Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm thầy cho các startup

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm thầy cho các startup

Chính Phong

Tìm thầy cho các startup
Ông Nguyễn Việt Dũng (giữa), Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nói chuyện với cộng đồng startup tại tọa đàm "Vai trò mentoring đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và chương trình hành động mentoring năm 2017 của TPHCM". Ảnh: Chính Phong.

(TBKTSG) – Để có nhiều startup tốt, phải có nhiều mentor giỏi. Mà hiện nay, đội ngũ mentor đang rất thiếu, hoạt động phân tán.

Được giao nhiệm vụ ươm tạo thành công 2.000 startup từ nay cho đến năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đang ráo riết xây dựng các nền tảng để đạt mục tiêu đó và việc xây dựng đội ngũ mentor là một trong những nội dung đó. Ngày 24-12 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các vườn ươm doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong và ngoài nước. 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Chương trình "Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" (Saigon Innovation Hub), người được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giao phụ trách các hoạt động khởi nghiệp, nói về thực trạng mentor hiện nay: “Thiếu mentor, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật khác ngoài CNTT, nguồn mentor tự hình thành và hoạt động trong phạm vi hẹp của các cộng đồng riêng lẻ, khả năng chia sẻ nguồn mentor hạn chế, thời gian và quy trình cố vấn của các mentor chưa thống nhất và giới hạn”.

Mentor là người thầy thông thái, người cố vấn giàu kinh nghiệm, là huấn luyện viên, sư phụ, người theo sát dẫn dắt… lấp đầy chỗ trống kiến thức, nâng đỡ tinh thần, rèn giũa các đức tính tốt cho người khởi nghiệp.  Những người được nhận cố vấn được gọi là “Mentee.

Các chương trình mentor ở nước ngoài thường chỉ kéo dài 3 tháng nhưng nhiều ý kiến cho rằng với các startup ở Việt Nam, 3 tháng là không đủ. “Ở Thụy Điển chẳng hạn, họ dạy cho các sinh viên về kỹ năng startup ngay trên ghế giảng đường, nên khi ra làm startup họ hấp thụ được kiến thức từ các mentor rất nhanh. Còn ở Việt Nam, khi sinh viên ra trường, phải học lại mọi thứ từ đầu”, một giảng viên trường Đại học Bách khoa TPHCM nhận xét, “Nên tôi nghĩ cần phải đào tạo lại đội ngũ giảng viên ở các trường, làm sao để họ có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân và từ đó họ truyền được tinh thần đó cho các sinh viên”.

Mentoring (hoạt động mentor) thường là hoạt động tự nguyện, không thu phí, từ những doanh nhân thành đạt, người khởi nghiệp thành công hay các giảng viên kinh nghiệm, nhưng ở Việt Nam, không có nhiều người sẵn sàng trở thành mentor. Ở góc nhìn ngược lại, ông Vũ Tuấn Anh, trưởng dự án khởi nghiệp thuộc tập đoàn Hoa Sen, đặt vấn đề: “Chính các startup không chịu tìm mentor, không chịu lắng nghe từ các mentor, dạy miễn phí là người ta ít chịu học lắm, cái gì cho không người ta không quý”.

Bà Đặng Mỹ Châu từ tổ hợp công nghệ giáo dục Topica, cho rằng hoạt động mentor không thể thu phí được vì các startup đều không có tiền nhưng rất cần người dẫn đường, vấn đề là tạo ra một cơ chế hoạt động rất nghiêm khắc, cho các startup nghiêm túc. Topica Founder Institute, một nhánh của Topica chuyên đào tạo cho những người sáng lập startup đang đi theo hướng đó. Sau 6 khóa, Topica Founder Institute đã cho tốt nghiệp 48 startup, các startup này gọi vốn tổng cộng được 15 triệu đô la Mỹ và được định giá tổng cộng 80 triệu đô la Mỹ.

“Môi trường mentoring của chúng tôi rất khắc nghiệt. Giữa đêm, một người mentor có thể gửi tin nhắn đến điện thoại của học viên, yêu cầu trong 30 phút nữa phải trả lời email, nếu ai không thực hiện được phải rời chương trình. Làm startup hay làm doanh nhân, bạn phải luôn đối mặt với những áp lực, luôn sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu. Không ít startup phải rời chương trình mentoring vì sự khắc nghiệt này nhưng tôi nghĩ sự khắc nghiệt đó cần thiết cho sự trưởng thành của họ”, bà Châu cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới