Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tình hình kinh tế 6 tháng: nóng nhất là lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tình hình kinh tế 6 tháng: nóng nhất là lãi suất

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Nền kinh tế trong nửa đầu năm 2011 gặp nhiều khó khăn do tác động bên ngoài và những bất cập nội tại mà nổi bật là lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm nay xác nhận mức lãi suất huy động bình quân là 15,5%, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái, nhưng thực tế huy động và cho vay của các ngân hàng vẫn vượt qua con số trên.

Trong phiên họp cuối cùng của Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII tổ chức tại TPHCM ngày 24-6 về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng hơn 13% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 16,08%  so với cùng kỳ năm 2010. Khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ, khá hạn chế, gây áp lực làm tăng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại, tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Cũng theo Bộ Tài chính, nhập siêu 6 tháng đầu năm ước tăng khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu, thị trường bất động sản đóng băng, giao dịch trầm lắng…

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 10-6, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,33% (mục tiêu cả năm tăng khoảng 15%) so với tháng 12 năm trước, tín dụng tăng 7,05% cũng so với tháng 12/2010.

Tín dụng tăng thấp nhưng các ngân hàng thiếu thanh khoản, buộc phải nâng lãi suất huy động vốn ở mức 15,5%/năm, cao hơn khoảng 3% so với cuối năm 2010. Các tổ chức tín dụng cạnh tranh nhau bằng công cụ lãi suất thông qua việc thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền vượt mức lãi suất trần. Lãi suất cho vay tiền đồng bình quân 18,6%, tăng 3,2% so với cuối năm 2010, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu phổ biến khoảng 16 đến 19%, lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh khác khoảng 18% đến 21%/năm. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất khoảng 20 đến 25%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động tiền đồng bình quân thực tế khoảng 3%/năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình lãi suất có sát thực tế hơn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Bộ Tài chính, lãi suất huy động vốn bình quân của các ngân hàng là 15,4%, cá biệt có ngân hàng huy động đến 19%-20%, lãi suất cho vay bình quân là 18,3%, song có ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất 23% đến 25%.

Đó là các con số báo cáo. Thực tế lãi suất huy động của các ngân hàng đều vượt mức 17% trở lên (với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng ) và lãi suất cho vay ra đều xấp xỉ từ 20% với điều kiện giải ngân không dễ dàng.Các bộ đều có nhận xét, lãi suất tăng cao cộng với chi phí đầu vào tăng theo đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp 6 tháng qua, nhất là trong điều kiện nền kinh tế vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Dự báo từ nay đến cuối năm khó khăn càng trầm trọng hơn.

Bộ Công thương dự báo, thậm chí cả lĩnh vực xuất khẩu vốn được lợi nhờ giá hàng hóa thế giới tăng trong 6 tháng đầu năm cũng sẽ không còn lợi thế cao trong 6 tháng cuối vì nhóm hàng nông sản, thủy sản dự báo lượng xuất đi khó tăng, nhóm nguyên liệu và khoáng sản giá cũng bắt đầu chững lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới