Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm lực đẩy để phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm lực đẩy để phát triển

Sự nỗ lực của doanh nghiệp là điều cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới để phát triển ngành công nghiệp điện tử

(TBVTSG) – Diễn đàn “Phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam” đã được Bộ Thông tin-Truyền thông và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp phối hợp tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua nhằm tìm ra lời giải cho bài toán của ngành công nghiệp điện tử.

Còn phải nỗ lực nhiều

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong kế hoạch phát triển, Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, phải tạo bước chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế. Công nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu từ ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao. Một trong những ngành có giá trị gia tăng cao chính là công nghiệp điện tử.

Vẫn theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam có gần 85% là công nghiệp chế biến; công nghiệp điện tử chiếm chưa đến 5%. Ông Hoàng Trung Hải nói: “Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn bắt đầu chuyển dịch công nghiệp nên đòi hỏi những nỗ lực cao. Những năm gần đây, Việt Nam có cơ hội để phát triển công nghiệp điện tử. Đây là ngành chúng ta đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu. Chúng ta đang có nhiều cơ hội để làm điều đó. Công nghiệp điện tử đang là điểm nhấn cần quan tâm hơn bao giờ hết. Cần phải nắm cơ hội phát triển ngành công nghiệp điện tử để phát triển kinh tế của đất nước”.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam cần phải cố gắng nhiều. Ông Hùng cho biết, ngành này năm 2007 mới xuất khẩu được hơn 2 tỷ đô-la Mỹ là quá ít. Bởi các nước trong cùng khu vực đang vượt xa con số này (năm 2007, mức xuất khẩu điện tử của Indonesia đạt 15 tỷ đô-la Mỹ, Thái Lan 23 tỷ đô-la Mỹ, Philippines 37 tỷ đô-la Mỹ…).

Doanh nghiệp cần năng động hơn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin-Truyền thông, cho rằng công nghiệp điện tử của Việt Nam những năm qua đã không tận dụng được thời cơ và bỏ qua nhiều cơ hội, trong khi nhà nước đã tạo điều kiện để phát triển ngành này bằng nhiều chính sách bảo hộ (như chính sách thuế, chính sách nội địa hóa…).

Song, theo ông Tuấn, điều quan trọng để phát triển ngành này là phải có sự nỗ lực của doanh nghiệp. Nhà nước không thể làm thay được cho doanh nghiệp. Sự nỗ lực của doanh nghiệp là điều cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới để phát triển ngành này.

Bộ Thông tin-Truyền thông đang vạch ra kế hoạch làm thay đổi bộ mặt của công nghiệp điện tử Việt Nam trong thời gian tới

Lạc quan hơn, ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông (trước đây), cho rằng sự phát triển của công nghiệp điện tử Việt Nam chưa phải là quá chậm nếu từ nay biết nắm lấy thời cơ. Bởi hiện nay luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược đều đã được cập nhật thường xuyên, chỉ còn cần sự năng động của doanh nghiệp. Bởi công nghiệp điện tử muốn phát triển cần phải dựa vào doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Quang A, chuyên gia CNTT-điện tử, cho rằng chúng ta đang sống trong sự hội nhập nên doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu xem có thể len vào khâu nào trong chuỗi cung toàn cầu. Hoặc doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài để sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Bằng cách này, có thể từng bước một tạo ra sản phẩm điện tử xuất khẩu của Việt Nam, có thể lúc đầu chỉ là sản xuất thiết bị.

Ở góc độ chính sách, ông A cho rằng nhà nước cần có chính sách tốt để “kéo” các nhà sản xuất thiết bị lớn của thế giới vào Việt Nam (như Foxconn). Bởi đi sau các nhà sản xuất thiết bị, Việt Nam có thể sản xuất những linh kiện phụ trợ rồi hướng tới hình thành ngành công nghiệp phụ trợ. Ông A nói: “Nếu không tham gia từng bước một mà các doanh nghiệp cứ muốn có thể sản xuất ngay sản phẩm điện tử để bán cho thế giới thì đó là ảo tưởng”.

Lực đẩy từ nhiều phía

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, cho biết trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và nhìn đến năm 2020, nổi bật là định hướng xuất khẩu sản phẩm điện tử. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2010 sẽ đạt doanh số khoảng 4-6 tỷ đô-la Mỹ và kim ngạch xuất khẩu từ 3-5 tỷ đô-la Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng 20-30% mỗi năm.

Vẫn theo ông Hồng, năm 2007 vừa qua, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng phấn khởi. Doanh thu đạt gần 3 tỷ đô-la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ đô-la Mỹ. Đây là một trong những ngành làm ăn có hiệu quả và có doanh số xuất khẩu cao nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng thừa nhận: “Sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt vẫn chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa, doanh số xuất khẩu vẫn là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là các tập đoàn điện tử lớn. Hơn nữa, hàm lượng lao động của người Việt Nam trong sản phẩm điện tử còn chưa được cao như mong đợi”.

Tham gia diễn đàn, ông Franois Guibert, Phó chủ tịch tập đoàn điện tử STMicroelectronics (Pháp), nhấn mạnh rằng sự tham gia của ngành điện tử sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của một đất nước. Điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu đối với sự thịnh vượng của các quốc gia. Bởi hầu hết các ngành công nghiệp khác và các ngành dịch vụ sẽ không thể hoạt động nếu không có điện tử. Ngành điện tử có thị trường lớn hơn gấp ba lần so với những ngành khác.

Ông Franois Guibert đặt vấn đề: “Tại sao Việt Nam đi mua sản phẩm ngoại trong khi có thể sản xuất sản phẩm đó ở trong nước?” Ông cho rằng, để thành công trong việc phát triển công nghiệp điện tử cần phải có lực đẩy từ nhiều phía: chính phủ, doanh nghiệp và các nhà cung cấp giải pháp bán dẫn.

VÂN OANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới