Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm “luồng xanh” bền vững cho cam Nam Đông

Nhân Tâm thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cam Nam Đông – loại cây cho quả giúp nông dân Thừa Thiên Huế thoát nghèo và làm giàu trong gần 50 năm qua – nay đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế và nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mới đây đã trao đổi với Kinh tế Sài Gòn về những trăn trở và sự nỗ lực của người dân cùng chính quyền trong chuyện tìm lối ra bền vững cho quả cam đậm vị của vùng đất Nam Đông này.

Cam Nam Đông đã có tên trong hành trình mày mò tìm kiếm con đường phát triển kinh tế nông nghiệp của nhiều thế hệ chính quyền và người dân nơi vùng đất huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế từ những năm 1977-1978 và hiện nay đang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu tháng 10 vừa qua, cam Nam Đông đã được cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu Tập thể cam Nam Đông.

KTSG: Theo ông, những yếu tố nào đã giúp cam Nam Đông đứng vững qua năm tháng để có được vị trí như ngày hôm nay?

– Ông Phan Ngọc Thọ: Cam Nam Đông là giống cam được bà con vùng kinh tế mới Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế trồng rải rác từ những năm 1970 ở các xã Hương Lộc, Hương Phú, Hương Hòa… nhưng lúc đó chỉ có các giống cam như cam voi, cam xã Đoài.

Trải qua gần 50 năm cùng với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, huyện Nam Đông đã nghiên cứu lai ghép để chọn lựa ra giống cam đầu dòng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của Nam Đông. Loại cam Nam Đông hiện được gieo trồng là giống đặc biệt, được lai tạo và chọn lọc từ rất nhiều năm qua. Nhờ hợp với vùng thổ nhưỡng, khí hậu của nơi này mà cây cam sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Cam cũng được cho là loại cây ăn quả thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu vì có độ dẻo dai, ít đổ gãy do gió bão và chịu hạn khá tốt. Đến nay, cam Nam Đông trở thành sản phẩm chủ lực của huyện với quy mô diện tích hơn 200 héc ta.

Cam Nam Đông đang được hỗ trợ tiêu thụ tại các siêu thị. Nguồn ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

KTSG: Là người đã theo sát sự phát triển của cam Nam Đông, ông có thể chia sẻ đôi điều về đặc điểm, chất lượng của cam Nam Đông mà người tiêu dùng cả nước có thể chưa được biết đến?

– Đất nước mình có rất nhiều loại cam ngon. Nhưng nói tới cam Nam Đông là phải nói tới hương vị đặc biệt, ngọt thanh, chua nhẹ, mùi thơm đặc trưng, khác biệt so với cam vùng khác. Ai từng dùng cam Nam Đông sẽ khó mà quên.

Từ việc trồng theo lối phổ biến của người địa phương, cam Nam Đông nay đã được trồng theo phương pháp hữu cơ để cho quả cam sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Và sản phẩm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ – thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu Tập thể cam Nam Đông, được đưa vào danh sách đặc sản OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) của Thừa Thiên Huế. Hiện phần lớn số trang trại cam Nam Đông đang trồng trọt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông, hiện nay diện tích trồng cam trên toàn huyện là 215 héc ta, trong đó diện tích đã cho thu hoạch trên 100 héc ta. Sản lượng trung bình 15 tấn/héc ta, do vậy sản lượng mùa cam năm nay ở Nam Đông lớn, với hơn 1.500 tấn.

Cam là cây trồng chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2025, huyện Nam Đông chủ trương phát triển diện tích trồng cam lên đến 550 héc ta.

Tuy nhiên, việc phát triển cây cam ở Nam Đông còn thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng với tiềm năng năng suất. Bên cạnh đó, chất lượng các vườn cam không đồng đều, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường dẫn đến việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn…

Đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cam dao động từ 15.000-25.000 đồng/ký, giảm từ 5.000-10.000 đồng/ký so với mọi năm. Mặt khác, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên giao thông vận tải đình trệ, không xuất bán thị trường các tỉnh như những năm trước đây. Nhiều vườn cam không chủ động được đầu ra.

KTSG: Dịch Covid-19 đang diễn ra trùng với mùa mưa bão chắc chắn làm nảy sinh bao nhiêu khó khăn và thách thức cũng như cho chính quyền địa phương khi lên kế hoạch hỗ trợ, phát triển cho loại nông sản này. Theo ông, tỉnh đã có những hướng giải quyết như thế nào với những khó khăn đó?

– Cam Nam Đông vào vụ thu hoạch từ đầu tháng 9 đến nay. Thời điểm này bà con gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mưa bão.

Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ sở thương mại, đã đưa cam Nam Đông vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị BigC, siêu thị Co-opmart. Chúng tôi cũng phối hợp với bưu điện tỉnh đưa cam Nam Đông lên sàn thương mại điện tử PostMart cũng như tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội bên cạnh phát động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ…

Nhờ đó cam Nam Đông đã có thể tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.

KTSG: Bên cạnh những giải pháp cấp thời này, tới dây tỉnh dự kiến sẽ làm gì để có thể phát triển đặc sản cam Nam Đông bền vững, thích ứng với bình thường mới?

– Để tiếp tục phát triển Cam Nam Đông đảm bảo hiệu quả, bền vững các giải pháp cần làm đảm bảo đồng bộ, đó là xây dựng chuỗi giá trị cam Nam Đông.

Thứ nhất, khâu sản xuất cần tiếp tục chọn lọc giống đầu dòng, sản xuất giống sạch bệnh, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất theo chất lượng hữu cơ, VietGAP đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thứ hai, khâu tổ chức sản xuất theo hình tập trung theo hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp để quản lý sản xuất, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, làm đầu mối ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ trong tỉnh, ngoài tỉnh; đặc biệt là đưa cam Nam Đông vào các thị trường lớn như TPHCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

KTSG: Để thực hiện các bước trên, rõ ràng vai trò của cả chính quyền, nông dân và doanh nghiệp rất lớn. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

– Để phát triển thương hiệu cam Nam Đông xứng đáng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng trung du, miền núi của tỉnh cần phải có sự liên kết, hợp tác trách nhiệm giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Nhà nước đó là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm tra, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ phát triển thị trường…

Nhưng là chủ thể của quá trình sản xuất, nông dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình sản xuất, thực sự là nông dân lành nghề, thông minh, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, sản xuất cam sạch, an toàn.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải thực sự là bà đỡ cho nông dân, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, đặc biệt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới