Tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng
Phúc Minh
![]() |
Sáng ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP |
(TBKTSG Online) – Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng sau khi Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị vụ thử hạt nhân mới nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân (25-4), trong khi Mỹ đã cử nhóm tàu chiến cùng tàu sân bay Carl Vinson đến vùng biển ngoài khơi khu vực này, theo báo New York Times.
Ngày 23-4, tàu sân bay Carl Vinson cùng nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung, dự kiến diễn ra vài ngày, với các tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) ở Tây Thái Bình Dương. Theo thông báo, các tàu sẽ tiến hành hoạt động diễn tập chiến lược và thông tin liên lạc với mục đích cải thiện khả năng phản ứng và phòng vệ kết hợp trên biển, tăng cường sự phối hợp nhuần nhuyễn và đảm bảo các lực lượng trên biển sẵn sàng bảo vệ khu vực khi được điều động. Cuộc tập trận này được cho là nhằm đối phó với bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tiếp theo nào của Triều Tiên.
Báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) tuyên bố quân đội Triều Tiên đã sẵn sàng “đánh chìm hạm đội Mỹ chỉ trong 1 đòn tấn công”.
Mỹ không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên, nhưng trước mắt phương án hợp tác với Trung Quốc để gây sức ép lên Triều Tiên đang được ưu tiên.
Lãnh đạo Mỹ, Nhật, Trung điện đàm về tình hình Triều Tiên
Sáng ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc điện đàm trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe nhấn mạnh việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Ông Abe cho biết ông và ông Trump đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về tình hình Triều Tiên. Ông Abe cũng đánh giá cao quan điểm của ông Trump về việc Mỹ để ngỏ các giải pháp về Triều Tiên trên bàn đàm phán. Hai nhà lãnh đạo nhất trí việc thúc giục Triều Tiên kiềm chế và không khiêu khích khiến tình hình thêm căng thẳng.
Cũng trong sáng ngày 24-4, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo CCTV, ông Tập đã mạnh mẽ phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cho rằng Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Tuy nhiên, ông hy vọng “tất cả các bên sẽ kiềm chế và tránh làm trầm trọng thêm tình hình” trên bán đảo Triều Tiên.
Đáp lại, Tổng thống Trump thúc giục Trung Quốc, nước có tiếng nói quan trọng với Triều Tiên, gây thêm áp lực với chính quyền Kim Jong-un.
Úc đáp trả lời hăm dọa của Triều Tiên
Không chỉ có Mỹ, Triều Tiên cũng dọa sẽ tấn công hạt nhân Úc, sau khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đề cập khả năng Úc mở rộng cấm vận Triều Tiên. Hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: “Nếu Úc nhất định nối gót Mỹ cô lập Triều Tiên, đây sẽ là hành động tự sát, tự đưa mình vào tầm tấn công của lực lượng hạt nhân chiến lược Triều Tiên. Ngoại trưởng Úc nên nghĩ kỹ về hậu quả trước khi phát ngôn chạy theo Mỹ”.
Phía Úc lập tức có phản ứng trước đe dọa tấn công hạt nhân trả đũa từ phía Triều Tiên. Ngoại trưởng Bishop kêu gọi Triều Tiên tập trung vào chăm lo đến an sinh xã hội thay vì đầu tư vào việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Truyền thông Úc dẫn lời bà Bishop nói việc Triều Tiên nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân các nước khác cho thấy sự cần thiết buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Anh đóng băng tài sản Công ty bảo hiểm quốc gia Triều Tiên
Truyền thông Anh ngày 23-4 đưa tin Anh vừa đóng băng tài sản của Công ty bảo hiểm quốc gia Triều Tiên (KNIC) có trụ sở tại Blackheath, London (Anh) với cáo buộc công ty này cung cấp tiền cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tổng tài sản của công ty này ước tính lên đến 130 tỉ won Triều Tiên (tương đương 113 triệu bảng Anh) vào năm 2014.
Theo các quy định của Liên minh châu Âu (EU), Anh áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với những bên được coi là tham gia hoặc hỗ trợ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
EU đã cảnh báo KNIC "tạo ra doanh thu ngoại hối khổng lồ được sử dụng để hỗ trợ chính phủ Triều Tiên. Những nguồn lực này có thể nhằm hỗ trợ cho chương trình liên quan đến hạt nhân, tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Triều Tiên".