Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng “thắt lưng buộc bụng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tín dụng “thắt lưng buộc bụng”

Hải Lý

Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Đã thấy ló dạng những chân rết của một cơ chế điều hành tiền tệ mới trong “Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)về triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ” trên website của NHNN. Những giải pháp có tính thị trường đan xen cùng những biện pháp hành chính nhằm tạo lập lại giá trị cho đồng nội tệ. Chưa thể biết kết quả sẽ ra sao, nhưng ít nhất bệnh đã được chẩn đoán và thuốc đã được kê đơn!

Hồ vốn: lớn và nhỏ

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, NHNN cho biết sẽ sử dụng linh hoạt công cụ dự trữ bắt buộc cùng với ba công cụ khác là lãi suất, thị trường mở, tái cấp vốn để điều tiết lượng tiền hút vào bơm ra. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng là 2,3 triệu tỉ đồng. Nếu tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng thêm 5-7 điểm phần trăm, tức là từ 3% lên 8-10%, thì NHNN sẽ ngay lập tức tạo được một “hồ vốn” rộng 115.000-161.000 tỉ đồng. Trữ lượng này đủ sức can thiệp thanh khoản cho bất cứ tổ chức tín dụng nào, đồng thời sẽ rút bớt lượng tiền trong lưu thông, tác động trực tiếp đến cung tiền.

Tuy nhiên, một khi đã tạo được hồ vốn lớn, phải “giải phóng” những hồ nhỏ. Chủ trương của NHNN là “điều chỉnh linh hoạt các tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ an toàn khác để hướng luồng vốn vào sản xuất kinh doanh”. Cho vay bất động sản và chứng khoán sẽ được siết chặt thêm nữa. Hiện tại theo Thông tư 13 và 19, các ngân hàng chỉ được cho vay tối đa 80% vốn huy động, 20% còn lại tạo thành những hồ nhỏ riêng biệt nhằm đảm bảo thanh khoản cho từng ngân hàng.

Tính ra tổng số vốn nằm trong các hồ nhỏ này lên tới 460.000 tỉ đồng. Chỉ cần một nửa số tiền trên được tháo gỡ bằng cách nâng tỷ lệ cho vay, giả sử, lên 90% vốn huy động, giá thành đầu vào của các ngân hàng sẽ giảm mạnh. Tỷ lệ 10% còn lại có thể dùng để điều chỉnh chặt hơn các khoản cho vay bất động sản, chứng khoán hoặc những ngành nghề lĩnh vực không cần thiết. Như vậy, từ chỗ các tổ chức tín dụng tự quản các hồ nhỏ của chính mình, vốn sẽ chảy vào hồ lớn do NHNN quản lý, điều tiết. Một khi có thực lực trong tay, NHNN mới có thể chủ động điều khiển “cuộc chơi” tín dụng theo nhu cầu thực của nền kinh tế và đòi hỏi chống lạm phát.

Hành chính là đây, thị trường là kia

Những chân rết tiếp theo là bốn thông tư mới sẽ được ban hành, cụ thể thông tư về lãi suất cơ bản, lãi suất trong trường hợp thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, thông tư thu phí cho vay, thông tư áp dụng lãi suất không kỳ hạn nếu người gửi rút trước hạn.

Vấn đề của hai thông tư đầu tiên đã được đề cập trong Luật các Tổ chức tín dụng, nhưng việc ban hành nó sẽ giúp mở rộng quyền điều hành của NHNN. Thông tư về thu phí cho vay một mặt hợp thức hóa những loại phí cần thiết phát sinh trong thực tế, mặt khác đặt ra một bộ khung để từ đây có thể chế tài, xử lý những hành vi vượt rào của ngân hàng – doanh nghiệp. Lẽ ra thông tư này phải được ban hành từ lâu rồi. Thông tư thứ tư thực chất là ba-ri-e hướng tới việc ngăn chặn chuyển dịch vốn từ nơi có lãi suất thấp đến nơi lãi suất cao mà nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện trong những “cơn sốt” lãi suất. Đây là một bước tạo lập lại sự ổn định của dòng vốn huy động.

Một chốt chặn khác là ban hành cơ chế kiểm soát việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, thực tế là ngân hàng cho vay với lãi suất cao. Đối với tín dụng ngoại tệ, mức tăng trưởng được khống chế ở mức 20% (năm ngoái mức tăng khoảng 50% ở TPHCM) thông qua việc sửa đổi quy định về đối tượng được vay ngoại tệ. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ giảm một khi cánh cửa tín dụng ngoại tệ được khép lại một nửa. Từ đó, mức tăng trưởng tín dụng chung sẽ giảm nhanh về dưới 20% như Chính phủ chỉ đạo.

Trong số các biện pháp hành chính, đáng chú ý là việc các tổ chức tín dụng phải đăng ký mức tăng trưởng tín dụng với NHNN. Năm 2010 tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh tương đối thấp so với mức chung toàn ngành, trong khi mức tăng của khối cổ phần, nhất là các ngân hàng nhỏ khá cao. Ngay cả khi việc đăng ký này mang tính tạm thời, có thể thay đổi tùy tình hình, thì ảnh hưởng của nó đến nhóm ngân hàng cổ phần là không thể phủ định. Các ngân hàng sẽ phải xoay xở nhiều hơn do lợi nhuận từ mảng tín dụng có khả năng sút giảm.

Giải pháp hành chính thứ hai là điều các ngân hàng không ưa chuộng: “tập trung thanh tra tại chỗ cho vay phi sản xuất, chất lượng tín dụng, các tỷ lệ an toàn hoạt động”. Có khả năng mảng cho vay tiêu dùng sẽ bị “đụng chạm” nhiều nhất. Bấy lâu nay, không ít khoản vay bất động sản hoặc chứng khoán “núp bóng” dưới mác “tiêu dùng”. Lãi suất cho vay tiêu dùng cũng thường cao nhất và cao hơn hẳn các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh chỉ số CPI tháng 3-2011 phải gánh cả việc tăng giá điện, giá xăng dầu và độ ngấm của việc tăng tỷ giá, thì tín dụng phải “thắt lưng buộc bụng” để cùng chính sách tài khóa chống lạm phát là điều không tránh khỏi. Bây giờ là thời điểm quan sát thuốc sẽ ngấm đến đâu và căn bệnh thoái lui với tốc độ nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới