Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cơ hội trên thị trường bán dẫn tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cơ hội trên thị trường bán dẫn tại Việt Nam

Ông Francois Guibert, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của STMicroelectronics

(TBKTSG Online) – STMicroelectronics, một trong những tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn lớn trên thế giới, đang muốn cung cấp những giải pháp toàn diện đối với ngành sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. 

Ông Francois Guibert, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn STMicroelectronics, đã thuyết trình tại Diễn đàn Công nghiệp điện tử hôm 28-2 tại Hà Nội. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông về nền công nghiệp điện tử Việt Nam cũng như kế hoạch đầu tư dài hạn của doanh nghiệp tại đây.

TBKTSG Online: Ông đánh giá triển vọng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam như thế nào? Giá trị của thị trường các sản phẩm bán dẫn là bao nhiêu?

Ông Francois Guibert: Về hiện trạng công nghiệp điện tử của Việt Nam, có thể tóm tắt bằng năm lợi thế chính; bao gồm: triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự năng động của một đất nước đang phát triển nhanh ở châu Á, chương trình tổng thể của Chính phủ nhằm xây dựng ngành công nghiệp điện tử trở thành đầu tàu trong nền kinh tế, tính cạnh tranh về chi phí và giá nhân công, và nguồn nhân lực có tay nghề.

Việt Nam sẽ là thị trường ưu tiên của chúng tôi trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội cộng tác với rất nhiều đối tác tại đây, từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước – nơi định ra các chính sách, các trường đại học – nơi đào tạo những kỹ sư, cho đến các doanh nghiệp và nhà sản xuất. 

Theo tôi, thị trường bán dẫn của Việt Nam hiện nay có tổng giá trị ước tính khoảng 300 triệu đô la Mỹ, so với giá trị của toàn bộ thị trường châu Á là 46 tỉ đô la Mỹ.  

Tại Việt Nam hiện đã hiện diện nhiều tên tuổi lớn về công nghiệp điện tử, có thể kể đến Intel, Samsung, Sony… Sự xuất hiện của STMicroelectronics có muộn quá không? Các ông sẽ cạnh tranh bằng thế mạnh nào tại thị trường này?

Anh nói đúng. Việt Nam đang là điểm đến được nhiều tập đoàn điện tử, bán dẫn hàng đầu thế giới lựa chọn. Nhưng chúng tôi cũng có thể mạnh của riêng mình mặc dù mới mở văn phòng đại diện tại Hà Nội từ tháng 11-2007. Trước hết, STMicroelectronics là tập đoàn lớn thứ năm thế giới về các sản phẩm vật liệu bán dẫn và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tập đoàn luôn đưa ra những sản phẩm công nghệ cao mang tính tiên phong.

Trọng tâm đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam sẽ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thẻ thông minh, bộ giải mã truyền hình kỹ thuật số, thiết bị đo điện tử, chiếu sáng, nhận dạng vô tuyến, thiết bị điện tử tự động…

Ba dòng sản phẩm sẽ ra mắt trong vòng một năm rưỡi nữa là thiết bị chiếu sáng, thẻ thông minh cho hệ thống an ninh và thiết bị đo điện tử. Giai đoạn 2009-2010 chúng tôi sẽ mở rộng giới thiệu các sản phẩm tiêu dùng kỹ thuật số, bộ giải mã truyền hình.    

Đối tượng khách hàng chính của các ông là ai?

Ban đầu chúng tôi sẽ tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Sau đó sẽ khai thác cả các công ty Việt Nam để thực hiện ứng dụng điện tử. 

STMicroelectronics được thành lập năm 1987, sau khi công ty SGS Microelettronica của Ý và Thomson của Pháp sát nhập. Hiện nay, tập đoàn có 50.000 nhân viên, 15 cơ sở sản xuất chính, 16 trung tâm nghiên cứu và phát triển, 39 trung tâm thiết kế và ứng dụng và 78 văn phòng kinh doanh tại 36 nước. Năm 2007, doanh thu của ST đạt 10 tỉ đô la Mỹ. 

Bao giờ STMicroelectronics mở văn phòng tại TPHCM? Liệu các ông có lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam?

Bên cạnh văn phòng Hà Nội, STMicroelectronics dự kiến thành lập một văn phòng đại diện nữa tại TPHCM vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Chúng tôi không có kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vì nhà máy thì có thể mở ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Mở nhà máy không phải là ưu tiên của tập đoàn. Điều quan trọng hơn là chúng tôi phải xây dựng được thị trường, tìm đối tác và hỗ trợ khách hàng. STMicroelectronics muốn cung cấp những giải pháp toàn diện, cả phần cứng lẫn phần mềm, để góp phần nâng cao năng lực cho ngành sản xuất bán dẫn nội địa.                   

Vậy, ông có thể nói cụ thể về kế hoạch tại Việt Nam?

Kinh nghiệm 20 năm qua ở Trung Quốc và Ấn Độ cho phép chúng tôi tự tin rằng, không nhất thiết phải xây nhà máy mới có thể đóng góp cho sự phát triển công nghiệp điện tử của một đất nước. Điều này đã được kiểm chứng với những kết quả đạt được ở hai nước này.

STMicroelectronics sẽ đào tạo các kỹ sư giỏi cho Việt Nam, vì xét cho cùng, con người mới là chìa khoá mở cánh cửa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và TPHCM để đào tạo sinh viên giỏi trong lĩnh vực bán dẫn, vi điều khiển. Ngoài ra, chúng tôi có thể giúp các đối tác đào tạo kỹ sư tại Singapore, nơi đặt trụ sở của tập đoàn tại châu Á-Thái Bình Dương.

Xin cảm ơn ông.  

 

THÀNH TRUNG thực hiện

Công nghiệp điện tử Việt Nam cần nhiều nỗ lực

Tại Diễn đàn Công nghiệp điện tử Việt Nam 2008, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, cho biết kế hoạch phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 hướng tới mục tiêu gia tăng xuất khẩu sản phẩm điện tử. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2010 sẽ đạt doanh thu khoảng 4-6 tỉ đô la Mỹ và kim ngạch xuất khẩu 3-5 tỉ đô la Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng 20-30% mỗi năm.

Theo ông Hồng, năm 2007 vừa qua, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đạt doanh thu gần 3 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt vẫn chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa, doanh số xuất khẩu vẫn là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là các tập đoàn điện tử lớn. Hơn nữa, hàm lượng lao động của người Việt Nam trong sản phẩm điện tử còn chưa được cao như mong đợi.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam cần phải cố gắng nhiều. Ông Hùng cho biết, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam năm qua mới xuất khẩu được hơn 2 tỉ đô la Mỹ là quá ít. Bởi các nước trong khu vực đang vượt xa Việt Nam, cụ thể năm 2007, Indonesia đạt xuất khẩu 15 tỉ đô la Mỹ, Thái Lan 23 tỉ đô la Mỹ, Philippines 37 tỉ đô la Mỹ.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin, cho rằng ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam những năm qua đã không “chớp” được thời cơ và bỏ qua nhiều cơ hội. Trong khi nhà nước đã tạo điều kiện để phát triển ngành này bằng nhiều chính sách bảo hộ như: chính sách thuế, chính sách nội địa hoá… Song, để phát triển ngành này phải có sự nỗ lực của doanh nghiệp.

VÂN OANH 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới