Thứ Năm, 23/03/2023, 16:31
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tìm thứ đã mất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm thứ đã mất

(TBKTSG) – Một tờ báo vừa đăng phóng sự ảnh về những người Sài Gòn say sưa câu cá rô đồng. Cái ao lọt thỏm trong lòng đô thị, sáng sớm khách chen lấn nhau vào, hồi hộp rồi hân hoan với những con cá rô câu được. Còn chủ ao,  thu tiền xong, mỗi ngày cứ cho người thản nhiên thả cá xuống, ngay trước mắt người câu, làm “niềm vui” cho họ.

Ai cũng biết là cá “giả” chứ nào phải những chú cá rô tung tăng ngoài đồng ruộng. Cá ở đó không khác cá nuôi, nhưng câu thì cứ câu, niềm vui không vì thế mà giảm xuống. Có người nói rằng, đằng nào cũng mất tiền, sao không ra chợ mua mà phải vừa mất tiền vừa bỏ công câu cá… mà chủ ao mua ngoài chợ đem vô thả. Đâu phải! Họ chấp nhận bỏ tiền, mua sự giả dối để cố tìm lại những thú vui đã mất!

Đô thị hóa, cao ốc, khu dân cư ào ạt mọc lên. Ao đầm, đồng ruộng, mương vườn làm gì còn giữa phố. Hồi xưa, chỉ cần ra miệt Bình Chánh, Thủ Đức… cũng có thể tìm được thú vui câu cá tự nhiên. Còn giờ, khó mà tìm. Đô thị, nhà máy không lấn kênh rạch, mương đồng… thì ô nhiễm cũng làm chim trời, cá nước ngắc ngoải. Thôi thì tạm lấy cá chợ thả ao nuôi rồi… câu làm vui vậy!

Còn nhớ cách đây chỉ chừng mười năm, được đi ăn ở một nhà hàng sang trọng nào đó thì đã lấy làm hãnh diện. Càng sang, càng hiện đại càng thích! Còn giờ, ngay cả ở những đô thị mới, người ta cũng tìm đến những quán ăn, quán cà phê sân vườn, chứ nói chi ở Sài Gòn hoa lệ. Thiên nhiên, hoang dã… càng giả tạo giỏi, người ta càng thích.

Con diều giấy ngày xưa phải mất cả buổi trời ngồi cắt dán, nay chỉ cần bỏ ít tiền là có ngay con diều vải, tiện lợi trăm bề. Nhưng ai nói cái cảm giác nhìn con diều vải bỏ tiền mua đang bay tít trên cao bằng được con diều giấy do chính tay mình làm ra? Con diều giấy đôi lúc loạng choạng, khiến người thả cuống quýt xàng xê, né tránh. Rồi thu dây về sửa, rồi cười tít mắt, hãnh diện khi thấy diều lại chững chạc vươn cao. Thế mới là cái thú. Nhưng thôi, thời buổi mà thời gian đồng nghĩa với tiền bạc, có diều vải cũng đã đỡ cơn ghiền.

Cuộc sống phát triển, nhiều thứ mới được hân hoan chấp nhận, và nhiều thứ cũ buộc phải đào thải. Nhưng chắc chắn rằng, nhiều người sẽ phải mất tiền, mua sự giả dối để tìm lại hương vị của những thứ được cho là đã lỗi thời và bị đào thải kia.

Nhưng sẽ có những thứ bị phôi pha, để rồi chẳng thể tìm lại được bằng tiền, dù rất nhiều tiền. Một vị tiến sĩ thường xuyên lăn lộn ở nông thôn, kể rằng lâu nay nổi bật ở vùng này vẫn là tình làng nghĩa xóm. Hàng trăm, hàng ngàn người đã ra đi, về nơi đô hội phồn hoa, nhưng không ít người trong số họ vẫn cảm thấy rất cô đơn. Nơi đó, suốt ngày với họ chỉ là công việc để tồn tại.

Ra đường cắm cúi đi, có gặp nhau thì họa may được cái gật đầu chào. Họ chỉ là chính mình khi trở về hàng dừa, bờ ruộng quê xưa, khi được dì Tám, chú Năm đem qua nhà cho mớ xoài mới hái, mớ cá mới tát mương. Nhưng nông thôn đang xáo trộn nhiều lắm. Vị tiến sĩ sợ rằng khi giá đất đã tính bằng mét vuông chứ không bằng công, bằng tầm như xưa nữa, khi lương tháng đã lấn át mùa vụ, người nông dân cũng quen dần với ba chữ “đất mặt tiền”.

Ở một xã ngoại ô Cần Thơ, khi trở thành phường, rồi hàng loạt dự án quy hoạch ra đời, giá đất mỗi ngày mỗi khác, đã không hiếm chuyện anh em trong cùng một nhà vênh mặt chửi nhau chỉ vì một tấc ngang đất, một cái mương con mà ngày xưa xem như của dùng chung. Một cái hẻm nhỏ xen giữa hai nhà, giờ chia ngang bằng cái hàng rào bằng dây thép gai lạnh lùng. Cái nhà mới xây, chủ nhà lấn luôn đường thoát nước để rộng thêm cái sân chút đỉnh, để rồi cả xóm phải chịu ngập mỗi khi trời mưa…

Người thành phố bây giờ nhậu dữ lắm. Trưa, chiều ngang quán nhậu thấy cứ đông ken. Không ít người trong số họ, có lẽ vung tiền mượn chất kích thích từ men bia, hơi rượu để cảm thấy phấn khích, thấy gần nhau hơn khi cuộc sống đời thường đã không được vậy. Trong cơn say, có thể họ cảm thấy ai cũng là bạn, dễ gần, dễ cảm thông. Nhưng khi tỉnh, ai nấy lại trở về khoảng ngăn cách riêng, và đôi lúc còn lại trách nhau: “Cái thằng, thấy vậy mà kỳ…”.

Những thứ không hình, không dạng đã vậy, nói chi chuyện con sếu đầu đỏ. Một nhà nghiên cứu kể rằng, khi người Thái giàu lên, họ đã bỏ tiền mua sếu, tái tạo cảnh quan, mong sếu dừng chân sống những ngày còn lại trên đất của mình. Nhưng sếu vẫn đi. Chúng đi khi cảm thấy những gì người ta tạo ra cho chúng là đồ giả.

Chúng ta đánh mất nhiều thứ quý giá mình đã có, để rồi hối tiếc, đi tìm cái bóng của nó.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới