Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm giải pháp tận dụng hiệp định thương mại tự do

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm giải pháp tận dụng hiệp định thương mại tự do

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tạo cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhưng lại chưa tận dụng tốt như các đối tác. Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có những cái cách mạnh hơn nữa đối với các thủ tục hành chính liên quan xuất nhập khẩu và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế của FTA.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018: Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung diễn ra ngày 4-7-2018.

Tìm giải pháp tận dụng hiệp định thương mại tự do
Lãnh đạo Bộ, ngành đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Diễn đàn.

Chuyển giao công nghệ ở mức thấp

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay, doanh nghiệp đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, GDP của Việt Nam đạt 220 tỉ đô la Mỹ, tăng 8 lần so với năm 1997. Việt Nam cũng phấn đấu tới năm 2020, GDP của Việt Nam đạt khoảng 300 tỉ đô la. Có được những thành tựu nói trên, không thể không có sự đóng góp của khu vực FDI.

Tới nay, sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với khoảng 26.000 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký lên tới 326 tỉ đô la, tổng vốn thực hiện đạt  trên 180 tỉ đô la. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. Trong đó, khoảng 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp.

Theo ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ như Công ty điện tử Samsung, đã giúp nâng cao năng suất lên 85% cho các doanh nghiệp hợp tác với Samsung (vendors), thông qua chương trình tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp phổ biến.

Bộ trưởng Dũng phải thừa nhận, sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị nói chung chưa đạt được như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Không tận dụng được lợi thế FTA

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp nội cũng như doanh nghiệp FDI đang và sẽ gặp phải trong thời gian tới.

Về tình hình thế giới, căng thẳng thương mại đang tiếp tục gia tăng, đặc biệt rủi ro chiến tranh thương mại xảy ra giữa các nền kinh tế lớn thế giới. Điều này sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Về xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không giảm nhưng tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thuỷ sản gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU.

Về tình hình trong nước, Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh. Song, không phải bộ ngành và địa phương đều hành động cụ thể, thực chất. Ví dụ, sau 4 năm đưa vào cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế nền tảng nhằm hiện đại hóa và cải cách TTHC, thì trong hoạt động xuất nhập khẩu mới chỉ triển khai được 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu, trong đó, không ít trường hợp chưa thực hiện điện tử hoá đồng bộ, thậm chí gây trở ngại, khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các bộ ngành đã có hành động cụ thể, nhưng kết quả sau 3 năm thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Số mặt hàng loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chiếm chưa đầy 6% và trong số 164 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thì có tới 63 danh mục chưa được các bộ ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã số HS từng mặt hàng hoặc có số HS nhưng chưa phù hợp.

“Thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn 3 lần so với các nước ASEAN 4”, ông Lộc dẫn chứng.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh. Nhưng cho tới thời điểm này, mới chỉ Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Thủ tướng phê duyệt theo yêu cầu. Bốn bộ khác là Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo nghị định gửi lấy ý kiến VCCI để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp

“Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào và giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, không được tham gia ý kiến”, ông Lộc nói và cho biết, thời hạn chót đang đến rất cận kề, tháng 10-2018.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đây là những biện pháp chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả đáng kể.

Tận dụng tối đa cơ hội từ rà soát, phê chuẩn thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo ra đột phá toàn diện trong cải cách pháp luật và thể chế kinh tế.

Tăng cường nỗ lực để ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tận dụng triệt để xuất khẩu trong các FTA là giải pháp Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại Thế giới có diễn biến phức tạp.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ nhanh chóng phê chuẩn CPTPP, tốt nhất vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay để hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam.

Bên cạnh việc thúc đẩy phê chuẩn các FTA mới, theo ông Lộc, cần thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA khác.

“FTA đang tạo cơ hội tốt cho Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng có một xu hướng đáng lo ngại là nhập siêu đang ngày càng gia tăng ở các thị trường mà chúng ta có FTA, cho thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ FTA như các đối tác trong FTA", ông Lộc nói.

Điều này đòi hỏi nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết là phải rà soát loại bỏ ngay bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng ưu đãi mở ra từ FTA, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn TTHC liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Mời đọc thêm:

Nhập siêu gần 30 tỉ đô la từ các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới