Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm vận hội mới đầu tư vào Miền Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm vận hội mới đầu tư vào Miền Trung

Mũi Né đã đem về cho Bình Thuận nguồn thu lớn từ du lịch – Ảnh: binhthuantourism.com

(TBKTSG Online) – Ngày 27-3, hội thảo xúc tiến đầu tư với chủ đề “Miền Trung – Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” đã diễn ra tại Đà Nẵng, nhằm nêu ra những giải pháp mới để tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực này.

Cơ sở hạ tầng là thế mạnh

Miền Trung có điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế – văn hóa với các địa phương trong nước và quốc tế và còn là đầu mối quan trọng trong trục hành lang Ðông – Tây, cửa ngõ ra Biển Ðông và từ Biển Ðông vào đất liền của Lào, Campuchia và Thái Lan.

Theo ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư của Bộ Giao thông – Vận tải, sắp đến sẽ đẩy mạnh đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế – xã hội miền Trung. Về giao thông đường bộ, sẽ tập trung đầu tư để gắn kết miền Trung với phần còn lại của đất nước, kết nối giao thông đường bộ giữa miền Trung với các quốc gia trong khu vực trong chương trình phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Đường sắt Bắc Nam chạy qua các thị xã, thành phố đang được đưa ra bên ngoài song song với các đường bộ. Ngoài ra, sẽ đầu tư các tuyến đường sắt chuyên dụng gắn các cảng biển với hệ thống đường sắt quốc gia. Hệ thống các cảng biển của vùng sẽ được đầu tư, nâng cấp để sớm đi vào khai thác ở quy mô lớn là điều kiện quan trọng tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư cho cả vùng.

Hai sân bay quốc tế Đà Nẵng và Phú Bài, sân bay Chu Lai cũng được đưa vào khai thác sử dụng đáp ứng nhu cầu giao thương cho phát triển của các khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất. Hướng lâu dài là tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng sân bay Đà Nẵng, Phú Bài để thực sự xứng đáng là sân bay quốc tế của miền Trung.

Hiện số dự án đầu tư FDI tại đây lên đến 631 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,7% cả nước. Trong đó, riêng thành phố Đà Nẵng có 115 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 17,2% tổng vốn toàn khu vực.

“Cơ sở hạ tầng chính là thuận lợi để miền Trung thu hút các dự án đăng ký đầu tư lớn”, ông Viên khẳng định.

Phát triển du lịch và công nghiệp

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Trần Chiến Thắng nhận xét, miền Trung là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc với 5/7 di sản văn hóa thế giới. Mặt khác, nơi đây còn tập trung nhiều bãi biển vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, cũng như trên thế giới như Lăng Cô, Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Mỹ Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận)…

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch khu vực miền Trung còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, ngành du lịch miền Trung cần phải tăng cường hợp tác với Tổng cục Du lịch và các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt là trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm trên, giáo sư – tiến sĩ Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao và giá rẻ là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được ưu tiên trong kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch. “Nếu chúng ta không kịp thời chuyển hướng đào tạo đội ngũ nhân lực cho phù hợp với yêu cầu mới thì người lao động của chúng ta sẽ thất bại ngay trên sân nhà”, ông Ga nhận xét.

Theo ông Ga, để phát triển nguồn nhân lực tại miền Trung, cần thực hiện các giải pháp như: tăng cường dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho sinh viên, liên kết đào tạo với nước ngoài, thành lập thêm trường đại học, cao đẳng chuyên ngành, phối hợp với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập…

Còn về công nghiệp, các chuyên gia nhận xét: Không một nơi nào trên đất nước có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp như ở dải đất miền Trung.

Hiện toàn khu vực có 9  khu kinh tế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt như Chu Lai – Quảng Nam, Dung Quất – Quảng Ngãi, Bờ Y – Kon Tum, Nhơn Hội – Bình Định, Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Lao Bảo (Quảng Trị). Ngoài ra, miền Trung còn có 22 khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên 3.880 héc ta.

Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế tổng hợp đa ngành với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp, miền Trung cần phát huy lợi thế của vùng, xây dựng thành vùng tập trung công nghiệp chủ đạo, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp vật liệu xây dựng…

“Trước mắt, cần tập trung đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng”, ông Ân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư, cho rằng đầu tư nước ngoài tại đây đã có những dấu hiệu khả quan một phần là do khu vực này có nhiều tiềm năng và thế mạnh so với cả nước nhưng “để nắm bắt cơ hội, miền Trung còn có nhiều việc phải làm trong thời gian tới”.

THANH HẢI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới