Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm đường xuất khẩu ứng dụng di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm đường xuất khẩu ứng dụng di động

Văn Hòa

(TBVTSG) – Công ty phân tích thị trường Canalys đầu tháng này vừa phát hành một bản báo cáo, trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội về doanh số của mặt hàng điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn cầu. Lượng tiêu thụ của loại thiết bị di động thông minh này đã tăng lên đến hơn 63% trong năm qua. Tin tốt này đang mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa trong việc xuất khẩu ứng dụng di động (Mobile Application). Các doanh nghiệp một mặt tập trung cho thị trường xuất khẩu, mặt khác đang dần chú trọng tới thị trường trong nước, khi mà lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng lên.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, năm 2011 có khoảng 17,7 tỉ lượt tải các ứng dụng di động từ các kho ứng dụng quốc tế, tạo ra nguồn thu cho các nhà cung ứng khoảng 15,1 tỉ đô la Mỹ. Dự báo đến cuối năm 2014, các kho ứng dụng này sẽ đạt được 185 tỉ lượt tải với doanh thu khoảng 58 tỉ đô la. Điều đáng chú ý là số lượng ứng dụng tính phí chỉ chiếm khoảng 19% trong tổng số các ứng dụng trên các kho. Do vậy, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, ngành xuất khẩu ứng dụng di động sẽ ăn nên làm ra.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Ông Lê Đức Bảo, Giám đốc Công ty AntTek – chuyên sản xuất các ứng dụng cho điện thoại di động, cho biết công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu ứng dụng di động từ tháng 4-2011 đến nay, mức tăng trưởng doanh thu mỗi tháng khoảng 30%. Các thị trường chủ yếu là Bắc Mỹ và châu Âu, chiếm 80% thị phần, còn lại là Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Chỉ tính riêng ứng dụng chặn cuộc gọi và tin nhắn rác Blacklist đã có khoảng 15.000 lượt mua, có tính phí tải về, từ các kho ứng dụng (App Store), trong khi AntTek có hơn năm ứng dụng với tổng số lượt người mua hiện tại lên đến hơn 30.000”, ông Bảo nói.

Ông Bùi Viết Thanh Phong, Trưởng Phòng Công nghệ Công ty KMS Technology, cho hay mới đầu năm KMS đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng về thiết kế ứng dụng di động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, quản lý và giải trí; trong đó, có khoảng 70% là khách hàng mới.

Ngoài việc phục vụ mục tiêu giải trí cho người sử dụng, phần lớn các ứng dụng di động phát sinh từ việc các nhà cung cấp muốn tăng thêm hiệu quả của các ứng dụng máy tính đã có sẵn từ trước vì khách hàng của họ cũng muốn sử dụng các ứng dụng đó trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng… Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu ứng dụng di động tăng gấp ba lần so với năm ngoái.

Ông Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Phần mềm di động Mobisoft.com.vn, cho biết công ty ông chủ yếu gia công những ứng dụng di động chuyên về quản lý doanh nghiệp như nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quan hệ khách hàng (CRM)… “Thị trường gia công chính của công ty là khối EU, còn ở các thị trường khác ở Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch công ty cũng có đơn hàng nhưng không nhiều. Tính từ giữa năm 2011 đến nay, nhu cầu gia công ứng dụng di động tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, giá trị đơn hàng lại không tăng, doanh thu có xu hướng giảm khoảng 30% so với các năm trước do kinh tế khó khăn”, ông Tuấn nói.

Tiếp cận thị trường

Ông Lê Đức Bảo của AntTek nói rằng các ứng dụng di động mà doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu thông qua các kho ứng dụng quốc tế, như Google, Amazon hoặc qua hình thức hợp tác với các mạng viễn thông ở thị trường nhập khẩu để giới thiệu đến người sử dụng bản địa, ví dụ như mạng viễn thông Orange France Telecom của Pháp.

Các yêu cầu mà công ty nhận được chủ yếu là những ứng dụng nhằm bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng, cụ thể như ứng dụng khóa thông tin cá nhân Ultimate App Guard hoặc Ultimate Secret Box nhằm bảo mật các thông tin quan trọng như tài khoản ngân hàng, tài khoản bảo hiểm… lưu trong điện thoại
Trước khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, AntTek thường thông qua một cộng tác viên am hiểu về thị trường ứng dụng di động tại quốc gia đó và người này sẽ giúp công ty giới thiệu sản phẩm lên một số trang web, diễn đàn có nhiều khách hàng tiềm năng hay viếng thăm.

Trong năm 2012 này, AntTek sẽ nhắm tới các thị trường tiềm năng ở châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chiến lược tiếp cận người sử dụng tại các thị trường mới của doanh nghiệp là hợp tác với các nhà bán lẻ thiết bị di động, các hãng viễn thông hoặc các hãng điện tử có kho ứng dụng riêng như LG, Samsung để giới thiệu ứng dụng đến người tiêu dùng.

