Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm giải pháp cho phát triển làng nghề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm giải pháp cho phát triển làng nghề

Công ty Thiên Long sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ chỉ hoạt động cầm chừng vì hàng không bán được. Ảnh: Thoa Nguyễn.

(TBKTSG Online) – Việt Nam hiện có hơn 2.000 làng nghề, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu đã làm các làng nghề rơi vào tình trạng khó khăn, khoảng 60% làng nghề đang cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp, số còn lại đang chuẩn bị phá sản.

Khó khăn về vốn và thị trường

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tại buổi hội thảo “Kinh tế làng nghề – thực trạng và định hướng phát triển” diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần này đã đưa ra những báo cáo cho thấy tình hình khó khăn của các làng nghề.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, cùng với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu giảm, các làng nghề đã gặp nhiều khó khăn. Vào giữa năm 2008, các ngân hàng thương mại thực hiện chủ trương siết chặt tiền tệ, tín dụng, khiến nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp làng nghề đã thiếu càng trở nên thiếu hơn.

Ông Tuấn cho biết, dù lãi suất cho vay hiện nay đã giảm nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp làng nghề tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng bởi thủ tục cho vay còn phức tạp; thời hạn cho vay chưa phù hợp với quy trình sản xuất của mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, đồng vốn chưa kịp quay vòng thì các doanh nghiệp đã phải lo tiền trả ngân hàng.

Từ đầu năm 2008, hoạt động của làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa – Chương Mỹ – Hà Nội) xoay xở một cách chật vật. Thống kê cho thấy hiện trên địa bàn toàn xã có 25 công ty TNHH hoạt động mang tính chất cầm chừng. Nhiều đối tác tìm đến cơ sở đặt hàng nhưng người dân từ chối bởi nguồn nguyên liệu ngày càng khó khăn, vốn quay vòng hạn chế, giá cả ngày công đắt đỏ, các hộ sản xuất không dám ký hợp đồng và tìm kiếm đối tác mở rộng sản xuất.

Tương tự Phú Vinh, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm – Thái Bình hàng năm đóng góp khoảng 60% vào nguồn doanh thu của địa phương nhưng thời gian gần đây hoạt động lay lắt. Ông Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hội làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cho biết, các hộ sản xuất tại làng nghề chạm Bạc thiếu vốn nhưng không dám vay ngân hàng dù lãi suất gần đây có giảm. Chưa kể, một hợp đồng hàng bạc phải sản xuất trong vòng ít nhất 2 hoặc 3 tháng, riêng việc trả tiền lãi trong thời gian sản xuất đã khiến các cơ sở sản xuất không có lãi.

Thị trường cho các mặt hàng truyền thống này đang ngày càng nhỏ lại bởi tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Nhiều hợp đồng đã ký kết bị huỷ bỏ. Sức tiêu thụ trên thị trường trong nước chậm lại khiến sản xuất ế ẩm, thu nhập giảm sút. Một số lao động nơi đây bỏ làng đi tìm việc làm nơi khác, không còn thiết tha tới việc học hỏi và bảo tồn nghề truyền thống.

Giải pháp nào cho làng nghề?

Tại hội thảo, ông Tuấn nói rằng những khó khăn trên cũng chính là sức ép để các doanh nghiệp làng nghề phát huy tối đa năng lực, tính chủ động để tồn tại. Nó cũng là thử thách để các doanh nghiệp phát huy mọi sáng kiến nhằm thay đổi về cách quản lý, mẫu mã sản phẩm, kế hoạch sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác liên doanh, liên kết với nhau để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm.

Theo ông Tuấn, để hạn chế ảnh hưởng rủi ro do vốn và thị trường mang lại, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá các nguồn vốn trong việc duy trì sản xuất. Đồng thời, bên cạnh việc tập trung vào thị trường chủ lực, các doanh nghiệp phải nghiên cứu mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khác như thị trường EU, Đông Nam Á và chú ý hơn nữa thị trường nội địa.

Tại một hội thảo khác về “Làng nghề truyền thống – di sản văn hoá dân tộc” tại Hà Nội ngày 5-12, Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Xuân Hiên lại cho rằng, muốn nâng cao vị thế các làng nghề và hợp tác xã cần phải có chính sách phù hợp.

Các ngành chức năng phải điều tra quy hoạch tại từng vùng, địa phương một cách cụ thể để giải quyết 5 vấn đề cơ bản của kinh tế làng nghề là vốn, thị trường, công nghệ, môi trường và nhân lực. Ngoài ra, cần gắn liền phát triển kinh tế làng nghề kết hợp với du lịch, phát huy được sự tham gia của cộng đồng.

THOA NGUYỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới