Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tính theo cách ILO, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tính theo cách ILO, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh

Thuỳ Dung

Tính theo cách ILO, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh
Nông dân sản xuất tự cung tự cấp mà không có hoặc có rất ít mối liên hệ với thị trường có thể sẽ xếp vào nhóm thất nghiệp – Ảnh: Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ họp với Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) để đưa ra một cách tính tỉ lệ thất nghiệp phù hợp nhất với điều kiện kinh tế Việt Nam sau khi con số công bố 1,84% thất nghiệp trong quí 2-2014 gây tranh cãi gay gắt trong xã hội.

Nếu tính theo phương pháp ILO đưa ra, tỉ lệ thất nghiệp có thể cao hơn nhiều.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho hay, hạn chế lớn nhất trong phương pháp tính tỉ lệ thất nghiệp của nước ta chính là việc chọn mẫu, việc chọn mẫu có hiệu quả thì kết quả mới chính xác.

“Các nước phát triển có hệ thống đăng ký thất nghiệp chính xác tới từng người. Trong khi việc thống kê thất nghiệp ở nước ta hoàn toàn dựa vào kết quả chọn mẫu của Tổng cục Thống kê cho nên khó có thể chính xác được" – ông Huân nói.

Trả lời câu hỏi liệu Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê có sử dụng phương pháp thống kê mới về tỉ lệ thất nghiệp mà ILO đưa ra trong Nghị quyết của Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế (ICLS) lần thứ 19 hay không, Thứ trưởng Huân cho hay, quan điểm của Bộ LĐTBXH là sẽ dần tiếp cận với những phương pháp thống kê mới của thế giới nhưng việc này cần thực hiện từng bước một, tránh gây sốc cho xã hội khi quí 2-2014 tỉ lệ là 1,84% nhưng nếu áp dụng phương pháp trên thì các quí sau tỉ lệ thất nghiệp lên rất cao.

Đồng thời, Thứ trưởng Huân cho hay trước mắt cần phải định nghĩa thất nghiệp như thế nào cho phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Dần dần Bộ LĐTBXH sẽ chỉ còn là đơn vị phối hợp với Tổng cục Thống kê để đưa ra con số thất nghiệp hàng quí chứ Bộ LĐTBXH không đứng ra công bố như hiện nay nữa.

Phương pháp thống kê và định nghĩa về thất nghiệp mà Việt Nam đang sử dụng xuất phát từ Nghị quyết của Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế (ICLS) lần thứ 13 năm 1982. Khái niệm này được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Tuy nhiên, định nghĩa này tỏ ra hạn chế ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động như tỷ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp.

Chính vì vậy, hội nghị ICLS lần thứ 19 vào tháng 10-2013 đã đưa ra một nghị quyết mới về thống kê việc làm.

Theo định nghĩa mới được đưa ra trong ICLS 19, những người có việc làm là những người trên 15 tuổi có tham gia mà trong một khoảng thời gian nhất định vào một hoạt động sản xuất ra hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ để được trả lương hoặc kiếm lợi nhuận.

Như vậy, sẽ có một sự thay đổi đáng kể trong tỉ lệ thất nghiệp, vì khi đó những lao động nằm trong khu vực nông nghiệp, tự cung tự cấp hàng hoá, hoặc có rất ít sự kết nối với thị trường; những người lao động muốn làm thêm nhiều giờ hơn, ngang với số giờ lao động bình thường; những người không nằm trong lực lượng lao động bởi họ đã quá chán nản và không còn đi tìm việc nữa; thực tập không lương, việc làm tự nguyện…sẽ không được liệt kê vào nhóm có việc làm.

Theo ILO, việc thực hiện có thể cần một thời gian thử nghiệm, và trong thời gian đó Việt Nam vẫn nên giữ những phương pháp thống kê hiện tại, nhằm giúp công chúng có thời gian để hiểu về những thay đổi trong công tác thống kê lực lượng lao động.

Đọc thêm:

Thống kê tỉ lệ thất nghiệp: chuẩn quốc tế có chuẩn với Việt Nam?

Không phải chỉ 72.000 cử nhân thất nghiệp, con số mới là 162.000

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới