Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm thế cạnh tranh cho kinh tế tập thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm thế cạnh tranh cho kinh tế tập thể

Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ cần liên kết để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường – Ảnh minh hoạ: Kim Loan

(TBKTSG Online) – Song hành cùng quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, các hợp tác xã, tổ hợp kinh tế nhỏ đang bắt tay cùng nhau để gia tăng năng lực và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ghi nhận từ phát triển kinh tế hợp tác tại Đồng Nai.

Liên kết để mạnh lên

Đầu tháng 9 vừa qua, Hợp tác xã (HTX) thương mại – nông nghiệp – dịch vụ Phú Lộc đã ra đời tại huyện Tân Phú, Đồng Nai, có số vốn điều lệ đến 13,7 tỉ đồng do 12 thành viên là các pháp nhân, thể nhân đóng góp.

HTX Phú Lộc đề ra mục tiêu qua năm 2009 phải phát triển được 20 trại heo tập trung ở rải rác một số xã, có hệ thống xử lý môi trường hoàn chỉnh để tránh gây ô nhiễm. Đồng thời, HTX này sẽ thiết lập mối quan hệ với các câu lạc bộ (CLB) cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện để  tập huấn kỹ thuật, chuyển giao giống mới, nhằm tạo sự chuyển biến đồng đều về chất lượng sản phẩm.

Trên cơ sở đó HTX Phú Lộc sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và là nơi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân địa phương. Thế mạnh của một số loại cây trồng ở Tân Phú là mãng cầu, bưởi da xanh… nên trước mắt HTX Phú Lộc sẽ chú trọng cùng các CLB tập trung vào cải tạo cơ cấu giống cho những vườn cây này.

Chủ nhiệm HTX Phú Lộc là chủ doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh, những thành viên khác là chủ các trang trại, chủ các cửa hàng vật tư nông nghiệp, kinh doanh cây giống… Và họ tỏ ra rất tâm huyết trong việc hợp tác làm ăn theo kiểu hợp tác xã.

Ở huyện Vĩnh Cửu, một HTX trong nghề xây dựng cũng đã được thành lập ở xã Bình Hòa trên cơ sở tập hợp những người có kinh nghiệm trong nghề xây dựng lại với vốn ban đầu là 1,8 tỉ đồng. HTX này đang hy vọng có đủ khả năng để đảmnhận những công trình đòi hỏi về quy mô lẫn vốn liếng, kinh nghiệm, kỹ thuật.

Còn ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch thì HTX sinh vật cảnh ra đời trong sự tự nguyện liên kết lại của các CLB cây cảnh. HTX sinh vật cảnh nhắm đến mục tiêu sản xuất kinh doanh các loại sinh vật cảnh để cung cấp cho nhu cầu phát triển của thành phố Nhơn Trạch tương lai. Điều này cũng có nghĩa sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho một số nông dân có tay nghề làm nông nhưng tuổi đã lớn ở vùng nông thôn đang trên đường công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Tiến sĩ  Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho rằng ba vấn đề cần thiết hiện nay của khu vực “tam nông” là nâng cao nông trí, tổ chức lại sản xuất và liên kết làm ăn.

Tuy nhiên, như ông Nguyễn Lục Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai có nhận xét, hiện nay các sở, ban ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các thành phần kinh tế tập thể, chính vì thế những khó khăn vướng mắc mà kinh tế tập thể gặp phải chưa được kịp thời hỗ trợ, giải quyết thấu đáo.

Điển hình như các CLB, tổ hợp tác, HTX đều có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng đa số lại không vay được vốn trong khi Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã có quyết định thành lập với tổng nguồn vốn là 8 tỉ đồng mà mãi vẫn còn trên giấy chưa được thực hiện.

“Theo tôi, thời gian tới cần đẩy nhanh các thủ tục đưa quỹ sớm đi vào hoạt động góp phần giải quyết bớt tình trạng thiếu vốn hiện nay của các HTX. Đồng thời, các sở ngành cần liên kết chặt chẽ với nhau cùng hỗ trợ kinh tế tập thể tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững”, ông Hoà nói.

Cần một tầm nhìn để có thể bươn chải

Chủ nhiệm HTX thương mại – dịch vụ Long Biên Ngô Minh Châu (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) than thở: HTX cũng bươn chải trong nhiều lĩnh vực, từ cung cấp nước sạch, môi trường, đại lý điện lực đến nhà hàng, du lịch sinh thái… Tuy nhiên cái khó nhất hiện nay của HTX là con người và vốn liếng.

Thực tế, tình trạng hoạt động của không ít các HTX và các tổ chức kinh tế hợp tác khác đang có những vấn đề khó khăn. Đó là về vốn liếng, về đất đai, về việc tiếp cận thông tin để nắm chủ trương, chính sách một cách kịp thời nhằm biết cách ứng xử cụ thể để xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược phát triển mô hình kinh tế hợp tác cho phù hợp.

Tại hội nghị của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh mới đây, vấn đề yếu thế trong cạnh tranh với các ngân hàng thương mại cổ phần từ các nơi về  địa phương mở phòng giao dịch cũng đã được đặt ra . Dẫu biết rằng địa phương là nơi “cát cứ” của quỹ tín dụng, khách hàng cũng là dân địa phương, ra vô “đụng mặt”, vậy mà mỗi khi có phòng giao dịch mới xuất hiện là quỹ tín dụng lại hồi hộp vì sự sụt giảm doanh số của mình!

Lợi thế am hiểu địa phương thuộc về các tổ chức kinh tế hợp tác tại các địa bàn nhưng trong thời buổi của thông tin toàn cầu (chỉ cần nhấp “con chuột” vào máy tính là người ta có thể biết điều gì đang diễn ra, nơi nào có gì mới, điều gì làm lợi cho khách hàng, cho người dân và ngược lại điều gì là bất lợi…) thì ai nắm thông tin trước là người ấy có lợi. Do vậy, một đội ngũ cán bộ HTX, quỹ tín dụng, tổ hợp tác, CLB năng suất cao… có tâm huyết thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải có tầm nhìn, vạch ra chiến lược cho đơn vị mình trong  5-10 năm tới.

Điều này tự thân các HTX và các tổ chức kinh tế hợp tác không thể đáp ứng mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của các ngành các cấp trong mối quan hệ hợp tác, liên kết và hỗ trợ bằng chính sách, cơ chế đào tạo nguồn nhân lực, kỹ thụât, đất đai…

Không kể các hình thức kinh tế hợp tác khác, 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng thêm được 17 HTX với vốn 91 tỉ đồng, bình quân 5,4 tỉ đồng/HTX, so với bình quân chỉ có 1,6 tỉ đồng/HTX của năm 2007. 

Theo nhận định của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thì xu hướng liên kết và tiến lên xây dựng HTX đang có chuyển biến về chất, đó là sự liên kết của các pháp nhân, thể nhân trong một HTX với nhiều ngành nghề có thể hỗ trợ cho nhau làm ăn theo quy mô lớn hơn.

Như vậy, hiện nay mô hình HTX trên địa bàn có 191 đơn vị do đã giải thể 4 HTX yếu kém. Sắp tới, việc sắp xếp, củng cố các HTX và mô hình hợp tác vẫn tiếp tục được thực hiện; sẽ có một số CLB tiến lên HTX nhưng cũng không loại trừ một số mô hình kinh tế tập thể bị giải thể vì không phù hợp hay quá yếu kém.

KIM LOAN 

                                                       

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới