Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm nhà đầu tư bị thiệt hại vì mua cổ phiếu FLC

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công an thông báo tìm nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC – gây ra.

Tại thông báo ngày 21-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị các nhà đầu tư bị thiệt hại do mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1-2022 liên hệ với Phòng 4 thuộc C01 qua số điện thoại trực ban: 069.2345860 hoặc địa chỉ số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội trước ngày 15-6.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Trịnh Văn Quyết với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Thủy Nga, bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Hương Trần Kiều Dung, bà Nguyễn Quỳnh Anh và các cá nhân liên quan cho mượn, sử dụng các tài khoản đã mở để mua/bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Hành vi của các đối tượng này đã đẩy giá trị giao dịch của cổ phiếu FLC lên mức giá “trần”, từ mức 15.500 đồng mỗi cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên mức 24.050 đồng mỗi cổ phiếu ngày 10-1-2022, trung bình là 22.586 đồng một cổ phiếu – tăng 64%.

Tới 10-1-2022, ông Quyết đã chỉ đạo đặt bán 76,7699 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá trung bình 22.586 đồng mỗi cổ phiếu, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.

Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỉ đồng, chiếm 55,42% khối lượng khớp toàn thị trường và chiếm 10,54% tổng khối lượng lưu hành cổ phiếu FLC.

Việc này, theo cơ quan điều tra, khiến giá cổ phiếu FLC giảm sàn 8 phiên giao dịch liên tiếp.

Cơ quan này cũng bước đầu xác định hành vi của ông Quyết và những cá nhân liên quan đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10-1-2022, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tổ vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập toàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh bắt 5 bị can để tạm giam về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, gồm ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT; bà Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên Kế toán tổng hợp Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; bà Hương Trần Kiều Dung, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, kiêm Phó chủ tịch Thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; bà Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên Thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán BOS; bà Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán BOS.

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cổ và làm rõ các đối tượng đồng phạm khác.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhà đầu tư mua HST FLC từ ngày 1-12-2021 đến ngày 10-1-2022 được đền bù thiệt hại thế còn cổ đông HST FLC mua và nắm giữ trước thời điểm đó thì sao? Từ khi có lệnh phạt đến lệnh bắt giam ông Quyết và các đồng phạm liên quan đến việc thao túng cp HST FLC thì cổ phiếu của HST FLC (FLC từ 21.000đ giảm xuống 6.190đ, ART từ 18.000đ xuống 4.500đ, AMD từ 10.500đ xuống 3.570đ, KLF từ 11.500đ xuống 3.400đ, …) mức giảm giá hơn 100%, trong khi cơ quan chức năng không có một động thái can thiệp gì (ví dụ tạm dừng giao dịch cp HST FLC cho đến thời điểm thích hợp chẳng hạn…) gây cho cổ đông đang nắm giữ cp HST FLC thiệt hại khủng khiếp, vậy thử hỏi cơ quan chức năng xử lý vấn đề này như thế nào, mức độ thiệt hại khủng khiếp cho nhà đầu tư nắm giữ cp HST FLC thì ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và ai phải chịu trách nhiệm và hình thức đền bù thiệt hại đó như thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới