Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm giải pháp tổng thể cho ô nhiễm vùng biển Đà Nẵng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm giải pháp tổng thể cho ô nhiễm vùng biển Đà Nẵng

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Đà Nẵng cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể và hài hòa để giải quyết bài toán ô nhiễm ở các vùng biển do rác thải và nước thải chứ không chỉ là những chương trình và hoạt động nhỏ lẻ.

Tìm giải pháp tổng thể cho ô nhiễm vùng biển Đà Nẵng
Tình trạng các công trình khách sạn, nhà hàng xả nước thải không qua xử lý ra biển Đà Nẵng ngày càng gia tăng, khiến ô nhiễm vùng biển càng trở nên nghiêm trọng. Ảnh: Nhân Tâm

Ô nhiễm bãi biển: Từ rác thải đến nước thải

Cứ từ 4 đến 5 giờ chiều hằng ngày, anh Andrew J. Smith và một bạn bè người Việt của mình đúng hẹn cùng nhau đi nhặt rác, chủ yếu là bao ni lông và chai nhựa, ven bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà. Anh cho biết Đà Nẵng có những bãi biển đẹp nên cần được giữ sạch. “Qua những ngày đi nhặt rác tôi để ý, phần lớn rác do khách du lịch để lại chứ không hẳn của người dân địa phương”.

Bãi biển Mỹ Khê nơi Andrew nhặt rác cũng như các bãi biển khác dọc bờ biển phía nam Đà Nẵng dài hơn 10 km là nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn, nên tập trung rất đông khách du lịch. Vì vậy, rác thải sinh hoạt hằng ngày như bao ni lông, chai nhựa là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, vào những ngày có gió to kết hợp với mưa, lượng lớn rác tấp vào bờ biển càng nhiều hơn.

Bên cạnh rác thải, biển tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước thải không qua xử lý. Các đây một tuần TBKTSG Online đã từng phản ánh tại bãi biển Mỹ Khê, đoàn công tác liên ngành Đà Nẵng phát hiện một nhà hàng và một khách sạn lợi dụng đêm tối bơm nước xả thải vào hệ thống thoát nước công cộng mà không qua xử lý. Trước đó, tại đây cũng phát hiện dòng nước có màu đen, bốc mùi nồng nặc, nổi bọt trắng liên tục đổ ra biển khiến người dân và du khách không dám xuống biển tắm.

Tình trạng biển bị ô nhiễm bởi rác thải và nước thải cũng được ghi nhận tại 9 km dọc bờ biển phía đông thành phố, trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê. Ở đây, tình trạng có phần nghiêm trọng hơn do trong những năm qua chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật thỏa đáng để phát triển du lịch. Khu vực này cũng có rất nhiều rác sinh hoạt lẫn lộn với đủ loại cành cây, vật liệu. Nhiều đoạn nước biển bốc mùi hôi tanh, có màu đen do nước thải từ các nhà hàng ăn uống.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng, cho biết đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay tại Đà Nẵng, bởi hệ thống thoát nước thải và nước mưa đang dùng chung. Điểm yếu lớn nhất của hệ thống này là khi có mưa hoặc nước thải vượt ngưỡng tính toán thì hệ thống thu gom sẽ ngừng hoạt động, hoặc hoạt động tối đa công suất nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu, dẫn đến nước thải hòa lẫn nước mưa hoặc nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Giải quyết ô nhiễm: Cần giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân và du khách, những giải pháp đầu tư mạnh mẽ cần được thực hiện cùng một lúc mới mong giải quyết triệt để tình trạng này.

Được biết đầu tháng 5 tới, Trung tâm Nghiên cứu Môi Trường và Cộng đồng Việt Nam (CECR) phối hợp cùng UBND quận Thanh Khê và UBND quận Sơn Trà, nơi có các bãi biển đang ô nhiễm nói trên, sẽ bắt đầu thự hiện dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” với kinh phí tổng cộng gần 1 tỉ đồng. Hoạt động này nằm trong gói viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trị giá gần 250.000 đô la Mỹ để giúp Việt Nam phát triển bền vững. Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR, kỳ vọng sau khi chương trình này kết thúc vào 3-2019, người dân và doanh nghiệp sẽ có ý thức hơn về bảo vệ môi trường biển.

Nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường tại các bãi biển là giải pháp căn cơ. Ảnh: Nhân Tâm

Bà Lý cho biết dự án hướng đến mục tiêu giúp người dân và các cơ sở ăn uống hiểu rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải ra môi trường và biết cách phân loại rác sinh hoạt và rác hữu cơ. “Chúng tôi sẽ kết nối người dân với các cơ sở thu gom và xử lý rác thải – những nơi cần tái chế phế phẩm”, bà Lý cho biết. “Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn người dân sử dụng rác thải hữu cơ trong các hoạt động nông nghiệp để vừa có lợi cho đất vừa đem lại thu nhập. Khi người dân và doanh nghiệp đã hình thành được văn hóa bảo vệ môi trường thì vấn đề nước thải và rác thải không đáng lo nữa.

Theo ông Phạm Quang Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, công ty cũng đang tăng cường thu gom và vớt rác dọc bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, bao gồm lắp đặt thêm thùng rác.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch đầu tư các hệ thống xử lý nước thải hiện đại dọc các bãi biển bằng vốn ngân sách vào năm sau. Theo đó, trước mắt các hệ thống xử lý nước thải hiện đại này sẽ được lắp đặt tại các khu vực Mỹ An, Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng. Hệ thống này theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ tách nước thải sinh hoạt và nước mưa. Nước thải sinh hoạt sẽ được đưa về trung tâm xử lý trong khi nước mưa sẽ được đổ ra biển. Hệ thống này sẽ giúp cải thiện tình trạng hiện nay là nước thải sinh hoạt và nước mưa cùng đổ ra biển khi có mưa lớn.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết lâu nay các bãi biển phía đông đang bị bỏ hoang nên tình trạng ô nhiễm là không thể tránh khỏi. Vì vậy, UBND thành phố vừa phê duyệt đề án quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020, và giao cho đơn vị của ông thực hiện từ tháng 4 năm nay.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng trong tương lai không xa những ước nguyện về một thành phố xanh của anh chàng người Mỹ Andrew J. Smith hay của bà Nguyễn Ngọc Lý, sẽ trở thành hiện thực.

Theo số liệu từ Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng, lượng nước thải bơm về Nhà máy Xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn là 20.000 m3/ngày đêm và đã vượt thiết kế của nhà máy (15.000m3/ ngày đêm); Nhà máy Sơn Trà cũng đã ở mức báo động khi hàng ngày phải tiếp nhận 35.000 m3 trong khi công suất thiết kế chỉ là 30.000m3/ ngày đêm. Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân có công suất xử lý nước thải của trạm là 20.000 m3/ngày đêm cũng đang bị quá tải và đang được nâng công suất lên 40.000 m3/ngày đêm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới