Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm nhà cho khách Tây ăn Tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm nhà cho khách Tây ăn Tết

Đào Loan

Khách Tây thích thú xem người Việt gói bánh tét ăn mừng xuân mới. Ảnh: Đào Loan.

(TBKTSG) – Cứ vào ngày Mùng 1 và Mùng 3 Tết, nhà thầy Nhã ở quận Phú Nhuận, TPHCM lại nhộn nhịp khách khứa ra vào, cười nói râm ran. Khách không chỉ là họ hàng, học trò đến thăm thầy giáo mà còn có nhiều người nước ngoài đến hòa vào cuộc vui mừng xuân mới.

Những người nước ngoài đến đây tìm hiểu về Tết Việt Nam, còn thầy Nhã cùng gia đình thầy là một trong số những hộ dân hợp tác với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist mở rộng cửa nhà chào đón những vị khách từ phương xa, chia sẻ bữa cơm đầu năm với những người chưa hề quen biết.

Ở Sài Gòn, có rất ít hộ dân có thâm niên 10 năm đón khách nước ngoài đến nhà chơi vào dịp Tết như nhà thầy Nhã, phần vì một số nhà không muốn có người lạ đến thăm, phần vì họ quá bận bịu, và cũng bởi những yêu cầu khá cao của công ty du lịch khi chọn nhà dân.

Để bảo đảm khách nước ngoài cảm nhận được không khí Tết ở Việt Nam, tiêu chí đầu tiên mà công ty lựa chọn nhà dân là gia đình phải có ba thế hệ, tức phải có khoảng sáu người gồm ông bà, cha mẹ, con cái. Kế đến, gia chủ phải có bàn thờ gia tiên, đón Tết theo phong tục truyền thống. Trong nhà lại phải có ít nhất một người giao tiếp được với khách nước ngoài, tức phải nói được tiếng Anh, vì nếu gia chủ và khách không giao tiếp được thì dù hướng dẫn viên có giỏi đến đâu cũng khó làm cho không khí trò chuyện và bữa cơm đầu năm kéo dài vài giờ đồng hồ có thể trở thành một cuộc vui ấm cúng và chuyển tải hết những điều hai bên muốn bày tỏ.

Vị trí nhà dân cũng là một trong những yếu tố được cân nhắc. Những hộ dân ở các quận xa như Bình Chánh, Thủ Đức… dù có đáp ứng đủ hết những tiêu chí kể trên cũng khó tham gia vì thời gian đi lại của khách có giới hạn. Chính vì những yêu cầu khá “ngặt nghèo” đó mà công ty thường phải tốn khá nhiều thời gian để chọn lựa rồi thuyết phục hộ dân tham gia.

Bà Phạm Mai Hoàng Lộc, Trưởng phòng Kinh doanh khách lẻ và hội nghị của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết trong hai năm đầu, công ty phải đi năn nỉ, thậm chí “ép buộc” nhân viên trong công ty tham gia chương trình. Sau đó, khi khách đã đông hơn và khi các gia đình cũng bắt đầu thấy quen và cảm thấy vui thì họ lại giới thiệu thêm những nhà khác để công ty có thêm lựa chọn.

Cũng có trường hợp hiếm là dù nhà dân chưa đáp ứng đủ hết các yêu cầu của công ty nhưng vẫn đón khách từ nhiều năm nay. Chẳng hạn gia đình chị Cúc ở đường Kỳ Đồng, quận 3. Ban đầu vì thiếu hộ hợp tác nên nhà tổ chức đưa khách đến dù nhà chị Cúc chỉ có vợ chồng chị cùng hai con, căn nhà lại nhỏ chỉ tiếp được chừng 6 khách, tuy nhiên, du khách lại rất thích thú. “Bốn người trong nhà đều nói được tiếng Anh, tương tác tốt với khách, lại đón Tết theo truyền thống nên khách nào đến cũng muốn ở từ trưa đến chiều tối mới về”, bà Lộc kể.

Khách thích thú, tiếng lành đồn xa, không những khách Tây lên Internet mua “tour đặc sản” – gọi theo cách của những người làm tour, mà cả khách từ các nước châu Á cũng đăng ký tham gia để tìm hiểu về Tết Việt Nam. Không những thế, tour còn mở rộng hơn với các chương trình trước Tết, đến miền Tây xem người dân chuẩn bị đón nàng Xuân. Tour trước Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết, còn chương trình “Tây ăn tết Ta” kéo dài từ Mùng 1 đến Mùng 4 Tết. “Với những nhà dân ở miền Tây đón khách trong các tour trước Tết, chúng tôi linh hoạt nhờ vài nhân viên du lịch biết tiếng Anh ở địa phương tham gia trò chuyện cùng khách tại nhà dân”, bà Lộc cho biết.

Để chuẩn bị, cứ trước Tết ba tháng, công ty liên hệ lại với nhà dân để hỏi ý gia chủ có tiếp tục tham gia chương trình hay không. Hai tháng trước Tết, một nhóm gồm 5-6 nhân viên của công ty thực hiện công việc khảo sát và nếu được, hai bên sẽ ký hợp đồng khoảng một tháng trước Tết.

Gia chủ được công ty hỗ trợ một ít kinh phí để trang trí nhà đẹp hơn, mua thêm nhiều trái cây và hoa để chưng Tết. Khi thực hiện tour, khoản tiền gia chủ nhận được tương ứng số đầu khách tham gia.
Và công việc của chủ nhà cũng không ít. Hơn nửa tháng trước Tết, họ phải sơn, sửa, trang hoàng nhà cửa cho đẹp đẽ, tinh tươm. Những món ngon đặc trưng ngày Tết như bánh tét, bánh chưng, củ kiệu… phải được chuẩn bị sẵn và phải có vài người ở nhà trong thời gian thực hiện tour để chờ đón khách.

Bà Lộc kể tuy chương trình tour đã được đưa lên mạng để giới thiệu nhưng nhà tổ chức vẫn còn giấu một số chi tiết cũng như dùng một vài “chiêu” để gây bất ngờ, thích thú cho khách. Chẳng hạn nhiều khách từng bất ngờ khi nhận được bao lì xì cùng với lời chúc đầu năm mới, hay nhận được những đòn bánh tét nóng hổi khi kết thúc tour…

Để bảo đảm du khách cảm nhận được không khí ấm cúng của ngày xuân, nhà tổ chức chỉ dám tổ chức cho khách đi theo từng đoàn nhỏ và sắp xếp thật kỹ lưỡng để người nước ngoài thấy được những phong tục Tết cổ truyền của người Việt. Chẳng hạn như với nhà thầy giáo Nhã, công ty sắp xếp đưa khách đến vào ngày Mùng 1 để thấy chuyện người thân đi chúc Tết họ hàng, và ngày Mùng 3 để xem học trò Việt đi mừng Tết thầy cô.

Tuy không phải là tour sinh nhiều lãi, có lượng khách lớn như những tour có thời gian khởi hành đều đặn trong năm, nhưng cho đến nay, hàng ngàn người nước ngoài đã tham gia tour này và số lượng tăng đều đặn mỗi năm. “Các nhà dân tham gia thường không tính toán chi li chuyện tiền bạc. Tiền thu không nhiều nhưng cả nhà tour lẫn nhà dân đều thích vì đã chuyển tải được phần nào văn hóa Việt Nam đến những vị khách phương xa qua những phong tục ngày Tết”, bà Lộc chia sẻ.

Từ 10 năm nay, Tết nào nhà thầy Nhã cũng đông đúc. Ở ngôi nhà đó cùng một số căn nhà khác nữa ở Sài Gòn, cứ đến Tết là người ta lại thấy có những ông Tây, bà Đầm cao lớn khềnh khàng hay những cô gái Nhật nhỏ nhắn lóng ngóng đốt nén nhang cầu bình an cho năm mới hoặc vụng về cầm đôi đũa gắp miếng thịt kho, ăn mừng xuân mới…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới