nào nhập nhiều nhất từ Việt Nam?
- Xuất khẩu nông sản từ góc nhìn giữ ổn định thị trường Trung Quốc
TTXVN thông tin, chiều 12-4, tại hội nghị hợp tác thương mại và xuất khẩu do Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (chi nhánh Quảng Tây) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức, hai bên đã ký kết các thỏa thuận về xuất nhập khẩu chuỗi cung ứng lạnh (Cold chain). Đây là cơ hội cho việc ký kết thỏa thuận mua, bán các loại nông sản tươi giữa doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây và TPHCM về sau.
Hội nghị còn là cơ hội để các doanh nghiệp hai bên trao đổi, kết nối giao thương giữa ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; mở rộng hợp tác thương mại về điện lực, hợp tác cảng biển, nâng cao hiệu suất thông quan với việc thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh…
Bản tin TTXVN cho biết thêm, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết, địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung đang có những thuận lợi để các doanh nghiệp tiến hành xúc tiến hợp tác về thương mại, đầu tư như có nhiều mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Trong năm qua, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch song phương là 234,9 tỉ đô la. Riêng với tỉnh Quảng Tây, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Quảng Tây đạt 29,3 tỉ đô la. Những năm qua, Việt Nam luôn duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Về đầu tư, tính đến tháng 3-2023, tổng số vốn đăng ký thuộc dự án đầu tư nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 23,8 tỉ đô la, xếp vị trí thứ 6 trong tổng số 143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng ở TPHCM, Trung quốc là nhà đầu tư xếp vị trí thứ 18 trong tổng số 119 nước và vùng lãnh thổ.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức nhiều buổi làm việc về xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Chẳng hạn như hôm 10-4 vừa qua, hai bên đã tổ chức hội nghị xúc tiến mại, đầu tư và hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Trang web Bộ Công Thương thông tin, hội nghị có sự tham gia của khoảng 120 công ty, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuộc các lĩnh vực nông, thủy sản.
Tại đây, đại diện phía Việt Nam đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc lên phương án về việc mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam, đặc biệt là trái dừa tươi, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở nước này cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang thị trường này.
Theo TTXVN, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam đạt 1,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của tỉnh Hải Nam.