“Trung Quốc có lượng người sử dụng điện thoại thông minh rất lớn và gia tăng nhanh mỗi năm, nhưng thị trường ứng dụng di động ở đây khá phức tạp vì tỷ lệ vi phạm bản quyền cao, nên công ty không mấy quan tâm đến thị trường này”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, ông Đào Quốc Tuấn của Mobisoft lại chọn cách hợp tác với một doanh nghiệp ở Anh để bán các ứng dụng và trò chơi của mình trên các kho quốc tế dưới thương hiệu MeYuMe, với giá khoảng 1-2 đô la Mỹ. Việc tính phí tải ứng dụng còn tùy vào nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng tại thị trường đó.
Còn ông Bùi Viết Thanh Phong của KMS chia sẻ rằng các ứng dụng di động mà doanh nghiệp phát triển được xuất khẩu chủ yếu tập trung vào ba hướng chính là iOS, Android và đa nền tảng. Ngoài việc làm theo đơn đặt hàng của khách, KMS còn tự phát triển các ứng dụng di động phục vụ nhu cầu giải trí, tiện ích công việc… và bán trên các kho quốc tế như Apple, Google, Amazon. Lĩnh vực giải trí đang được quan tâm nhiều nhất vì nhu cầu giải trí của người sử dụng chiếm khoảng 70-80% thời gian họ sử dụng điện thoại di động.

Ứng dụng trò chơi giải trí Paint War có ngày đạt được 8.000 lượt tải, tổng số lượt tải các ứng dụng KMS bán trên các kho tính đến nay đạt khoảng 100.000, ông Phong cho biết.

Trong việc chọn thị trường, KMS tập trung chủ yếu vào Apple Store, kho ứng dụng dành riêng cho iPhone, iPad và các sản phẩm của Apple.

“Vì ứng dụng trên nền tảng iOS (Apple) được kiểm định rất chặt chẽ về tính tiện dụng trước khi đưa ra kinh doanh, nên yêu cầu về mặt chất lượng rất cao. Ngoài ra, lượng người sẵn sàng chi tiền để tải ứng dụng từ Apple Store thường cao hơn so với lượng người sử dụng kho ứng dụng Android của Google”, ông nói. Tuy nhiên, KMS vẫn đánh giá kho ứng dụng Android là rất tiềm năng nên mục tiêu sắp tới của công ty là đưa các sản phẩm của mình lên kho này.

Khác với KMS, Mobisoft chú trọng phát triển những ứng dụng chuyên về giải trí dành cho dân công sở, phục vụ công việc hằng ngày, trên nền tảng iOS. Lý do là kho ứng dụng của Apple là nơi tiêu thụ khá tốt, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng được Apple chú trọng hơn.

Không bỏ qua thị trường nội địa

Theo các chuyên gia, thị trường ứng dụng di động ở Việt Nam cũng có tiềm năng không kém thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, người sử dụng các thiết bị di động trong nước chưa quen với việc phải trả tiền khi tải ứng dụng.

Ông Tuấn của Mobisoft dự báo thị trường xuất khẩu ứng dụng di động năm nay không mấy khả quan, nên sắp tới công ty sẽ mở rộng ra thị trường nội địa, bằng cách phát hành và cho người sử dụng tải miễn phí, doanh nghiệp thu lợi nhuận thông qua việc hợp tác với các công ty truyền thông để bán quảng cáo trên các ứng dụng.

Chia sẻ quan điểm của ông Tuấn, ông Bảo khẳng định AntTek sẽ không bỏ lỡ thị trường nội địa. Hiện nay các sản phẩm của AntTek chủ yếu được sản xuất với giao diện tiếng Anh hoặc Pháp nhưng nếu công ty nhận thấy ứng dụng nào phù hợp với thị trường Việt Nam thì sẽ tiến hành việc dịch thuật và cung cấp miễn phí cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hiện nay thị trường giải trí di động đang có xu hướng chuyển dịch sang những trò chơi có nội dung và cách thức phức tạp hơn trước. Một trong những nguyên nhân là các trò chơi đơn giản với kích thước nhỏ gọn đã gần như bão hòa trên các kho ứng dụng, các ý tưởng mới mang tính đột phá không nhiều.

Mặt khác, các nhà sản xuất thiết bị di động hiện đã tiến hành nhiều bước cải thiện về phần cứng, tay nghề nhân lực trong lĩnh vực phát triển trò chơi trên các loại thiết bị này cũng cao hơn, người sử dụng cũng có nhu cầu lớn về các trò chơi phức tạp, ông Tuấn cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới