Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm điểm tựa để kích cầu du lịch ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm điểm tựa để kích cầu du lịch ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG) – Ứng phó với khủng hoảng do dịch Covid-19, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bên cạnh việc tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, còn xây dựng thêm nhiều tour mới để kích cầu du lịch của vùng. Song, theo các chuyên gia, để kích cầu du lịch thành công thì rất cần một điểm tựa phù hợp.

Tìm điểm tựa để kích cầu du lịch ĐBSCL
Cầu đi bộ tại bến Ninh Kiều – điểm du lịch hấp dẫn của Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tung khuyến mãi, ra tour mới

Mới đây, 21 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, tham quan, giải trí, ăn uống ở thành phố Cần Thơ đã đăng ký tham gia chương trình “kích cầu” du lịch liên kết giữa TPHCM với ĐBSCL.

Khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ giảm 20% giá phòng nghỉ và 10% giá thuê phòng hội nghị, hội thảo. Trong khi đó, Victoria Cần Thơ Resort giảm bình quân 25% giá phòng theo giá hợp đồng lữ hành năm 2019, được áp dụng đến hết ngày 30-9-2020. Khách sạn Ninh Kiều Riverside quyết định giảm giá phòng cho khách du lịch từ 27-56% và cho khách doanh nghiệp từ 33-60%. Đồng thời, đơn vị này cũng giảm 10% giá thuê phòng hội nghị, hội thảo, áp dụng đến hết 31-7-2020.

Tại làng du lịch Mỹ Khánh, với loại hình kinh doanh dịch vụ là tham quan, ăn uống, vui chơi giải trí, lưu trú và vận tải bằng tàu, xe điện, đơn vị này đã thực hiện chương trình mua “2 đêm tặng 1 đêm” cho tất cả du khách; tặng miễn phí vé tham quan, vui chơi; đưa đón sân bay cho khách đoàn, từ 10 người; miễn phí tour “đêm Tây Đô” trên du thuyền tham quan sông Cần Thơ trong thời gian 2 giờ (khách có thể đặt ăn tối, đờn ca tài tử trên du thuyền) với điều kiện áp dụng từ 20 khách trở lên, tất cả được áp dụng đến 31-12-2020.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng việc đưa khách về ĐBSCL trước giờ di chuyển trên trục quốc lộ 1, các đơn vị khai thác tour đã bỏ qua tỉnh Long An để đến thẳng Tiền Giang và Bến Tre. Nhưng, với trục đường mới N2 kết nối TPHCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang, theo ông Yên, có những khu vực rất đẹp như làng cổ Phước Lộc Thọ, làng nổi Tân Lập, khu dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An), có thể khai thác tốt khi đưa câu chuyện của vùng đất đó vào để tạo ra sản phẩm. Điểm nhấn là làm sao cho du khách nghe được câu chuyện ở từng nơi. “Ví dụ, với làng Hòa An (làng nhà sàn độc đáo ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp – PV), phải cho du khách thấy được câu chuyện cuộc sống của người dân”, ông dẫn chứng khi nói về nhánh đi theo trục N2.

Với nhánh phía Đông, theo ông Yên, các đơn vị lữ hành xưa nay không khai thác sản phẩm du lịch ở Trà Vinh. “Nhưng, khi có cầu Cổ Chiên kết nối Bến Tre, chúng tôi đi vào nhánh văn hóa người Khmer Nam bộ. Kiến trúc các ngôi chùa Khmer và ẩm thực của họ cũng được đưa vào khai thác”, ông cho biết.

Tại hội thảo “Kết nối du lịch ĐBSCL” được tổ chức vào tuần rồi ở thành phố Cần Thơ, ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng việc làm mới sản phẩm để khai thác khách du lịch hiệu quả hơn trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cần thiết. Nhưng theo ông, làm mới phải đứng trên hai góc độ: “Thứ nhất, phải đi từ tiềm năng, thế mạnh đã có của địa phương; thứ hai, là có thể sáng tạo những cái mới”.

Cũng theo ông Hiệp, tất cả yêu cầu làm mới phải hướng đến “trọng cầu” hơn “trọng cung”, tức phải dựa vào nhu cầu của du khách để đảm bảo đáp ứng tốt nhất theo từng phân khúc. Ông Hiệp cho rằng muốn làm mới thành công cần phải có không gian sáng tạo tốt cho người làm du lịch.

Cần điểm tựa cho kích cầu du lịch

Tung ra các gói khuyến mãi hay làm mới sản phẩm du lịch, theo các doanh nghiệp, mục đích cuối cùng là nhằm kích cầu để ngành du lịch phục hồi sau những ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mau chóng quay lại trở lại “quỹ đạo” phát triển như trước. Nhưng, điểm tựa nào để “kích” thành công?

Theo ông Trần Hữu Hiệp, sau cuộc phát động “Người Việt đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, địa phương nào cũng lên chương trình kích cầu. Nhưng ông cho rằng điều quan trọng để “kích” có hiệu quả là phải chọn được điểm tựa.

“Điểm tựa của kích cầu du lịch này là gì?”, ông Hiệp nêu câu hỏi và cho rằng đó là phải phát huy sự kết nối du lịch thật sự hiệu quả. “Không phải là ký kết chung chung thì nó vận hành được, mà chính kết nối thật sự giữa các tác nhân mới gắn kết và tạo được điểm tựa”, ông nhận định.

Khi đã có điểm tựa, muốn kích cầu tốt thì cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ ở đây không phải là chi tiền giống như cho các đối tượng xã hội, mà cần xem xét hỗ trợ về giãn thời gian nộp thuế, miễn giảm tiền thuế. “Chính sự hỗ trợ đó tạo cho việc thực hiện các gói kích cầu được giảm giá, nhưng chất lượng và dịch vụ không giảm”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ở góc độ quảng bá hình ảnh các điểm du lịch, ông Nguyễn Tiến Huy, chuyên gia về tiếp thị, nhận xét rằng từ khi có Facebook thì thói quen dùng mạng xã hội của Việt Nam đã ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, theo ông Huy, cần có tư duy “khung hình đẹp” trong các điểm đến du lịch, tức khi du khách đến và ghi lại những trải nghiệm, phải có một khung hình đẹp nhất. Bởi lẽ, khách du lịch “post” hình, video về hành trình trải nghiệm chuyến đi của họ trên mạng xã hội là cách quảng bá quan trọng và hiệu quả. “Vậy, hãy thiết kế một tour du lịch theo tư duy khung hình đẹp”, ông nói. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới