Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm thuốc đề kháng Covid-19 cho nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm thuốc đề kháng Covid-19 cho nền kinh tế

Võ Đình Trí

(TBKTSG) – Đã có hai đánh giá chính thức về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế Việt Nam, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Cách tiếp cận của hai báo cáo này dường như dựa trên cách tính GDP theo phương pháp sản xuất của ba nhóm ngành chính là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Theo các kịch bản của hai báo cáo này, trường hợp xấu nhất tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ là 4,31%, và tích cực nhất là 6,52%.

 

Tìm thuốc đề kháng Covid-19 cho nền kinh tế
Việt Nam đang khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế – xã hội phù hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Ở một cách tiếp cận khác, nghiên cứu mới đây (Le et al. 2019(*)) dựa trên cách tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo phương pháp tổng cầu (chi tiêu) với các thành tố bao gồm: tiêu dùng của khu vực tư nhân; chi tiêu của chính phủ; đầu tư của khu vực tư nhân; xuất khẩu và nhập khẩu. Mô hình lý thuyết của nghiên cứu này đã tổng quát hóa các hàm số quan trọng như tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, và hàm giá cả.

Sau khi xác định được các hàm số tương ứng, nhóm tác giả đã tiến hành hồi quy với số liệu vĩ mô (giá cố định năm 2010) của Việt Nam với các biến số đầu vào được giả định trước như lãi suất danh nghĩa của Việt Nam, tăng trưởng của kinh tế thế giới, tăng trưởng chi tiêu công, tăng trưởng lạm phát của thế giới.

Một số kết quả quan trọng của nghiên cứu

Theo kết quả hồi quy dựa trên mô hình lý thuyết của các hàm số, tiêu dùng của khu vực tư nhân phụ thuộc chủ yếu vào tiêu dùng của năm trước đó và GDP hiện hành; đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào GDP; xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào GDP của thế giới; và nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào GDP trong nước.

Theo ước lượng từ mô hình nghiên cứu, chỉ cần tốc độ nhập khẩu tăng chậm lại, ở mức 10-15% và đầu tư tăng khoảng 15% thì mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 vẫn có thể đạt được, dù đã bị ảnh hưởng bởi GDP thế giới giảm.

Không những thế, hệ số co giãn của xuất khẩu theo GDP thế giới là khá lớn, đến 5,39. Điều này khẳng định rõ sự phụ thuộc của xuất khẩu vào kinh tế thế giới. Ngoài ra, hệ số co giãn của nhập khẩu theo GDP trong nước là 2,6, cho thấy quy mô của GDP quyết định lượng nhập khẩu khá nhiều. Nhưng ở đây còn có một điều đặc biệt hơn, kết quả đã chỉ ra rằng đặc trưng của hàm nhập khẩu là Giffen, nghĩa là tương quan giá nhập khẩu so với giá trong nước có tăng đi nữa, thì nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng. Điều này có thể giải thích là do phần lớn nhập khẩu của Việt Nam là nguyên liệu, thiết bị trung gian để phục vụ sản xuất xuất khẩu và/hoặc tâm lý sính hàng ngoại.

Một kết quả quan trọng khác của nghiên cứu này là tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng khu vực tư vào tăng trưởng GDP là khá lớn, hơn đầu tư và chỉ sau xuất – nhập khẩu. Như vậy có thể thấy, động lực của GDP Việt Nam là xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Chi tiêu của chính phủ không có ảnh hưởng quan trọng đến GDP.

Nhưng quan trọng nhất của nghiên cứu này là ở chỗ, mô hình đã có thể chỉ ra rằng với các giả định đầu vào khá rõ ràng, sự biến động của GDP là có thể ước lượng được trong ngắn hạn. Hơn nữa, những tác động qua lại nội tại của các thành tố (nếu có) đều cho ra một kết quả mà từ đó có thể biết được tỷ trọng của các thành phần trong GDP.

Hàm ý chính sách từ nghiên cứu

Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế Việt Nam năm 2020 là hiển nhiên, nhưng nắm được đặc trưng mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và tương tác giữa các thành tố theo mô hình tổng cầu thì vẫn có một số giải pháp để phục hồi và có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%.

GDP của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới qua xuất – nhập khẩu. Nếu có sự biến động lớn của GDP thế giới thì biến động của GDP Việt Nam còn được khuếch đại lên. Tuy nhiên, theo dự báo mới đây nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tác động của Covid-19 chỉ làm giảm GDP thế giới trong khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm. Do đó, giải pháp đầu tiên là tiết chế lại nhập khẩu, thay thế nhập khẩu ở mức nhiều nhất có thể qua các ngành công nghiệp phụ trợ, thiết bị phụ tùng, giảm hàng hóa xa xỉ, thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa.

Tiếp đến là chú ý đến các giải pháp kích cầu trong nước, nhằm gia tăng tiêu dùng của khu vực tư. Vì như đã trình bày ở trên, tiêu dùng khu vực tư chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP. Muốn vậy, việc lưu thông hàng hóa cần được tạo điều kiện thuận tiện hơn, giảm các chi phí trung gian, chi phí chìm, phát triển đa dạng hơn các loại hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nhất là liên quan đến sức khỏe, môi trường.

Cuối cùng và không kém phần quan trọng là gia tăng đầu tư của khu vực tư, bao gồm cả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo ước lượng từ mô hình nghiên cứu, chỉ cần tốc độ nhập khẩu tăng chậm lại, ở mức 10-15% và đầu tư tăng khoảng 15% thì mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 vẫn có thể đạt được, dù đã bị ảnh hưởng bởi GDP thế giới giảm.

(*) Nguyen-Minh-Phuong Le, Cuong Le-Van, and Dinh-Tri Vo (2019), “Forecasting and Simulations of Economic Policies for Vietnam Economy with a Simple Macro-Econometric Model”, Working paper: https://dx.doi.org/10.13140/RG.2.2.32098.27843

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới