Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm ghế cho mình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm ghế cho mình

Diễm Trang

(KTSG) – “Mệt quá đôi chân này/ Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”

Tìm ghế cho mình
Chiếc ghế dài hình cuốn sách trong thư viện Alexandria, Ai Cập. Ảnh: Diễm Trang

Có bao giờ ta đếm số lần mỏi chân tìm đến chiếc ghế như lời bài hát Ngẫu nhiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Và có bao giờ ta đóng vai chiếc ghế cho ai đó ngơi nghỉ lâu dài hay thoáng chốc?

Những chiếc ghế không đơn thuần là đồ vật vô tri. Người Ai Cập cổ đại tin rằng những chiếc ghế ra đời nhằm đại diện cho các dạng thức của tự nhiên, tránh tạo ra sự hỗn loạn trong vũ trụ – có lẽ vì đặc tính cân bằng, vững chãi và đỡ đần con người của chúng. Dù đắt đỏ, xa hoa hay rẻ tiền, giản dị thì tuổi thọ của một chiếc ghế thường không quá dài, kiểu “Một đời ta ba đời nó”. Nhưng cũng có những chiếc ghế đi theo chiều dài lịch sử, trở thành thắng cảnh mà chiếc ghế sa thạch do tù nhân làm tặng bà Macquarie vào năm 1810 là một ví dụ.

Ngày nay, ngồi trên khối đá nhỏ được đẽo gọt thành ba bậc tam cấp lớn và một lưng tựa đó, ta có thể ngắm nhìn hai biểu tượng đẹp đẽ của Úc: nhà hát Con Sò (Sydney Opera House) và cầu cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge). Tôi vẫn nhớ cảm giác xao xuyến khi nhìn thấy chiếc ghế dài có hình dáng cuốn sách in đầy những bài thơ sonnet của Shakespeare trong thư viện Alexandria ở Ai Cập. Ai ngồi lên ghế cũng hết sức nhẹ nhàng và bỗng dưng bị hút vào những vần thơ trên mặt ghế, thành ghế.

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các không gian công cộng như sân trường, công viên, quảng trường, đền thờ, chùa chiền, phòng chờ… đều có ghế. Ở công viên, chiếc ghế có thể khởi đầu một cuộc tình. Còn ở những công trình tôn giáo, những chiếc ghế gợi đến sự phụng hiến tận tụy của tín đồ. Ngoài giá trị mời gọi con người nghỉ mệt, những chiếc ghế còn ân cần nhắc ta vội vàng chi mà không chậm lại một chút, lắng đọng tâm hồn mình và cảm nhận nhịp sống rõ rệt hơn.

Có lần, sau khi viếng Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang xong, tôi ngồi ở chiếc ghế sát lối đi, thong thả ngó xuống thành phố. Mây trắng pha lẫn mây xanh lô xô. Cây cối giữa hè xanh rờn đan vào nắng. Cầu Trần Phú bắc qua biển ngọc ngược xuôi xe cộ. Hình ảnh, sắc màu hiện ra sống động nhưng tuyệt nhiên không nghe bất cứ tiếng ồn nào là một trải nghiệm bằng an.

Đi vào bất kỳ ngôi nhà hay quán xá nào, ta đều thấy những chiếc ghế. Những vật dụng để ngồi lắm kiểu cọ, chất liệu và sắc màu. Có những chủ nhân sắm bộ bàn ghế đắt tiền rồi có khi chẳng ngồi được mấy vì bận bịu. Có những gia đình cả năm mới tề tựu đủ bên sofa để chụp một tấm hình lưu niệm. Những chiếc ghế massage êm ái, tiện nghi được chào mời như một cách báo hiếu và chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Và có lẽ, điều lãng mạn mà những chiếc ghế tặng cho người đời là những hoài niệm đẹp.

Lần nọ, tôi đến một thành phố phương xa và được người bạn mà tôi yêu quý sống tại đây đón tiếp nồng hậu. Bạn thoăn thoắt dắt tôi qua những con phố lạ với tôi mà quen với bạn, đến những hàng quán hoặc ngon lành hoặc thơ mộng. Chúng tôi đã có một ngày bên nhau, trọn vẹn và đáng nhớ. Sáng hôm sau, khi bạn vẫn tất bật đâu đó trong thành phố, tôi một mình nhẩn nha tìm lại quán cà phê hôm qua chỉ để… chụp ảnh lại chỗ ngồi của chúng tôi. Khách khứa bận ăn uống, nói cười nên không để ý đến ánh nhìn đăm đắm và nụ cười vui mừng của tôi khi nhận ra bộ bàn ghế chúng tôi từng ngồi chưa có người điền vào chỗ trống (à quên, tôi đeo kính và khẩu trang mà). Có ai trong số họ nghĩ rằng chỉ vài phút vài giờ nữa thôi, họ cũng sẽ trở thành hoài niệm của chốn này? Thảo nào mà trong những bộ phim diễm tình hay kinh dị, hình ảnh những chiếc ghế thường được diễn dịch nhiều nghĩa hơn cả một chỗ ngồi.

Lẽ dĩ nhiên, chiếc ghế không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa thơ mộng. Nó còn hàm nghĩa về một chức vụ, một vị trí mà khi ngồi vào, người ta có thể phải thêm nặng nề, toan tính. Các chuyên gia sức khỏe cũng cảnh báo nhân viên văn phòng rằng không nên ngồi quá lâu nếu không muốn rắc rối với vòng eo và xương khớp.

Trong vở kịch Những chiếc ghế (1952) của Ionesco, những chỗ ngồi được chuẩn bị cho các vị khách không bao giờ đến có tác dụng gợi lên sự trống rỗng, phi lý cùng cực. Điều ấy lan truyền đến tận cả hàng ghế khán giả, hút họ vào buổi diễn.

Những nghệ sĩ chân chính gắn bó với sân khấu kể rằng họ thường xuyên xuống dưới hàng ghế khán giả ngồi giữa lúc tập tuồng hoặc khi rạp vãn. Không ai buộc họ làm như vậy. Nhưng chỉ bằng cách đó, họ mới có thể đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu được khán giả cần gì, mong gì. Và đó cũng là thời khắc để chiêm nghiệm về nghề nghiệp của mình.

Với giá trị của chiếc ghế như đã kể trên, thiết nghĩ, ta cũng nên “đầu tư” cho mình một chiếc ghế vừa vặn, phù hợp với thể chất và sở thích. Sau vất vả ngày dài, ta duỗi mình trên ghế, đọc sách, khép mi thư giãn hoặc thả hồn theo tiếng nhạc dịu êm. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới