Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm lời giải cho doanh nghiệp trùng tên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm lời giải cho doanh nghiệp trùng tên

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, có tới 722 doanh nghiệp bị trùng tên và các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm hướng giải quyết chuyện này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không chỉ hơn 700 doanh nghiệp tại Hà Nội mà tại các tỉnh, thành phố khác, và trên phạm vi cả nước, chuyện doanh nghiệp trùng tên vẫn đang là bài toán khó, chưa có lời giải thỏa đáng. Vấn đề là các doanh nghiệp bị trùng ít hay nhiều, chỉ trùng tên riêng, tên riêng và lĩnh vực, tên riêng và loại hình… hay trùng toàn bộ.

Trùng tên do yếu tố lịch sử để lại

Bắt đầu từ ngày 1-1-2000, Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực thi hành. Điều 24 về tên doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 1999 quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật (i) Không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh; (ii) Phải viết rõ loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ “trách nhiệm hữu hạn” viết tắt là “TNHH”; công ty cổ phần, từ “cổ phần” viết tắt là “CP”…

Với quy định chung và mang tính nguyên tắc như trên, thì yếu tố trùng, gây nhầm lẫn của tên doanh nghiệp chưa rõ là “tên riêng” hay toàn bộ tên doanh nghiệp. Sau đó, Nghị định 02/2000 ngày 3-2-2000 hướng dẫn thi hành luật lại không có hướng dẫn cụ thể hơn về việc đặt tên doanh nghiệp.

Như vậy, trong giai đoạn này có hàng trăm doanh nghiệp chỉ cần khác loại hình (TNHH hoặc CP…) có thể được cấp đăng ký kinh doanh có tên riêng giống nhau. Giai đoạn này kết thúc sau hơn bốn năm bằng việc ra đời của Nghị định 109/2004 ngày 2-4-2004 hướng dẫn về đăng ký kinh doanh.

Nghị định này quy định chi tiết hơn về tên doanh nghiệp theo đó tên phải có ít nhất hai thành tố đó là “loại hình doanh nghiệp” và “tên riêng”. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn có thể sử dụng “ngành nghề kinh doanh hay phụ trợ khác để cấu thành tên doanh nghiệp”.

Với quy định trên, kể từ tháng 4-2004, việc đặt tên doanh nghiệp còn linh hoạt và mở hơn, nếu trùng cả tên riêng và loại hình, doanh nghiệp còn có thể bổ sung thêm ngành nghề đăng ký kinh doanh hay thành tố phụ trợ khác. Kết quả là có thêm hàng trăm doanh nghiệp ra đời trùng loại hình và tên riêng, chỉ khác bởi một ngành nghề trong tên doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty cổ phần A và Công ty cổ phần Đầu tư A.

Bên cạnh đó Nghị định 109/2004 còn quy định thêm “Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh tập hợp danh mục doanh nghiệp trùng tên và doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác trên phạm vi địa phương; Trung tâm thông tin doanh nghiệp quốc gia tập hợp và đưa danh mục doanh nghiệp trùng tên và doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cả nước lên trang thông tin doanh nghiệp trong nước của hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia” (điều 11, Nghị định 109/2004). Theo quy định này, việc tập hợp doanh nghiệp trùng tên và doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn là cần thiết bởi muộn còn hơn không. Tuy nhiên sau đó cũng không thấy hoạt động của trang thông tin doanh nghiệp trong nước theo quy định của Chính phủ.

Gần đây nhất, từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 88/2006 ra ngày 29-8-2006 về đăng ký kinh doanh có hiệu lực thi hành, ngoài việc kế thừa cơ bản các quy định về đặt tên doanh nghiệp trong giai đoạn trước, Nghị định 88/2006 đã bổ sung quy định giới hạn phạm vi địa lý khi đặt tên doanh nghiệp: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Giới hạn này như một giải pháp tình thế giúp quy định và tra cứu tên trùng, gây nhầm lẫn khả thi hơn, bởi phạm vi kiểm tra chỉ trong phòng đăng ký kinh doanh một tỉnh, nhưng lại không có ý nghĩa trong trường hợp phạm vi thị trường hoạt động của doanh nghiệp trải rộng trên nhiều địa phương, hay cả nước.

Bên cạnh đó, theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên việc cấp phép lại do các cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện (không phải chỉ ở cơ quan đăng ký kinh doanh) nên việc trùng tên doanh nghiệp càng dễ xảy ra.

Quan hệ đan xen giữa tên doanh nghiệp, tên thương mại và nhãn hiệu 

Theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên việc cấp phép lại do các cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện (không phải chỉ ở cơ quan đăng ký kinh doanh) nên việc trùng tên doanh nghiệp càng dễ xảy ra.

Quy định về tên doanh nghiệp vốn đã gây ra rắc rối như trên, nhưng khi “chiếu” các quy định này sang quy định về tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa thì lại bộc lộ thêm sự thiếu tương thích giữa các quy định.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn, “tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Điều kiện được bảo hộ là “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Ở đây, phạm vi tỉnh, thành phố và khu vực kinh doanh là các nội dung rất khác nhau.

Thực tế cho thấy tên doanh nghiệp thường là tên thương mại, trong khi lĩnh vực và khu vực kinh doanh của tên thương mại tương đối trừu tượng, không rõ ràng như quy định “phạm vi tỉnh, thành phố” đối với tên doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp có chi nhánh khắp các tỉnh, hay một doanh nghiệp A kinh doanh ở khu vực phía bắc (được giải thích là khu vực địa lý có bạn hàng, khách hàng), thì tên thương mại được xác lập ở đó sẽ trùng với tên các doanh nghiệp khắp các tỉnh hay chí ít tại các tỉnh thành mà doanh nghiệp A có hoạt động kinh doanh.

Để an tâm, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, tuy nhiên, tra cứu nhãn hiệu trên website của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thấy một số lượng rất lớn doanh nghiệp phát triển tên doanh nghiệp, tên thương mại lên thành nhãn hiệu, mà nhãn hiệu hàng hóa lại được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc, bản chất của nhãn hiệu cũng gắn chặt với cái “tên”. Việc xét đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ không thể có dữ liệu tên doanh nghiệp, hay tên thương mại đã được xác lập quyền trước trên toàn quốc để xác định. Do đó, thực tế có nhãn hiệu trùng với rất nhiều tên riêng của doanh nghiệp, tên thương mại ở rất nhiều địa phương khác nhau.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp

Trước thực trạng trên, có thể thấy hệ thống quy định liên quan về tên doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung. Để giải quyết vấn đề, chúng tôi cho rằng cần có cả những giải pháp pháp lý đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước và giải pháp khắc phục chủ động của doanh nghiệp trước khi xảy ra hậu quả không mong muốn.

Đối với trên 700 doanh nghiệp trùng tên tại Hà Nội hiện nay và các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trùng tên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thống kê chính xác tại từng tỉnh, thành phố và trên toàn quốc số lượng doanh nghiệp trùng tên. Trên cơ sở đó, căn cứ vào ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trùng tên hoàn toàn để buộc doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên trên phạm vi toàn quốc.

Tuy đây là biện pháp chế tài nhưng có lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bị trùng một phần sẽ khuyến cáo (có điều kiện) các doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên nếu tên đó không phù hợp với nguyên tắc đặt tên (chỉ gồm ba tiêu chí rõ ràng: loại hình, tên riêng và chỉ một ngành nghề chính). Trong cả hai trường hợp trên, nếu doanh nghiệp không tự đổi tên, Nhà nước sẽ buộc doanh nghiệp đổi tên linh hoạt, có thể là gắn với địa danh huyện, thậm chí xã (nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) nếu vẫn trùng; hoặc phải đăng ký thêm số thứ tự vào sau công ty.

Về phía Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể cho việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cần cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong cả nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, doanh nghiệp được cấp tên theo nguyên tắc cụ thể, thống nhất, theo một quy chuẩn chỉ gồm ba tiêu chí: loại hình, tên riêng và một ngành nghề chính để phân biệt tên trùng và gây nhầm lẫn.

Hệ thống này cũng phải xác định được các điểm giao thoa đồng nhất với hệ thống tiêu chí của Cục Sở hữu Trí tuệ khi xét cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và điều kiện bảo hộ “tên thương mại”. Hệ thống dữ liệu này sẽ là cơ sở cho các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tham chiếu, tra cứu trước khi cấp nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị trùng tên và lĩnh vực hoạt động. Đồng thời nó còn là cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất và đầy đủ.

Luật sư PHẠM CHÍ CÔNG – Giám đốc Công ty Luật Khai Phong (KPGLawyers)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới