Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Titan và du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Titan và du lịch

Khai thác titan trái phép ngay bên cạnh một khu du lịch đang được xây dựng ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: V.N.

(TBKTSG) – Sau khi phát hiện trữ lượng cát đen (titan) ở các khu vực dọc theo bờ biển lên đến hàng triệu tấn, chính quyền tỉnh Bình Thuận đang đứng trước sự chọn lựa khó khăn: tiếp tục phát triển du lịch với các khu nghỉ dưỡng cao cấp hay chuyển sang các dự án khai thác khoáng sản?

Mỏ titan “lấn sân” khu du lịch

Cuối tháng 4, ông Nguyễn Thành Bích, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Biển Xanh, đã công bố với báo chí về việc các đối tác nước ngoài của Biển Xanh rút khỏi dự án xây dựng khu du lịch Life Resort ở khu vực suối Nhum, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết.

Theo ông Bích, nguyên nhân là do đối tác nước ngoài lo ngại một dự án khai thác titan mới được cấp phép ở sát bên dự án Life Resort sẽ gây ô nhiễm môi trường. Không riêng chủ đầu tư dự án Life Resort, năm công ty khác cùng có dự án xây dựng khu du lịch ở khu vực này cũng lên tiếng phản ứng vì ngại khai thác khoảng sản sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch.

Dự án khai thác titan nói trên là của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hợp Long, được cấp phép khai thác quặng ilmenit, zircon và rutil trên diện tích 181 héc ta trong thời gian bốn năm ba tháng. Tổng trữ lượng titan được khai thác gồm ilmenit khoảng 212.000 tấn, zircon khoảng 38.000 tấn và rutil khoảng 6.800 tấn. Bên cạnh dự án của Công ty Hợp Long, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang muốn xin khai thác titan tại tỉnh Bình Thuận. Lý do là khai thác titan vừa ít vốn đầu tư, vừa nhanh thu lợi hơn so với đầu tư vào du lịch.

Hiện tại, dọc theo con đường 709, đoạn từ mũi Khe Gà thuộc xã Thuận Quý đến xã Tiến Thành có khoảng vài chục bảng dự án các khu du lịch được dựng lên ven đường. Một số khu đã đi vào hoạt động, một số khác thì đang xây dựng, thậm chí có khu chỉ là mảnh đất trống được cắm bảng để xác định sự hiện diện. Từ vùng suối Nhum trở lên cũng có hàng chục bảng thông báo dự án khu du lịch dựng san sát nhau.

Một nguồn tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, cả tỉnh hiện đang có 403 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 19.400 tỉ đồng; nhiều nhất là thành phố Phan Thiết với 208 dự án, huyện Hàm Thuận Nam có trên 90 dự án, tập trung nhiều nhất tại khu vực ven biển từ suối Nhum đến mũi Khe Gà.

Trong khi hoạt động xây dựng các khu du lịch diễn ra rất sôi động trên cung đường dọc biển này thì việc khai thác titan cũng không hề kém cạnh. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, hiện có khoảng 18 dự án đăng ký khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một vài dự án đã triển khai hoạt động, có dự án tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt. Đó là chưa kể những khu vực khai thác lậu, cũng đang hoạt động khá sôi nổi.

Khó xử vì… giàu tiềm năng!

Ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh đã nhận được phản ảnh của những nhà đầu tư du lịch tại khu vực khai thác titan của Công ty Hợp Long. Tỉnh cũng đã tổ chức hai cuộc họp giữa ba bên, gồm chính quyền, chủ khai thác mỏ và chủ dự án du lịch để bàn cách giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra cách thức tốt nhất để không bên nào bị thiệt. “Thật lòng mà nói thì chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng đang khó xử”, ông Thu nói.

Trên thực tế, những dải đất dọc bờ biển, nơi lý tưởng cho các khu du lịch, thì cũng là nơi chứa nhiều mỏ titan lộ thiên, rất dễ khai thác. Titan là tài nguyên khoáng sản của quốc gia nên dù cho có chọn du lịch là ngành mũi nhọn thì tỉnh Bình Thuận cũng không thể nói không với các dự án khai thác titan.

Ông Thu lý giải, theo Luật Khoáng sản, khi phát hiện và công bố có mỏ titan với trữ lượng lớn thì phải tiến hành khai thác hết lượng titan, hoàn thổ xong mới được phép triển khai các dự án ngành nghề khác, trừ trường hợp khu vực được công bố là mỏ dự trữ. Và các dự án khai thác titan thuộc quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên Môi trường, tỉnh không thể quyết định. Trong khi đó, do thông tin về trữ lượng và khu vực có mỏ titan có sau khi tỉnh đã cấp phép cho các dự án du lịch nên đã nảy sinh tình trạng dự án chồng dự án mà vụ khai thác mỏ titan của Công ty Hợp Long là một ví dụ.

Hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với Cục Tài nguyên khoáng sản, thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, rà soát và tổng hợp số liệu chính thức về trữ lượng, khu vực khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát sơ bộ, ngoài Hàm Thuận Nam, một số khu vực khác như Hàm Tân, Bắc Bình, khu vực bắc thành phố Phan Thiết cũng được xác định có mỏ titan. Dự đoán, tổng trữ lượng titan ở Bình Thuận có thể lên đến 4 triệu tấn; trong đó khu vực Suối Nhum có khoảng 275.000 tấn. “Sự lo ngại của các chủ đầu tư khu du lịch là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại thì tỉnh không thể chọn một trong hai”, ông Thu nói.

Chọn cả hai?

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của Bình Thuận đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm khoảng 39-40%, du lịch và dịch vụ chiếm 40%, còn lại là nông, ngư nghiệp. Theo ông Thu, xác định cơ cấu kinh tế như vậy đồng nghĩa với việc tỉnh sẽ tập trung khai thác các thế mạnh tiềm năng sao cho hiệu quả nhất. “Chúng tôi xác định du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Và để giữ vững mục tiêu này, tỉnh đang tính toán biện pháp dung hòa cả hai ngành du lịch và khai thác khoáng sản”, ông Thu nói.

Trước mắt, với dự án của Công ty Hợp Long, tỉnh đã buộc chủ đầu tư đảm bảo khoảng cách an toàn cho các khu du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã cam kết triển khai một số biện pháp để tránh ô nhiễm nguồn nước, bụi và tiếng ồn như không dùng nước biển để lọc quặng mà thay thế bằng nguồn nước khác, làm một con đường khác để vận chuyển khoáng sản thay cho đường 709. Bên cạnh đó, công tác hoàn thổ, tạo dựng cảnh quan ngay sau khi dự án hết hạn cũng được Hợp Long cam kết thực hiện.

Theo chính quyền tỉnh Bình Thuận, do hầu hết các khu du lịch tại khu vực này đều chưa thi công nên đây là cách giải quyết tốt nhất. Dự án của Hợp Long chỉ có thời hạn trong bốn năm ba tháng nên trong khi công ty này khai thác khoáng sản thì các chủ đầu tư khác cũng có thể tiến hành xây dựng khu du lịch. “Điều này có thể sẽ khiến thời gian đầu tư dự án bị kéo dài nhưng tỉnh cũng mong các nhà đầu tư thông cảm”, ông Thu nói.

Về tổng thể, Bình Thuận sẽ thảo luận với Bộ Tài nguyên Môi trường để chọn cách giải quyết ổn thỏa nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành du lịch, vốn là thế mạnh lâu nay của tỉnh. Theo đó, với những nơi mỏ có trữ lượng không lớn, nằm ngay khu vực đang phát triển du lịch thì tỉnh sẽ đề nghị không khai thác để ưu tiên cho du lịch.

ĐÀO LOAN – VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới