Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tinh giản biên chế chỉ là khâu cuối cùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tinh giản biên chế chỉ là khâu cuối cùng

Nguyễn Thiện, Giám đốc Công ty truyền thông Tiêu Điểm

(TBKTSG) – Tin Bộ Nội vụ công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ theo đó từ năm 2014-2020 sẽ tinh giản 100.000 cán bộ nhân viên hưởng lương ngân sách đã được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bài viết này chỉ xin đề cập đến phần gốc của vấn đề tinh giản biên chế.

Chúng ta biết rằng: tái cơ cấu tổ chức bộ máy một đơn vị cụ thể đang hoạt động bao gồm (1) rà soát, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo yêu cầu mới, nhất là quan điểm mới; (2) thiết kế, xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp và khoa học để thực hiện chức năng nhiệm vụ; (3) cải cách luật lệ, quy định, quy trình, thủ tục, đặc biệt là ứng dụng rộng rãi các thành tựu của công nghệ thông tin để cơ cấu tổ chức bộ máy vận hành thực sự hiệu quả; (4) chọn cũ, tuyển mới, sắp xếp, bố trí nhân sự vào cơ cấu tổ chức theo yêu cầu đúng người, đúng việc và giải quyết biên chế dôi dư.

Như vậy, tinh giản biên chế chỉ là khâu cuối cùng. Điều đó cho thấy xác định đúng số người cần giảm là vấn đề đòi hỏi những căn cứ khoa học và thực tiễn. Cứ giả sử con số 100.000 là chính xác và việc tinh giản được tiến hành hoàn toàn công tâm với quyết tâm cao thì hiệu quả của nó cũng tùy thuộc vào chất lượng các khâu trước đó.

Điều quan trọng trước tiên là làm rõ phạm vi tái cơ cấu tổ chức bộ máy biên chế.

Có phải cải cách tất cả bộ phận hưởng lương ngân sách hay không hay chỉ là khu vực hành chính nhà nước? Về tổ chức công việc, cần xác định thật rõ Nhà nước cần làm gì và chuyện gì Nhà nước nên buông để dân làm, tức là cần làm rõ quan điểm cơ bản về vai trò của Nhà nước và vai trò đó đến đâu.

Chúng ta cần bộ máy quản lý nhà nước nhanh, nhạy, hiệu quả và linh hoạt, Nhà nước phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và điều này không đồng nghĩa với bộ máy to, cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Bộ máy nhà nước sử dụng tiền thuế của dân và của doanh nghiệp nên tổ chức bộ máy phải xuất phát từ yêu cầu của người đóng thuế: đó là nhà nước pháp quyền, thượng tôn luật pháp, thực sự tôn trọng dân từ những việc nhỏ nhất, không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các quan hệ dân sự. Làm sao để người đóng thuế nhận thấy sự tồn tại và hoạt động của các cơ quan, đơn vị sử dụng tiền thuế của dân là hợp lý và cần thiết. Nhiều người không thể hiểu được tại sao các tổ chức hội, đoàn thể không tự lo kinh phí mà Nhà nước phải bao cấp như mấy chục năm qua.

Trên nền tảng tổ chức lại công việc, về tiêu chí con người, đã đến lúc phải mạnh dạn lấy tiêu chí năng lực hoàn thành nhiệm vụ làm tiêu chí cơ bản để tuyển dụng, sử dụng và đề bạt cán bộ công chức. Làm được điều này thì mới… lật ngược thứ tự tuyển dụng, sử dụng mà dân gian đã đúc kết “phả hệ, tiền tệ, ba quan hệ, đồ đệ, trí tuệ”, mới sử dụng được hệ thống cơ sở vật chất đầu tư vào công tác quản lý một cách hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong việc thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, tạo niềm tin mạnh mẽ rằng hễ có tài thì sẽ được đứng ở vị trí cao, đem lại sự tin tưởng cho người dân và các nhà đầu tư, và điều này dẫn đến sự tiến bộ và thịnh vượng của quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới