Thứ Ba, 21/03/2023, 08:25
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tính hai mặt của cuộc chiến với sữa nhiễm melamine

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tính hai mặt của cuộc chiến với sữa nhiễm melamine

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đang kiểm tra một lô sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Hệ quả của cuộc chiến với sữa nhiễm melamine đã vượt qua sự hình dung ban đầu. Một mặt, nó dấy lên làn sóng toàn cầu tẩy chay sữa của Trung Quốc và truyền đi thông điệp về quyền được ăn sạch, uống sạch, cũng như biểu lộ sức mạnh của người tiêu dùng khi đồng lòng với Chính phủ chống lại sự vô lương tâm, coi thường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Mặt khác, nó cũng kéo theo nhiều bức xúc mới, mà điển hình là:

–  Đặt vô số các công ty và người kinh doanh sữa, cả Trung Quốc lẫn không phải của Trung Quốc, trên bờ vực phá sản vì đột ngột mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ. Nguy cơ tiêu hủy đàn bò sữa, sự đình trệ cả một ngành liên hợp công – nông nghiệp truyền thống ngày càng hiện rõ.

– Đặt người tiêu dùng trước những lựa chọn khó khăn, cho con nhỏ ăn gì, uống gì để vừa sạch, vừa bổ dưỡng. Đối với trẻ suy dinh dưỡng và các bà mẹ mất nguồn sữa mẹ tự nhiên, vấn đề còn bức xúc và thiệt thòi hơn. Có thể thấy, tâm lý lo lắng tập trung phần nhiều ở những người nghèo, người có thu nhập thấp, không có khả năng mua sữa đắt tiền cho con, tiếp nhận thông tin không đầy đủ, vừa cả tin vừa dễ hoang mang, nghi ngờ tất cả.

– Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cuộc chiến chống sữa độc nói trên đang mang lại cả cơ hội và thách thức mới. Nó khiến sữa Việt Nam “xịn”, tức không có melamine, trở nên hấp dẫn người tiêu dùng, kể cả với người tiêu dùng Trung Quốc.

Như vậy nó cũng mang lại cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng quy mô thị trường và quảng bá thương hiệu sữa Việt Nam. Đồng thời, nó cũng đang tác động tiêu cực đến những vùng cung cấp sữa tươi đạt chất lượng như Ba Vì, Mộc Châu do các bất cập trong công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng sữa của các cơ quan chức năng…

Trên thực tế, theo quy định hiện hành, tất cả các sản phẩm sữa và thực phẩm, bánh kẹo có liên quan đến nguyên liệu sữa trong nước bất kể của công ty nào, lấy nguồn nguyên liệu từ đâu, đều phải có được giấy chứng nhận kiểm nghiệm không có chất melamine mới được lưu hành.

Tuy nhiên, số trung tâm có chức năng làm kiểm nghiệm và chứng nhận kiểm nghiệm trên cả nước còn ít, hơn nữa quy trình nghiệp vụ này cũng đòi hỏi thời gian… Vì vậy, mới có cảnh nhiều doanh nghiệp không “chạy” kịp giấy chứng nhận “con” mới bổ sung, để có thể duy trì quyền phân phối sản phẩm, khiến doanh số của các doanh nghiệp này sụt giảm, sữa phải bị niêm phong.

Rõ ràng, cần có sự nhìn nhận lại cả về nhận thức, năng lực tổ chức lẫn các tác động hai mặt của cuộc chiến với sữa nhiễm melamine hiện nay từ các bên có liên quan… Cần phân biệt rõ hành vi cố ý pha trộn melamine vào sữa và dư lượng melamine có trong sản phẩm trong quy trình sản xuất (xem thêm bài dưới).

Trong thời gian trước mắt, một mặt các đơn vị chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với sữa và các sản phẩm có nguyên liệu từ sữa không có nguồn gốc rõ ràng, nhất là qua con đường tiểu ngạch với Trung Quốc.

Mặt khác, cần có sự chỉ đạo thống nhất và tập trung cả trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận chất lượng sữa, cũng như trong công tác thông tin, tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu đúng, đầy đủ và cập nhật tình hình, tránh hội chứng tẩy chay kiểu đám đông cảm tính hoặc do bị tuyên truyền “rỉ tai” một cách tiêu cực, thậm chí có chủ ý xấu, đối với các sản phẩm sữa đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây cũng là biểu hiện mới của yêu cầu Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Liều lượng melamine bao nhiêu là an toàn?

Hiện nay, câu chuyện melamine đang gây hoang mang cho người tiêu dùng trong nước vì thấy món hàng này đến đồ dùng khác, kể cả bao bì, có chứa melamine. Nhưng vấn đề không phải là vật dụng hay thực phẩm hàm chứa melamine, vì nhiều hàng hóa lưu hành trên thị trường đều hàm chứa một ít melamine, do đây là hóa chất thường sử dụng cho quy trình sản xuất giấy, bao bì…

Vấn đề là liều lượng melamine cỡ nào có thể gây tác hại đến sức khỏe cho con người. Các chuyên gia về an toàn thực phẩm của New Zealand cho biết việc xác định liều lượng melamine ở mức nguy hiểm (hay nồng độ melamine an toàn) vẫn còn rất khó khăn, vì không có dữ liệu khoa học ở người.

Tuy nhiên, sau khi các chuyên gia trên thế giới thảo luận qua e-mail, họ nhất trí rằng nồng độ melamine dung nạp hàng ngày có thể chấp nhận được (tiếng Anh là tolerable daily intake hay TDI) là 0,5 mg/kg cân nặng; còn Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đưa ra mức 0,63 mg/kg cân nặng.

Nói cách khác, thực phẩm hàm chứa melamine 5 ppm (5 phần triệu) không gây tác hại đến sức khỏe con người. Xin nói thêm rằng ngưỡng an toàn 5 mg/kg cân nặng tương đương với 5 ppm (5 phần triệu) cho phần lớn thực phẩm. Nồng độ 5 ppm hay 5 mg/kg cân nặng được xem là “bảo thủ”, tức rất nghiêm ngặt.

Khái quát hóa từ tiêu chuẩn trên, chúng ta có thể nói cứ mỗi ki lô gam cân nặng, một người có thể hấp thu 0,5 mg melamine mỗi ngày. Chẳng hạn như một em bé cân nặng 20 ki lô gam thì liều lượng melamine an toàn là 10 mg/ngày; hay một người lớn nặng 60 ki lô gam thì có thể dùng 30 mg/ngày mà không gây tác hại đến sức khỏe.

Theo báo chí, qua xét nghiệm một số sữa lưu hành trên thị trường Việt Nam thì nồng độ melamine cao nhất là 6 ppm, tức cũng chưa thể xem là có nguy hại cho sức khỏe. Vì thế, tôi nghĩ giới truyền thông cần thận trọng khi đưa tin để tránh làm hoang mang công chúng, mà có thể làm thiệt hại đến những nông dân Việt Nam đang làm ăn lương thiện cung cấp sữa cho thị trường.

Nguyễn Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Úc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới